Theo nhiều chuyên gia về khởi nghiệp, người trẻ Việt hoàn toàn có thể tạo ra trend (xu hướng) khi kinh doanh. Việc này có thể đem lại nhiều giá trị cho bản thân và cộng đồng.
Xuất hiện nhiều trend từ bạn trẻ trong nước
Theo anh Trần Thanh Tùng (còn gọi là Tùng BT), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở KH-CN trên toàn quốc, trước đây, việc kinh doanh theo trend, tức bán những món đang "hot" trên mạng xã hội, hầu hết đều bắt nguồn từ nước ngoài.
Nước mía muối một thời là trend của giới trẻ TP.HCM ANH THY
"Có thể nói là 100% xuất phát từ nước ngoài, sau đó người trẻ trong nước kinh doanh theo. Tuy nhiên theo thời gian, con số tuyệt đối ấy đã thay đổi. Một năm trước là 80% từ nước ngoài, 20% do người trẻ trong nước tạo ra. Tỷ lệ ấy hiện nay là 50 - 50", anh Tùng cho biết.
Lý giải điều này, anh Tùng cho rằng: "Bên cạnh sự phát triển của mạng xã hội thì tính sáng tạo, nắm bắt thị trường của nhiều người trẻ ngày càng cao. Dường như họ tìm ra được nhu cầu của người khác, biết khách hàng thích gì… nên đã trình làng những món mới lạ, sau đó thành trend".
Đồng quan điểm, anh Trần Bảo Nhân, người sáng tạo nội dung tại Công ty TNHH Triple Tree Aroma, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), cho biết ngày càng xuất hiện nhiều trend do người trẻ trong nước khởi xướng.
Anh Nhân dẫn chứng bên cạnh những trend như: bánh phô mai đồng xu, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam, xúc xích nướng trên sỏi… có nguồn gốc từ nước ngoài, thì thời gian qua trên thị trường đã xuất hiện nhiều trend made in VN, chẳng hạn như: cà phê muối, nước mía muối, gỏi gà măng cụt, trà mãng cầu, trà cóc muối ớt, cà phê đựng trong ống tre…
Tiến sĩ Lê Như Hiếu, giảng viên Tổ chức giáo dục đào tạo PTI (đơn vị đào tạo doanh nhân tại VN), cũng nhận định: "Có thể nói, người trẻ yêu thích buôn bán trong nước đã dần chủ động hơn trong việc tự tạo trend, phác thảo xu hướng kinh doanh".
Kỹ năng tạo trend
Theo tiến sĩ Hiếu, khi kinh doanh theo trend từ nước ngoài có thể sẽ gặp phải một số hạn chế, lợi bất cập hại. Bởi trend xuất hiện liên tục, khoảng một tháng, thậm chí thời gian ngắn hơn, nhưng lại có vòng đời rất ngắn. Có trường hợp vì "đu trend", chi cả tỉ đồng để đầu tư quán, nhưng kinh doanh chưa thành hình thì trend đã hết. "Ngược lại, nếu tự tạo trend, có thể kéo dài thời gian kinh doanh", tiến sĩ Hiếu nói.
Bánh đồng xu phô mai từng là món theo trend thu hút giới trẻ nhưng giờ đã vắng khách THANH NAM
Anh Tùng khuyên: "Để tự tạo trend, phải có kỹ năng. Đó là khả năng thích ứng, nghiên cứu, hiểu được những biến động của thị trường. Biết được nhu cầu của người dùng, đặc biệt là thị hiếu giới trẻ họ đang cần gì, muốn ăn hay uống món nào. Từ đó cung cấp món ăn, thức uống, sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách. Và để hiểu, biết được, cần có sự quan sát ngoài đời thật cũng như nghiên cứu qua mạng xã hội…".
Anh chia sẻ thêm cần có quy trình tạo sản phẩm một cách chỉn chu. Sản phẩm phải lạ mắt, độc đáo, ngon miệng, giá hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có kênh phân phối rộng rãi. Và khi sản phẩm trở nên "viral" (lan truyền nhanh trên mạng xã hội) thì cần có cách để trend không… chết yểu.
