Ở lại thành phố hay về quê không có câu trả lời chung cho tất cả mà phụ thuộc vào từng người
Mấy hôm nay, anh Huy Kiệt (27 tuổi) cứ đắn đo mãi với câu hỏi của chị gái qua điện thoại: "Em tính lúc nào thì về quê luôn?".
Trăn trở khôn nguôi
Anh Kiệt sinh ra ở một tỉnh miền Trung, có một chị gái. Năm nay, ba mẹ anh Kiệt đã hơn 60 tuổi.
"Năm sau, gia đình nhỏ của chị gái dự tính ra Bắc ở nên chị lo ba mẹ ở quê không ai chăm sóc. Chị bảo tôi là con trai, cần cận kề, báo hiếu cha mẹ" - anh Kiệt kể.
Ngày mới ra trường, anh Kiệt được một số công ty mời làm việc. Chọn một công ty du lịch, với mức lương khá, cơ hội dần rộng mở với anh. Dẫu vậy, thỉnh thoảng anh vẫn trăn trở nên ở hay về quê. "Gần 10 năm sống ở đây cũng quen.
Ở thành phố đắt đỏ, riêng tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại… thì không còn dư nhiều nhưng cơ hội thăng tiến nhiều hơn. Còn nếu về quê, kiếm được việc mình thích không phải dễ. Sợ ba mẹ và mọi người nghĩ cho ăn học, làm chừng đó năm mà không xin được việc tốt…
Nghĩ vậy mà tôi cứ nấn ná ở lại thành phố, khi nào "chín muồi" thì mang balô về quê ngay mà không tiếc. Có điều cứ nghe chị giục hoài, không biết làm sao cho vẹn đôi đường" - anh Kiệt chia sẻ.
Cũng giống anh Kiệt, sau khi ra trường, chị Thu Hà (24 tuổi, Quảng Ngãi) chọn ở lại TP HCM để phát triển bản thân do nơi đây có nhiều doanh nghiệp lớn, công nghệ, cơ sở vật chất hiện đại.
Thế nhưng đi làm một thời gian, số lượng công việc nhiều, phải đi sớm về khuya, yêu cầu công việc lại quá cao khiến chị Hà bị áp lực tâm lý, thất vọng với bản thân. Hà đổi sang 2 công ty khác nhưng chỉ thấy chán nản, mệt mỏi.
"Mức lương trung bình nhưng chi phí lại quá đắt đỏ. Tôi muốn gửi tiền về quê phụ ba mẹ mà chưa làm được. Ba mẹ ở quê nhiều lần động viên cố gắng nhưng tôi chưa biết có nên tiếp tục ở lại hay về quê kiếm một công việc đỡ áp lực hơn" - chị Hà tâm sự.
Trong khi đó, anh Nhật Tân (29 tuổi, Quảng Bình) lại tiếc vì đã về quê khi có một công việc ổn định tại một thẩm mỹ viện lớn ở TP HCM. Vì sự hối thúc của gia đình, cộng tâm lý muốn làm việc gần nhà nên năm rồi, anh quyết định về quê. Hơn 1 năm nay, anh Tân tìm kiếm công việc phù hợp nhưng không được. Làm một việc trái ngành chỉ 3 tháng, anh Tân đã nghỉ.
"Cuộc sống ở quê chưa quen, kiến thức ngày càng mai một, tôi dự định trở lại TP HCM hoặc thử sức ở Hà Nội nhưng chưa biết phải thế nào. Lo lắng lớn nhất của tôi có lẽ là cha mẹ già chỉ có một mình tôi" - anh Tân trăn trở.
Minh họa: KHỀU
Xác định mình là ai
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An (TP HCM), chuyện ở lại thành phố hay về quê không có câu trả lời chung cho tất cả mà phụ thuộc vào từng người. Nếu đang băn khoăn nên về quê hay ở lại thành phố, hãy cân nhắc các yếu tố như tính chất công việc, ngành nghề, môi trường làm việc, thu nhập, cơ hội thăng tiến, nhu cầu bản thân, gia đình… rồi mới đưa ra quyết định.
"Không thể nhắm mắt làm liều về quê lúc chưa có công việc ổn định hoặc biết rằng không thể tìm được một công việc tương đương hoặc gần bằng lúc ở thành phố. Nếu chắc rằng về quê có được công việc tốt hoặc ít nhất lo được cho bản thân và có khả năng phát triển được thì về" - ông Nguyễn Hải An nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hải An, nhiều người nghĩ về quê sống an nhàn hơn nhưng thực tế khốc liệt hơn rất nhiều nếu không có sự chuẩn bị. Gia đình là nơi để về, để yêu thương nhưng nếu không có gì quá cấp bách và nhận thấy thời điểm đó ở lại thành phố tốt hơn thì nên cố gắng bồi đắp bản thân đến lúc thấy phù hợp thì về vẫn chưa muộn.
Dĩ nhiên đừng bỏ quên gia đình, phải thường xuyên điện thoại hỏi thăm cha mẹ, anh chị, họ hàng… để cảm nhận gia đình luôn ở bên cạnh. Cha mẹ nào cũng muốn các con kề cận nhưng cũng rất hạnh phúc nếu con thành đạt.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thanh Thúy (TP HCM) cho rằng câu hỏi ở lại thành phố hay về quê chính là sự lựa chọn nhưng cũng là một trong những quyết định quan trọng.
"Về quê thì thoải mái hơn, gần gia đình nhưng lương thấp, ít có cơ hội phát triển. Chọn ở lại thành phố cũng đồng nghĩa với áp lực nhưng lương cao, mở ra nhiều cơ hội. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không phải ai cũng thích ở thành phố để chăm chỉ, cố gắng làm việc và chịu áp lực. Có người thích an nhàn, sống trên quê hương…
Mỗi người nên tự đánh giá mình, hỏi xem mình muốn gì, khả năng đến đâu rồi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, cần lưu ý quyết định đưa ra không nên bị chi phối bởi người khác, vì lời khuyên của họ dựa vào kinh nghiệm, kiến thức của bản thân mà nêu ý kiến, có thể phù hợp với họ nhưng không hiệu quả với mình" - bà Phạm Thị Thanh Thúy khuyên.
Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Thúy, nếu thấy mình là người thích thay đổi, thích sáng tạo, muốn có môi trường rộng mở để khẳng định năng lực... thì chọn ở thành phố. Còn nếu muốn gần gia đình, ít áp lực, không thích suy nghĩ nhiều... thì chọn môi trường ở quê. Dù lựa chọn thế nào thì cũng cần phải cân nhắc kỹ càng để không lỡ dở, tiếc nuối hay hối hận.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/o-lai-hay-ve-196231223202302777.htm