Sau nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài, GS Hy Trường Sơn (30 tuổi) mong muốn đem tri thức tích góp được để hướng dẫn cho sinh viên VN nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời, anh còn có khát vọng đưa các công nghệ AI tiên tiến về VN.
Chinh phục những cuộc thi lập trình khó nhằn tại xứ người
Lớn lên tại làng Phú Gia, Tây Hồ, TP.Hà Nội, anh Sơn từng học khối chuyên toán - tin Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội). Năm lớp 12, anh đoạt giải nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn tin học.
Anh Sơn lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Chicago năm 2022 NVCC
Những ngày tháng miệt mài ôn luyện, giải các bài toán vô cùng hóc búa ở đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học máy tính sau này cho anh Sơn. Trước khi sang Hungary, anh đã có thời gian ngắn học tại Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và đoạt cúp bạc, khối siêu cúp Olympic Tin học sinh viên VN.
Năm 2013, anh Sơn được Bộ GD-ĐT cấp học bổng toàn phần sang Hungary học ĐH theo diện hiệp định VN - Hungary tại ĐH Tổng hợp Budapest hay còn gọi là ĐH Eotvos Lorand.
"Khó khăn đầu tiên khi học tập và sinh sống tại Hungary đó chính là ngôn ngữ. Người Hungary không nói tiếng Anh nhiều, để thuận tiện cho việc sinh hoạt hằng ngày, mình đã học ngôn ngữ của họ. Ẩm thực của Hungary rất khác với VN, vì thế mình đã cố gắng thích nghi, đồng thời tự nấu đồ ăn VN dựa trên nguyên liệu sẵn có tại đây", anh Sơn kể.
GS Hy Trường Sơn NVCC
Năm 2014, anh Sơn may mắn được GS Andras Lorincz tại ĐH Eotvos Lorand hướng dẫn làm nghiên cứu khoa học. Năm 2015, nghiên cứu của anh cùng GS Andras Lorincz về một thuật toán mới học bán giám sát trong thị giác máy tính để tìm các điểm đặc trưng trên khuôn mặt người đã đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp quốc gia của Hungary. Cùng năm 2015, anh tiếp tục đoạt giải nhất cuộc thi lập trình ACM - ICPC cấp quốc gia Hungary. Đây là cuộc thi lập trình danh giá dành cho sinh viên ĐH, mỗi đội thi gồm 3 người tham gia giải các bài toán khó trong 5 tiếng với một máy tính.
Năm 2016, anh Sơn tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ngành khoa học máy tính tại ĐH Eotvos Lorand. Sau đó anh được GS Andras Lorincz viết thư giới thiệu để đi học tiếp lên bậc cao hơn. Thư giới thiệu từ một GS uy tín cộng với việc có nhiều thành tích nổi bật nên GS Risi Kondor (một nhà toán học người Hungary) nhận anh làm nghiên cứu sinh tại ĐH Chicago (Mỹ).
Tại ĐH Chicago, anh Sơn tiếp tục được cấp học bổng toàn phần bậc tiến sĩ. Năm 2022, anh bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ ngành khoa học máy tính.
Nghỉ việc tại Google để thực hiện mong ước của mình
Năm 2016, anh Sơn đăng ký xin vào chương trình thực tập hè của Google và trúng tuyển sau 3 vòng phỏng vấn kỹ thuật. Hè năm 2017, anh làm việc tại Google (TP.Chicago) với dự án ứng dụng của học máy trong an ninh hệ thống. Với kết quả tốt, anh được Google mời trở lại thực tập vào hè năm 2018 và 2019 tại California (Mỹ). Tại đây, anh làm việc cho Google Cloud về ứng dụng của học máy, phát hiện các lỗi trên hệ thống điện toán đám mây.