"Phải liên tục sáng tạo thêm để nâng cấp sản phẩm. Ví dụ trước đây món nước rau má là trend trong danh mục những thức uống được người trẻ lựa chọn, tin dùng. Sau đó, những người kinh doanh đã biến tấu thêm, kết hợp rau má với dâu, đậu xanh, pha thêm nha đam, hạt sen, hạt chia, sầu riêng… trở thành những thức uống đem lại cảm giác lạ miệng. Nhờ vậy, đến nay những loại thức uống này vẫn tiếp tục trụ vững trên thị trường", anh Tùng nói.
Theo chị Nguyễn Thị Anh Thi, Phó giám đốc kiêm người sáng tạo nội dung tại Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức (TP.HCM), việc người trẻ tạo trend để kinh doanh thì không khó. Tuy nhiên, cái khó là duy trì được "sức nóng" liên tục trong thời gian dài.
Chị Thi cho rằng để làm được điều đó, phải áp dụng nhiều cách. Chẳng hạn, cần có sự kết hợp, cộng hưởng của giới KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt). Khi trình làng sản phẩm, nếu KOL, KOC quảng bá, thì thời gian để món ăn, thức uống trở nên "viral" rất nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận được với người dùng. Nghệ thuật "đẩy trend" cũng cần đầu tư vào quá trình marketing hay tận dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội…
Nhiều giá trị
Anh Tùng nhìn nhận ở nhiều nước trên thế giới, việc tạo trend trong kinh doanh nhằm mục đích xuất khẩu nông sản đến các quốc gia khác.
Trà chanh giã tay đã "hạ nhiệt" sau thời gian được giới trẻ ưa chuộng THANH NAM
"Người trẻ Việt có thể học hỏi điều này khi kinh doanh, khởi nghiệp. Hãy suy nghĩ tạo trend sao cho có thể thúc đẩy được nông sản VN phát triển. Có thể chế biến ra những món ăn, thức uống dựa vào các nguyên vật liệu truyền thống, nông sản sẵn có và phổ biến trong nước. Chẳng hạn, trend gỏi gà măng cụt, cà phê muối… là những minh chứng cụ thể", anh Tùng nói.
Anh cho rằng khi tạo được trend trong kinh doanh, mà nếu có cả sự kết hợp với các thương hiệu nổi tiếng khác, cũng như việc hợp lực của giới KOL, KOC... thì chắc chắn sản phẩm sẽ "đứng trên vai người khổng lồ", thêm cơ hội để "viral". Khi đó, ngoài việc kinh doanh khởi sắc, tạo doanh thu cao, giúp cá nhân có thu nhập tốt hơn, thì việc đưa những nông sản VN vào các món trend góp phần tiêu thụ lượng sản phẩm nông nghiệp cực kỳ lớn. Từ đó, sẽ chung tay thúc đẩy nông nghiệp nói riêng và kinh tế quốc gia nói chung phát triển.
Để thành công trong kinh doanh nói chung và bán hàng theo trend nói riêng, tiến sĩ Hiếu khuyên người trẻ cần có sự cam kết và tính kỷ luật. Song song đó, cần phải biết phân tích, nắm bắt rõ về sự thay đổi, chuyển hóa và nhu cầu của thị trường. Tuyệt đối không nên lao vào kinh doanh một cách mù quáng. Việc định hình và phát triển sản phẩm phù hợp rất cần thiết với người kinh doanh. Vì giúp hiểu được nhu cầu, yêu cầu của khách hàng, đánh giá tính cạnh tranh, xác định được điểm mạnh...
Tiến sĩ Hiếu cũng lưu ý khi kinh doanh, dù theo trend hay không, cũng cần có những ý tưởng đột phá, sáng tạo, mới lạ và biết nhìn mọi ngóc ngách trên thị trường. "Khi nghiên cứu thị trường, việc tìm hiểu kỹ lưỡng sẽ giúp thấy được cơ hội kinh doanh mới, các lỗ hổng cần điền, những khu vực chưa khai thác", tiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, đừng quên nên áp dụng chiến lược kinh doanh phù hợp để tối ưu hóa cơ hội thị trường và tăng cường sự cạnh tranh. Điều này có thể bao gồm những việc như: tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm hoặc dịch vụ, xây dựng mối quan hệ với khách hàng, cải thiện chiến lược tiếp thị... Có như vậy sẽ trụ vững trên môi trường kinh doanh năng động và thay đổi liên tục như hiện nay.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/tu-tao-trend-khi-kinh-doanh-de-gat-hai-thanh-cong-185240124210842093.htm