Để người thân lái xe, gọi taxi hoặc thuê ô tô dạng xe ghép... là giải pháp được nhiều gia đình lựa chọn trong những ngày đầu năm khi tính toán việc chắc chắn sẽ có nồng độ cồn.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn tài xế - Ảnh: HỒNG QUANG
"Ngày Tết về với bố vợ mà không uống chút rượu thì khó lắm", anh Tùng (28 tuổi) nói rồi trao chìa khóa cho vợ lái chiếc ô tô ra khỏi bãi xe sau ba ngày ăn Tết nhà ngoại.
Người đàn ông vui vẻ ổn định vị trí chỗ ngồi cho cô con gái 7 tuổi, rồi chủ động ngồi bên ghế phụ và thắt dây an toàn. Sau hơn hai tiếng di chuyển trên đường cao tốc, gia đình họ về tới TP Hạ Long (Quảng Ninh) và kết thúc kỳ nghỉ Tết an toàn.
Trong kỳ nghỉ kéo dài bảy ngày vừa qua, hơn 118.000 lượt cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các cung đường cả nước với nhiệm vụ xử lý nghiêm các vi phạm trực tiếp liên quan đến tai nạn, đặc biệt các tài xế có nồng độ cồn.
Số liệu công bố từ các cơ quan chuyên ngành nhận định việc yêu cầu thực thi nghiêm khắc, không có ngoại lệ, không chấp nhận xin xỏ, bỏ qua bước đầu đem tới kết quả khả quan khi số lượt người nhập viện điều trị và số người chết do tai nạn giao thông trong bảy ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
"Quan trọng hơn, việc này đã đi sâu vào đời sống, giúp hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không cầm lái phương tiện", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Gia đình anh Tùng chuẩn bị đồ đạc trước khi lên xe di chuyển. Người vợ không có nồng độ cồn sẽ lái xe - Ảnh: H.Q.
Không thiếu giải pháp di chuyển sau khi có nồng độ cồn
Sau ba ngày ăn Tết bên gia đình và họ hàng, anh Duy Anh (25 tuổi, ở Lạng Sơn) bắt đầu các cuộc gặp mặt bạn bè từ mùng 4 Tết. Đã thành thói quen, cuộc gặp mặt đầu năm của nhóm bạn thường diễn ra bằng những chầu ăn uống, đặc biệt không thể thiếu chút men rượu để vui vẻ.
Trước thông tin về việc lực lượng chức năng kiểm soát chặt nồng độ cồn đối với người lái xe, chàng trai 25 tuổi đã lên kế hoạch liên hệ trước với một người lái taxi quen rồi hẹn giờ đến đón.
"Thay vì bị phạt nặng và nhất là nguy hiểm tới tính mạng, mình lựa chọn bỏ ra vài trăm nghìn đồng để đi xe dịch vụ. Ăn uống xong có người đưa mình về tận nhà", anh nói và cho hay dịp Tết năm nay các nhóm bạn của mình đều chung lựa chọn như vậy.
Trong khi đó, lường trước được ngày Tết về quê không thể "tránh" được chút bia rượu, anh Phan Trung Khánh (29 tuổi, ở Tuyên Quang) lựa chọn để lại ô tô ở Hà Nội và thuê xe dịch vụ về tận nhà. Gia đình anh gồm bốn người, chi phí bỏ ra 1,7 triệu đồng/chiều cho chiếc xe bảy chỗ.
Người đàn ông cho biết từng tính tới việc để vợ lái thay, nhưng vì chặng đường khá dài nên đã quyết định sẽ chọn "thuê trọn xe ghép" để cho cả nhà có thể thoải mái nghỉ ngơi và hành trình về quê không ai bị mệt mỏi.
"Mình nghĩ uống rượu bia ở một chừng mực nhất định, đôi khi say một chút thì không có gì là sai trái. Quan trọng là mình không trực tiếp lái xe và điều này không thiếu giải pháp thay thế", anh nói.
Thay vì trực tiếp lái xe, nhiều người lựa chọn đi xe dịch vụ để về quê dịp Tết - Ảnh: H.Q.
"Nồng độ cồn ở mức cao hay thấp thì việc điều khiển phương tiện là vô cùng nguy hiểm"
Sáng 15-2 (mùng 6), hàng triệu người lao động bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ kéo dài bảy ngày. Thay vì xuống sảnh chung cư lấy xe ra đi làm như mọi khi, anh Minh Đức (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) gọi xe ôm công nghệ để tới cơ quan trong cơn mưa xuân lúc sáng sớm.
Trước đó, anh đã có 2 - 3 ngày đi ăn và uống bia cùng bạn bè trong kỳ nghỉ.
"Chắc chắn mình không tự lái xe sau khi uống bia rượu, kể cả sau đó ít nhất một ngày bởi cảm giác người còn oải", anh Minh Đức nói.
Cùng thời điểm trên, nhiều người trên mạng xã hội cũng chia sẻ việc ngày đầu tiên đi làm, họ không lái xe để đảm bảo cơ thể có thời gian đào thải toàn bộ lượng cồn. Một tài khoản chia sẻ trên nhóm cộng đồng về ô tô cho biết anh này sẽ không lái xe trong 2 - 3 ngày để đảm bảo chắc chắn không vi phạm.
Trung tá, thạc sĩ Hà Thị Vũ Ngân (khoa cảnh sát giao thông Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I) cho biết theo tính toán, tài xế có nồng độ cồn ở mức 80mg/100ml máu có xác suất xảy ra tai nạn cao gấp 2,7 lần; nồng độ cồn ở mức 160mg/100ml máu có xác suất tai nạn cao gấp 30 lần và trên 240mg/100ml máu thì nguy cơ cao gấp 150 lần so với người thông thường.
"Bất kể nồng độ cồn trong máu ở mức cao hay thấp thì việc điều khiển phương tiện là vô cùng nguy hiểm", bà Ngân cho biết.
Đồng thời, vị chuyên gia từ Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I cũng cho hay không có định lượng cụ thể để xác định nồng độ cồn ở mức bao nhiêu thì tài xế say và không làm chủ hành vi. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng thức ăn có sẵn trong dạ dày, tình trạng chức năng gan, trọng lượng cơ thể, tỉ lệ mỡ, giới tính và sức chịu đựng của từng người…
"Cách duy nhất để đào thải cồn ra khỏi cơ thể chính là thời gian", theo thạc sĩ Hà Thị Vũ Ngân. Bà đồng thời khuyến cáo trung bình một người uống rượu hoặc bia từ 19h - 23h thì lượng cồn trong máu là 150mg/100ml máu; đến 24h là 160mg/100ml máu. Và phải đến 16h ngày hôm sau, lượng cồn trong máu mới hoàn toàn đào thải khỏi cơ thể.
Dòng xe cộ hướng về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết - Ảnh: H.Q.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong bảy ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, có 23.244 ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông trên cả nước. So với cùng kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, số lượng nghi tai nạn giao thông đến khám, kiểm tra giảm 12,1%, nghi tai nạn giao thông nhập viện theo dõi điều trị giảm 8,4%, số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 22,4%. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tet-so-thoi-nong-do-con-ba-con-tinh-cach-de-nhau-binh-yen-20240215195034518.htm