Không ít người cho rằng phép lịch sự chỉ để giao tiếp với người ngoài, còn vợ chồng thì nói gì và nói như thế nào chả được, thậm chí không nói cũng chẳng sao. Liệu có ổn?
Thường xuyên trò chuyện thân thiết với bạn đời cũng là cách giữ lửa hôn nhân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hôn nhân là một hành trình cần sự vun đắp, cố gắng của cả hai người để cùng nhau trải qua những sóng gió, thăng trầm và hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi chính những bộn bề của cuộc sống khiến nhiều cặp chồng vợ không còn quan tâm đến cảm xúc của nhau, ít trò chuyện với nhau…
Quen quá hóa… im
Lấy nhau gần 20 năm, có hai con đủ nếp tẻ nhưng dường như việc trao đổi, chuyện trò giữa hai vợ chồng chị Thanh Nga (48 tuổi, ngụ Rạch Giá, Kiên Giang) ngày càng trở nên hiếm.
Chị kể: "Buổi sáng chồng mình thường đi làm sớm, ít khi nói được với vợ câu nào. Cùng lắm anh chỉ nói chiều về trễ do tiếp khách. Tối về, những câu nói của cả hai chỉ xoay quanh vài câu hỏi như mai ăn gì, công việc thế nào, rồi anh lại chăm chú vào chiếc điện thoại".
Chị Nga buồn bã kể mỗi ngày anh có hàng chục cuộc điện thoại khác nhau, hết đối tác rồi bạn bè, có cuộc kéo dài cả tiếng, vậy mà với vợ thì anh chẳng nói câu nào. Vài lần chị cảnh báo chồng về những cuộc trò chuyện của vợ chồng chị ngày càng ít, anh chỉ chép miệng: "Vẽ vời, sống với nhau hơn chục năm, quá hiểu nhau, cần gì phải nói nhiều".
"Thực sự hằng ngày tôi thấy anh giống cái bóng trong nhà nhiều hơn là hình ảnh một người chồng. Dù không cãi vã, mâu thuẫn nhưng tôi cảm thấy quá chán ngán", chị Nga tâm trạng.
Đừng để quá muộn!
Vợ chồng không nói chuyện với nhau là do họ không muốn nói hoặc không biết nói gì. Có cặp đôi do thời gian trôi qua khiến họ quá hiểu về nhau, không còn hứng thú để tìm hiểu thêm như ban đầu, hoặc họ bị cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn đi, phần lớn tâm trí không còn dành cho nửa kia của mình nữa...
Một số nghiên cứu về đời sống gia đình cho thấy nếu vợ chồng không dành cho nhau ít nhất từ 15-30 phút mỗi ngày để trò chuyện với nhau thì phần nhiều các cuộc hôn nhân đó đang gặp phải những vấn đề nào đó.
Trong thực tế, không ít người vợ than phiền chồng mình dành thời gian trò chuyện với người khác thì nhiều, với vợ quá ít. Họ đã làm hết cách, nhưng cứ hỏi câu nào chồng trả lời câu ấy, không hỏi thì thôi. Ngược lại, cũng nhiều người đàn ông phàn nàn không muốn nói chuyện với vợ, bởi cứ nói là vợ lại dài dòng kể chuyện của người nọ người kia rồi so sánh, chỉ trích này nọ.
Một khi vợ chồng không còn gì để nói với nhau có nghĩa là tình đã hết hoặc giữa họ thực sự đang có vấn đề. Nếu không hành động ngay để hâm nóng tình cảm, mối quan hệ này thực sự có thể đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Trao đổi, chuyện trò về công việc, cuộc sống, con cái giữa vợ chồng được xem là một trong những giao tiếp tất yếu giúp cả hai hiểu nhau và cảm thông. Nhiều khảo sát về hôn nhân cho thấy không cần đợi khi cả hai gây gổ, chiến tranh lạnh thì quan hệ vợ chồng mới có vấn đề. Chỉ cần một khi hai người bạn đời không có nhu cầu tâm sự, trò chuyện với nhau, không thể chia sẻ với nhau buồn vui được nữa thì cũng là lúc gia đình đang trong tình trạng đáng báo động.
Đừng nghĩ giao tiếp trong gia đình là chuyện nhỏ
Những người vợ người chồng nên nghĩ trước khi bắt đầu câu chuyện, nói chuyện gì, nên nói thế nào. Nếu không, đôi lúc những cuộc trò chuyện lại vô tình làm hai người cảm thấy khó chịu, căng thẳng. Và cũng đừng bao giờ để vợ chồng hết chuyện để nói hoặc không còn muốn nói gì với nhau.
