Quán cà phê mang tên Ký Hiệu, vì vợ chồng chủ quán đều câm điếc. Đừng ngạc nhiên khi bạn bước vào quán, nhận menu từ nhân viên với dòng chữ ghi sẵn: "Tôi là người điếc (không thể nghe và nói), vui lòng chỉ tay chọn cà phê"...
Số phận không lấy đi tất cả...
Giơ tay ra ký hiệu, chủ quán gật đầu... Đấy là cách mà khách đến mua cà phê tại quán cà phê mang đi của vợ chồng Phan Thế Anh Xuân (38 tuổi) và Nguyễn Thị Yến (37 tuổi, P.Đồng Phú, TP.Đồng Hới, Quảng Bình).
Cũng giống như cách thức mà khách hàng mua cà phê, quán được đặt tên là Ký Hiệu, bởi cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật.
Vợ chồng anh Xuân, chị Yến mắc bệnh câm điếc bẩm sinh BÁ CƯỜNG
Khi chúng tôi ghé quán cà phê đặc biệt này, anh Xuân nở nụ cười chào đón rồi đưa thực đơn kèm dòng chữ: "Tôi là người điếc (không thể nghe và nói), vui lòng chỉ tay chọn cà phê". Một chút cảm xúc lạ lẫm ùa đến khi đọc dòng chữ trên menu, một phần cảm thương, một phần nể phục ý chí của họ.
Trò chuyện với chúng tôi thông qua cuốn sổ tay, anh Xuân cho biết anh bị câm điếc bẩm sinh. Tưởng như số phận đã lấy đi nhiều thứ, nhưng rồi hiện nay anh lại đang có được hạnh phúc, công việc như bao người bình thường.
Ki ốt cà phê nhỏ nằm bên vỉa hè lúc nào cũng có khách ghé mua BÁ CƯỜNG
"Tôi lấy vợ năm 30 tuổi, lúc đó vui lắm vì đâu nghĩ bản thân mình bị thế này lại có vợ. Vợ của tôi cũng mắc câm điếc bẩm sinh giống tôi. Nhưng mặc kệ tất cả, chúng tôi vẫn cố gắng để xây dựng hạnh phúc cho riêng mình", anh Xuân ghi trên cuốn sổ.
Nói chuyện một hồi, bà Nguyễn Thị Đào (60 tuổi, mẹ anh Xuân) từ nhà ra quán để phụ. Bà Đào chia sẻ, gia đình có 4 người con, trong đó anh Xuân là con cả.
Tình yêu "vô thanh"
Bán cà phê mang đi, nên quán cà phê của vợ chồng anh Xuân chị Yến ít phục vụ tại chỗ. Họ đặt một chiếc xe đẩy, sáng sớm đẩy từ nhà cách đó chừng 200 m ra vỉa hè. Khi có đơn giao hàng, bà Đào là người ở nhà vừa trông nom cháu vừa nhận đơn rồi ra quán thông báo. Đơn nào gần thì bà Đào tự mình đi giao, xa hơn thì gọi shipper.
Anh Xuân trò chuyện với chúng tôi bằng cách viết lên sổ tay BÁ CƯỜNG
"Hồi xưa hai đứa quen nhau qua mạng, đến năm 2017 thì Xuân bất ngờ nói với tôi muốn đến thăm nhà của Yến. Nhà Yến ở tận Nghệ An, nhưng thương con và cũng mong nó có hạnh phúc nên tôi đưa nó đi để cả hai gia đình gặp nhau", bà Đào nhớ lại.
Sự vụng về của chàng trai câm điếc cũng như những lo ngại của người mẹ già đã khiến buổi gặp mặt lần ấy đáng yêu hơn bao giờ hết. Vài tuần sau, nhà gái tìm vào Quảng Bình. Thế rồi, đám cưới của cặp vợ chồng câm điếc được tổ chức.
Menu của quán đơn giản, nhưng có dòng chữ khiến nhiều người đặt chân đến quán phải chùng lòng... BÁ CƯỜNG
"Thời điểm hai đứa lấy nhau, cũng lo ngại nhiều thứ lắm. Ban đầu, vợ chồng mưu sinh bằng nghề may áo quần của Yến. Nhưng thu nhập thấp cùng với việc cả hai không muốn phụ thuộc vào tôi quá nhiều, chúng tìm tòi thế nào giờ lại có quán cà phê này", bà Đào nói.
Để không trở thành gánh nặng của người mẹ già, anh Xuân và chị Yến tự tìm hiểu cách pha chế trên các mạng xã hội rồi làm thử. Được người nhà động viên, cả hai liền mở ki ốt cà phê, mỗi ngày bán được từ 80 - 100 ly.
Cả hai đã cùng nhau vun vén tình yêu trong vô thanh BÁ CƯỜNG
Có được công việc mang lại thu nhập ổn định, cả hai thầm lặng xây dựng hạnh phúc cho riêng mình với 2 con nhỏ. May mắn, cả 2 cháu đều sinh ra khỏe mạnh.
Từ những cái chỉ tay trong thinh lặng, những tiếng ú ớ mà chỉ 2 người hiểu, họ gầy dựng tổ ấm gia đình như bao người khác, cùng vượt qua nghịch cảnh...
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/quan-ca-phe-la-khach-chi-chu-gat-chuyen-tinh-vo-thanh-cua-ong-ba-chu-185240301123805116.htm