Cha mẹ cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng mạng xã hội, từ đó hướng dẫn con biết điều hữu ích và nguy hại từ mạng xã hội, biết lựa chọn trang tương tác, sử dụng ngôn ngữ, kết bạn...
Đi làm về, thấy con gái cắm mặt vào điện thoại, chị Bích Ngân (36 tuổi, ngụ TP HCM) phải cố dằn lòng để không phải quát tháo. Không biết bao lần chị "nổi đóa" với cô con gái 13 tuổi vì "tội" ôm điện thoại lướt TikTok bất chấp.
Nghiện mạng xã hội
Hai năm trước, vợ chồng chị cho con sử dụng điện thoại, máy tính để học tiếng Anh, kết nối với các hoạt động trên lớp và xem một số chương trình giải trí. Được một thời gian, chị giật mình khi thấy con suốt ngày lướt xem clip trên YouTube, TikTok..., ít giao tiếp với ba mẹ, cũng không muốn ra ngoài đi chơi cùng gia đình. Bất kể giờ nào, trừ khi ngủ và lên trường, con gái đều ôm khư khư điện thoại.
"Tôi xem trộm tin nhắn của con với bạn bè, thật sự sốc với kiểu nói chuyện thô tục, thậm chí chửi thề, kể cả nói chuyện yêu đương khi chỉ mới tí tuổi đầu. Lo ngại, vợ chồng tôi hạn chế tối đa việc cho con dùng điện thoại nhưng thật không dễ, con lấy lý do phải thường xuyên xem tin nhắn của lớp, của cô; rồi lên mạng học…" - chị Ngân thở dài.
Chị Bảo Hân (37 tuổi, ngụ Hà Nội) cũng cho biết đang cảm thấy "bất lực" vì con trai 10 tuổi từng là học sinh thuộc tốp 3 của lớp, giờ lại xếp chót bảng. Tình trạng này xảy ra vào cuối năm ngoái, thời điểm vợ chồng chị lơ là, không kiểm soát con trai xem gì trên mạng xã hội.
"Trong bữa cơm, con trai mở đầu bằng câu đang là trend (xu hướng) trên TikTok: "Thơm ngon mời bạn ăn nha, tôi đây không chờ bạn nữa, giờ tôi ăn liền". Hoặc đối đáp với người lớn bằng những câu trên mạng: "Hông bé ơi", "Đừng nhờn với anh nhé"... Ban đầu, chúng tôi không để ý, thậm chí còn thấy buồn cười.
Nhưng tình cờ vài lần phát hiện con coi nhiều clip mà lời nói, phát ngôn của nhân vật đầy bốp chát, đanh đá, thậm chí tục tĩu, chúng tôi bắt đầu cấm con dùng mạng xã hội. Con không nghe, chúng tôi đổi mật khẩu mạng thì con lầm lì, không muốn nói chuyện với ba mẹ. Hôm trước đọc nhật ký, thấy con viết rất ghét ba mẹ, tôi rùng mình nhớ đến những án mạng gần đây…" - chị Hân chia sẻ.
Được thuê làm gia sư cho một bé gái học lớp 2, chị Kim Oanh (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP HCM) kể bé gái xinh xắn, học cũng khá giỏi nhưng ba mẹ ly hôn. Để bù đắp cho con và cũng để không bị quấy rầy, mẹ bé mua iPad mini cho con tự do xem phim hoạt hình. "Lúc nào bé cũng kè kè iPad bên cạnh.
Có lần tôi xin xem cùng bé thì phát hiện bé đang xem bộ phim mà nhân vật chính là một học sinh cấp 3 trả thù rất tàn ác bằng cách phóng hỏa đốt cả nhà người bạn có hành vi bạo lực với mình. Tôi nói bé tắt ngay, không nên xem những loại phim này; đồng thời báo với mẹ bé để quản lý con kỹ hơn nhưng chị chỉ la con chiếu lệ…" - chị Kim Oanh kể.
Giám sát hợp lý, tránh áp đặt
Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight, hiện một số phụ huynh không ý thức rõ tác động, hậu quả của việc nghiện mạng xã hội nên buông lỏng để con trẻ sử dụng tùy ý. Trong khi đó, video trên YouTube, TikTok, Facebook... có lượt xem (view) cao thường là giải trí, giật gân, "độc" lạ hoặc tin giả, trẻ không học hỏi được gì qua những video này.
"Trước hết, cha mẹ cần trang bị cho mình kỹ năng sử dụng mạng xã hội, từ đó hướng dẫn con biết điều hữu ích và nguy hại từ mạng xã hội, biết lựa chọn trang tương tác, sử dụng ngôn ngữ, kết bạn... Cần thống nhất các nguyên tắc từ đầu như không đem điện thoại về phòng riêng, giao lại điện thoại trước khi ngủ...
Khi con vào cấp 3, hoặc cha mẹ thực sự tin tưởng khả năng quản lý cá nhân của con thì mới có thể nới lỏng. Giám sát con cũng cần hợp lý, tránh áp đặt quá mức. Ví dụ, thỉnh thoảng hãy cùng con kiểm tra tài khoản, điện thoại, máy tính để bảo đảm con đang làm theo những nguyên tắc an toàn trên mạng xã hội.
Việc này cho con hiểu rằng cha mẹ luôn tôn trọng và bảo vệ con. Nếu phát hiện nguy cơ hoặc những hành vi không đúng của con, hãy góp ý nhẹ nhàng để con hiểu và sửa chữa" - bà Trang nhắn gửi.
Còn theo chuyên gia Trần Trung Kiên, yếu tố khiến trẻ dễ bị "rơi" vào nghiện mạng xã hội chính là sự mất kết nối gia đình. Cha mẹ bận làm việc hoặc dành nhiều thời gian cho bản thân (la cà với bạn bè, xem chương trình giải trí riêng...) mà ít dành thời gian chơi cùng con, trò chuyện với con khiến trẻ "cô đơn" trong chính ngôi nhà của mình.
Lúc này, những video trên các mạng xã hội trở thành người bạn đồng hành. Ở một số nước phát triển, dù tôn trọng quyền riêng tư của con nhưng cha mẹ luôn kiểm soát chặt việc con sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Họ sẽ sử dụng phần mềm để giới hạn thời gian, nội dung xem và thiết bị của trẻ cũng được nối với máy của cha mẹ.
"Tạo dựng niềm tin giữa cha mẹ và con cái giúp giữ an toàn cho con khi sử dụng mạng xã hội. Hãy trò chuyện bình tĩnh, cởi mở để con thấy rằng cha mẹ tin tưởng con và con phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình trên mạng xã hội" - ông Trần Trung Kiên nói.
Cha mẹ cần làm gương cho con trẻ bởi thói quen sử dụng mạng xã hội của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/gia-dinh/de-con-khong-dam-chim-vao-mang-xa-hoi-20231104200410153.htm