Anh Hy Trường Sơn chụp ảnh cùng GS Deborah J.Curtis, Hiệu trưởng ĐH Bang Indiana (Mỹ) NVCC
Khi tốt nghiệp tiến sĩ, anh Sơn đã rất khó khăn để đưa ra quyết định sẽ làm việc chính thức tại Google hay tiếp tục con đường nghiên cứu học thuật.
"Ở Google mình đã học được cách tư duy và thiết kế các chương trình, hệ thống để hoạt động cho hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người dùng với quy mô khổng lồ của tập đoàn. Google có chế độ đãi ngộ cực kỳ cao, nhưng nếu đi theo học thuật thì mình sẽ có nhiều thời gian, sự tự do để đóng góp cho VN thông qua con đường giáo dục. Cuối cùng thì mình chọn con đường học thuật", anh Sơn nói.
Sau khi nghỉ việc tại Google, anh Sơn làm giảng viên và tiếp tục nhận học bổng sau tiến sĩ tại ĐH California (TP.San Diego, Mỹ). Tại đây, anh dạy môn cơ sở toán học cho khoa học dữ liệu. "Đứng trong hội trường, được truyền đạt kiến thức cho 200 sinh viên mình cảm thấy hạnh phúc. Và quyết định đi theo con đường học thuật là đúng đắn", anh Sơn nói.
Từ tháng 8.2023, anh Sơn giữ chức danh GS Assistant Professor (tại Mỹ có 3 cấp bậc GS là Assistant, Associate, Full) tại ĐH Bang Indiana. Tại đây, anh giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Khoa Toán và khoa học máy tính. Ngoài việc giảng dạy, anh còn nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và học máy để giải quyết các bài toán khoa học cơ bản trong vật lý, hóa học và sinh học. Anh đã có nhiều công bố tại các hội nghị và tạp chí uy tín trên thế giới.
Tuy nhiều năm xa quê hương nhưng anh Sơn vẫn luôn có mong ước, nguyện vọng được cống hiến cho đất nước. Hiện, anh đang tham gia chương trình hướng dẫn sinh viên giỏi của VN nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Tập đoàn FPT.
Anh Sơn đã có những học trò được công bố bài báo khoa học tại các tạp chí và hội nghị lớn trên thế giới. Trong đó có Ngô Nhật Khang, vừa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và đang là trợ lý nghiên cứu tại chương trình Residency của FPT Software AI Center (chương trình đào tạo tài năng trẻ trong lĩnh vực AI). Khang cho biết: "Dưới sự hướng dẫn của anh Sơn, hướng nghiên cứu chủ yếu của mình là tập trung vào việc sử dụng AI để giải quyết các bài toán khoa học. Nhờ vậy mà mình đã hoàn thành được một bài báo khoa học được đăng ở Chemical Physics, một tạp chí Q1 trong lĩnh vực computational chemistry (hóa học tính toán). Trong quá trình làm việc, anh Sơn luôn nhiệt tình giúp đỡ mình từ việc lên ý tưởng cho tới hoàn thành bài viết".
Bên cạnh giáo dục, anh Sơn cũng đang hợp tác với FPT Software để đưa các công nghệ AI về VN. Điển hình như trong các lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho tiếng Việt và ứng dụng của thị giác máy tính trong các ngành công nghiệp sản xuất. Anh hy vọng AI sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm và chế tạo sản xuất của VN đi xa hơn trong tương lai.
GS Arash Rafiey, công tác tại Khoa Toán và khoa học máy tính, ĐH bang Indiana, nhận xét: "GS Hy Trường Sơn rất thân thiện, giàu năng lượng và yêu thích thảo luận nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là liên quan đến AI. Anh ấy là chuyên gia về học máy và khoa học dữ liệu đã công bố nhiều công trình có chất lượng cao tại các hội nghị hàng đầu. Tôi đã mời anh ấy ứng tuyển vào vị trí GS ĐH bang Indiana và Sơn đã đồng ý". |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/giao-su-tre-voi-khat-vong-mang-cong-nghe-ai-tien-tien-ve-viet-nam-185240114214423575.htm