Kết nối với con đang ở tuổi dậy thì không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, cha mẹ có thể áp dụng những cách thức phù hợp để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với con
Chủ nhật vừa rồi, chúng tôi đến nhà Hoàng Lan (quận Tân Phú, TP HCM, bạn học thời cấp 3) theo lời mời. Ra mở cửa cho tôi là Thái Toàn, con trai của bạn, đang học năm ba Trường Đại học Ngoại thương TP HCM. 21 tuổi, Toàn rất chững chạc, bắt chuyện lễ phép, hoạt bát.
Giữ bình tĩnh và kiên nhẫn với con
Nghe chúng tôi dành nhiều lời khen cho con trai, bạn tôi cười hạnh phúc: "Ngày trước, khi con học lớp 10, vợ chồng mình cũng từng đau đầu. Để con được như hôm nay, không dễ chút nào".
Cũng như nhiều đứa trẻ khác, bước vào tuổi dậy thì, Toàn thay đổi tính nết - hay khó chịu, cáu giận, nghe lời bạn bè hơn là gia đình, thích lướt TikTok…
"Có lần để ý thấy thằng bé luôn mặc áo kín cổ, mình không hiểu vì sao, hỏi thì con nói thích vậy. Tình cờ phát hiện hình xăm trên bả vai con, mình muốn xỉu. Hai vợ chồng cùng làm nghề giáo nên có cái nhìn khá khắt khe với việc này nhưng mình cũng hiểu nó đang ở tuổi nổi loạn, không thể quát mắng, trách phạt …" - Lan kể.
Biết sự việc, chồng Lan quyết định rủ rê thằng bé ra quán cà phê tâm sự. Thì ra, trong một lần cả nhà ngồi ăn cơm, vợ chồng Lan có lời khen một nhóm bạn trẻ xăm đầy người nhưng hay đi làm thiện nguyện, giúp đỡ những người già neo đơn.
"Vợ chồng mình nói lâu nay ác cảm với những người xăm mình, cho rằng chỉ dân giang hồ, giới ăn chơi mới làm vậy. Mấy bạn trẻ này đã cho mình cái nhìn khác, không thể đánh giá con người qua vẻ bên ngoài hay hình xăm, tốt hay xấu thể hiện qua cách sống, việc làm của họ…
Chỉ là câu chuyện kể trong bữa ăn, không ngờ thằng bé lại nhớ. Khi anh hỏi nó hình xăm trên bả vai, nó lấy câu chuyện trên ra "lý sự".
Lúc đó, anh phải từ từ phân tích cơ thể là của con, xăm mình không xấu nhưng cần bảo đảm an toàn về sức khỏe, phù hợp với môi trường xã hội mà con tham gia, phù hợp với quy tắc chung của gia đình, nhà trường. Con còn đi học, trường học có quy định học sinh không được xăm mình, nếu thầy cô phát hiện, sẽ rất phiền hà cho con.
Sau này con vào đại học hoặc làm một công việc mà môi trường đó, người ta không cho phép có hình xăm trên cơ thể, như vậy con cũng sẽ mất đi cơ hội…" - Lan chia sẻ quá trình vợ chồng cô lắng nghe, thuyết phục con. Cuối cùng, thằng bé chịu đi phá hình xăm, dù có hơi buồn.
Lan nói sau lần đó, vợ chồng bạn cố gắng sắp xếp đưa các con đi du lịch, chơi thể thao... để gia đình gắn kết, chia sẻ mọi vui buồn, suy nghĩ, đồng thời tạo cho các con cảm giác được quan tâm, tin tưởng và yêu thương.
Chồng Lan thường xuyên kể cho con nghe về những trải nghiệm của bản thân khi còn ở tuổi dậy thì, giúp con hiểu ba mẹ luôn thấu hiểu và sẵn sàng hỗ trợ. Bây giờ mỗi khi nhắc lại, thằng bé hay nói: "Giờ nghĩ lại hồi đó con "trẻ trâu" quá".
Minh họa: KHỀU
Khuyến khích con phát triển sở thích
Góp chuyện về bí quyết kết nối với con tuổi dậy thì, Minh Anh - một người bạn khác của tôi (luật sư, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) - kể con gái (đang học lớp 10) có học lực trung bình khá, đam mê nấu bếp, làm bánh và mơ ước trở thành đầu bếp lớn.
Trong khi đó, gia đình chồng bạn chỉ toàn bác sĩ, kỹ sư, có người là giáo sư, tiến sĩ. Ngay cả con trai lớn của bạn cũng đang là sinh viên y khoa.
"Học lực, sở thích của con bé như vậy, khác hoàn toàn với các thành viên trong gia đình, thật sự vợ chồng mình buồn lắm.
Năm lớp 7, thấy con không theo kịp bạn bè, mình cho đi học thêm rồi mời gia sư kèm cặp nhưng không cải thiện bao nhiêu vì con không hứng thú học; ngược lại con trở nên mệt mỏi, lầm lì, không muốn chia sẻ chuyện gì với ba mẹ, xa lánh anh trai.
Sau này mới biết "con nói ước mơ của con mà mọi người có nghe đâu, anh còn chê cười con nữa" - Minh Anh tâm sự.
Cuối cùng, vợ chồng bạn cũng hiểu mỗi người có khả năng học tập, năng khiếu, sở thích khác nhau. Làm nghề gì cũng được, miễn là có ích cho xã hội và bản thân mình thấy hạnh phúc.
Họ quyết định tôn trọng và ủng hộ sở thích, đam mê của con, khuyến khích con cố gắng hoàn thành chương trình lớp 12 rồi thi vào trung cấp hoặc cao đẳng nghề liên quan ẩm thực.
"Mình nói với con những suy nghĩ, trăn trở và thấu hiểu của ba mẹ về mơ ước của con; khuyên con nếu đã quyết định như vậy thì phải tự tin và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
Mình đưa con đi học nấu ăn, cùng con xem những kênh YouTube về nấu ăn và trình bày các món ăn; chồng mình thỉnh thoảng lại "tha" về máy nướng bánh, làm kem, đánh bột…
Cuối tuần, cả nhà thưởng thức món ăn do con biểu diễn rồi góp ý, động viên con. Nhờ vậy, con gái ngày càng tự tin, vui vẻ, cởi mở, vợ chồng mình cũng thấy nhẹ lòng hơn.
Bài học rút ra cho mình và có thể cho nhiều cha mẹ khác chính là phải học cách lắng nghe con; khuyến khích con phát triển sở thích, năng khiếu; không phán xét, chỉ trích hay ép buộc con phải theo khuôn khổ của mình. Chỉ như vậy mới có thể làm bạn, đồng hành với con" - Minh Anh đúc kết.
Là giáo viên dạy ngữ văn nhiều năm và từ câu chuyện của mình, Hoàng Lan chia sẻ kết nối với con là quá trình lâu dài, cần sự kiên trì của cha mẹ. Đặc biệt, cha mẹ cần đặt ra những quy tắc, giới hạn rõ ràng để con hiểu và tuân theo. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/ket-noi-voi-con-dang-tuoi-day-thi-196240406203448797.htm