Trong ngày cúng ông Công, ông Táo, nhiều người dân sau khi được tuyên truyền đã đưa cá cho các bạn tình nguyện viên thả để thu gom túi ni lông. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số người dân vứt túi ni lông, rác xuống sông, đốt vàng mã ngay trên cầu.
Hai bạn trẻ cầm biển tuyên truyền ngay trên cầu Long Biên trong ngày cúng ông Công, ông Táo - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngày 2-2 (tức 23 tháng chạp), nhiều người dân Hà Nội đã ra các khu vực sông hồ để thả cá, tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Hỗ trợ người dân thả cá thay vì ném cá
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hoạt động thả cá của người dân trong ngày cúng ông Công, ông Táo đã văn minh hơn các năm trước đó nhờ sự giúp sức, tuyên truyền của các bạn trẻ.
Theo đó, người dân đi thả cá đã mang theo các chậu nhựa nhiều hơn thay vì mang túi ni lông. Với những người dân đựng cá trong túi ni lông, sau khi thả cá đã được các bạn tình nguyện viên thu gom, trái ngược với việc vứt xuống sông, hồ như trước đây.
Tại cầu Long Biên (Hà Nội), một nhóm bạn trẻ có tên "Cá chép" đã có mặt tại cầu từ 5h sáng để hỗ trợ người dân thả cá, đồng thời tuyên truyền không xả túi ni lông xuống sông Hồng.
Khi người dân mang cá tới thả, nhóm tình nguyện này giúp người dân cho cả vào chậu, dùng dây thừng để từ từ đưa cá xuống gần mặt sông mới thả cá ra, thay vì "ném" cá từ trên cầu xuống sông như trước.
Bạn Vũ Đức Hiếu - trưởng nhóm Cá chép - nói nhóm các bạn có 100 bạn tình nguyện viên, chia làm 10 điểm để hỗ trợ người dân thả cá. Người dân rất ủng hộ, đưa cá cho các bạn thả để thu lại túi ni lông. "Dù một số người dân từ chối nhưng số lượng này đã giảm nhiều so với mọi năm" - Hiếu nói.
Tuy nhiên, dù được các bạn trẻ tuyên truyền nhưng theo ghi nhận, có một số người dân vẫn đốt vàng mã ngay trên cầu Long Biên; một số khác lại thả tro từ trên cầu xuống lòng sông, gây ô nhiễm môi trường.
Đưa sinh viên đi xem thả cá để "thay đổi hành vi"
Trong một giờ thực hành môn học, nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đi quan sát, tuyên truyền người dân thả cá không thả túi ni lông trong ngày cúng ông Công, ông Táo - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cũng trong sáng 2-2, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Vũ Hoài Phương - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đã cùng một nhóm sinh viên của trường đến cầu Long Biên để tuyên truyền, đồng thời xem các nhóm tình nguyện hướng dẫn người dân thả cá không thả túi ni lông.
Theo cô Phương, đây là một hoạt động nằm trong một môn học của lớp nhằm thay đổi hành vi của các bạn trẻ.
"Trước đây người dân thả cá còn thả túi ni lông, nhưng nhiều năm qua có các nhóm tình nguyện, tôi thấy rất tốt nên tôi muốn đưa các em đi để quan sát nhằm điều chỉnh hành vi của các em. Đồng thời, hoạt động này cũng là một phần của môn truyền thông và vận động để các em có trách nhiệm vận động và truyền thông thay đổi hành vi của người dân" - tiến sĩ Phương nói.
Nhóm tình nguyện Cá chép hỗ trợ người dân thả cá - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cá sẽ được các bạn tình nguyện viên cho vào thùng, buộc dây thừng, hạ gần xuống mặt sông mới thả - Ảnh: PHẠM TUẤN
Một bạn tình nguyện viên nhận cá từ người dân - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân vứt túi ni lông xuống sông Hồng sau khi thả cá, thả tro từ trên cao, khiến các bạn tình nguyện viên thu gom vất vả - Ảnh: PHẠM TUẤN
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-tuyen-truyen-nguoi-khac-lai-tha-tui-nilon-xuong-song-20240202121628658.htm