"Chúng tôi luôn thống nhất là chỉ bàn luận những thứ liên quan đến bản thân mình, con cháu trong nhà, tuyệt đối không nói xấu người khác. Không sa đà vô việc cãi vã ai đúng, ai sai khi mỗi người mỗi ý. Người già mà, làm sao tránh khỏi việc quên, kể hoài những chuyện ngày xửa ngày xưa. Những lúc như vậy thì cứ giả bộ như mới nghe lần đầu, để người kia không bị mất hứng" - ông Quốc Tâm chia sẻ. Ông Tâm và vợ là bà Ngọc Thanh (72 tuổi, ngụ Trảng Bàng, Tây Ninh) sống với nhau hạnh phúc đã hơn 50 năm.
7 bí quyết khắc phục tình trạng vợ chồng ít giao tiếp
1. Nói thẳng khi cần thiết: Việc đề cập thẳng thắn vấn đề cần giải quyết cho thấy người vợ hoặc chồng rất tin tưởng người ấy và sự hiện diện của người ấy là cần thiết trong cuộc đời. Không những thế, việc nói thẳng giúp đối phương dễ dàng hiểu bạn đời đang cần gì, muốn gì. Từ đó, hai người dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn, có thể hạn chế được những tranh cãi không đáng có.
2. Cần giọng điệu phù hợp: Ví dụ không quá cao giọng. Đây là điều khá quan trọng trong nghệ thuật giao tiếp. Cho dù câu nói chỉ mang một ý nghĩa trần thuật bình thường, nhưng với giọng điệu không đúng có thể gây nên hiểu lầm và xảy ra tranh cãi, thậm chí tình cảm rạn nứt.
3. Chọn thời gian hợp lý để trò chuyện: Từ những câu chuyện bình thường hằng ngày đến những quyết định quan trọng trong đời sống đều cần lựa chọn đúng thời điểm để chia sẻ với người ấy mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất.
Tương tự lúc cãi nhau, hãy chờ khi cả hai không còn giữ cái tôi trong mình hẵng nói chuyện phân trần lý do gây tranh cãi, như vậy đôi bên mới có thể cảm thông cho nhau.
4. Nghệ thuật lắng nghe: Trong cuộc nói chuyện, có người nói đương nhiên cần có người lắng nghe. Do đó, khi đối phương trò chuyện cùng bạn, hãy kiên nhẫn lắng nghe những ý kiến, tâm sự của người đó.
Việc lắng nghe nhằm thấu hiểu đối phương cần gì và còn thể hiện sự tôn trọng người ấy. Cho dù trong lúc nói chuyện có điều gì không phù hợp với ý nghĩ, dự định của bạn thì cũng hãy kiên nhẫn lắng nghe người ấy nói hết.
5. Để những cuộc trò chuyện không đi vào ngõ cụt, hãy nói về những khoảng thời gian đẹp đẽ trong quá khứ: Vợ hay chồng có thể kể về những kỷ niệm đẹp, những điều thú vị đã xảy ra khi cả hai còn yêu nhau, mới kết hôn, hoặc những bí mật nho nhỏ của bạn ở thời điểm đó.
Lúc này những mảnh ghép quá khứ sẽ ùa về, hiện lên rõ ràng trong tâm trí mỗi người, khiến cả hai cùng nhận ra rằng thì ra họ cũng từng có những kỷ niệm đẹp đến thế mà trân trọng khoảng thời gian hiện tại.
6. Trò chuyện về những tin tức mới nhất: Không biết nói gì thì hãy thử nói chuyện phiếm với nửa kia về một ngôi sao nào đó, một số clip thú vị trên phim ảnh, mạng xã hội hay một số vấn đề thời sự đang nổi cộm. Nói cho nửa kia biết quan điểm của bạn, cũng như hỏi ý kiến của họ về một vấn đề nào đó. Những cuộc trò chuyện này sẽ giúp cả hai thư giãn, kéo gần khoảng cách hơn đấy.
7. Nói về tương lai và đặt mục tiêu sau này: Khi bạn đưa ra những câu hỏi về dự định sắp tới, bạn đời sẽ cảm thấy được tôn trọng, bản thân họ rất là quan trọng trong lòng bạn. Hơn nữa, một khi vợ chồng thống nhất được những mục tiêu chung trong tương lai thì cả hai sẽ cùng nhau cố gắng hơn để vun đắp cho tổ ấm của mình.
Theo Thảo Nghi/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/tai-sao-vo-chong-can-noi-chuyen-voi-nhau-nhu-ban-20240302085207901.htm