Ngày cuối tuần, tôi theo dì vào khoa lão một bệnh viện chăm dượng. Thời gian không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi chứng kiến sự mạnh mẽ tuổi xế chiều của những cụ ông, cụ bà ốm đau cơ thể mà kiên định ý chí.
Năm bệnh nhân cùng phòng dượng mang đủ loại bệnh, từ rối loạn tiền đình, viêm khớp đến tiểu đường, cao huyết áp…, khiến mái đầu bạc của các cụ dường như trĩu nặng hơn. Lạ là họ nói cười, thăm hỏi nhau xôn xao như chưa hề có ốm đau, mỏi mệt hiện diện nơi ấy.
Bà cụ giường bên cạnh ngồi dậy, nhích hẳn người sang phía bên kia nhường chỗ cho mấy người mới vào thăm bệnh. Cụ luôn miệng hỏi han chuyện bên ngoài. Con gái cụ cũng vừa đưa cơm trưa đến, dọn ra trên tờ báo và ngồi nhìn mẹ ăn đầy âu yếm.
Bà cụ tuổi ngoài bảy mươi ấy khen con gái nấu canh mồng tơi rất ngọt nước và cá kho khô rất vừa miệng. Con gái cụ vừa gắp thức ăn cho mẹ vừa quạt tay và huyên thuyên kể chuyện. Khung cảnh ấm áp đến lạ lùng.
"Chiều con lại mang cơm vô. Mẹ thích ăn gì?". Tiếng con gái vừa dứt, bà cụ gạt ngang: "Chiều không cần mang cơm. Mẹ gửi mua cơm hộp ăn với mọi người. Ngày mang một bữa được rồi, để thời gian làm việc nhà". Thấy mẹ cương quyết, cô con gái bật cười chịu thua.
Bên kia, bà cụ tuổi 70 cao dong dỏng, khỏe mạnh đi đi lại lại nấu nước sôi pha mì gói rồi trộn ăn.
Mọi người hỏi về hộp cơm gửi mua sao không ăn, bà nói cơm nấu cứng quá, ăn không được nên xoay ra nấu mì.
Nhìn bà cụ ăn ngon lành tô mì gói, dượng tôi kể về 2 người con trai là giám đốc và phó giám đốc công ty nào đó mới đi ô tô vào thăm mẹ.
Hai cô con dâu cũng vào, mẹ chồng nàng dâu nói năng nhỏ nhẻ, quan tâm hỏi han nhau lắm.
Bà cụ này từng giải thích khi có người thắc mắc sao thấy bà thường một mình trong bệnh viện: "Con trai bận bịu, con dâu cũng trăm việc đổ đầu lại còn chăm sóc mấy đứa cháu. Mình còn khỏe, tự đi lại được, tự ăn uống được, làm phiền con sớm hôm túc trực ở đây cũng tội…".
Đôi mắt tinh anh, trí nhớ minh mẫn ở tuổi "thất thập cổ lai hy" ấy là một món quà quý giá, còn sự kiên định trong ý chí tự lập ấy là điều mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần học hỏi.
Hai cụ bà mạnh mẽ ấy cùng nhiều người già khác khắp nơi là điển hình của "thế hệ tự nguyện được con cái bỏ rơi". Họ chấp nhận tuổi già, xác định sự cô quạnh lẻ loi là tất yếu và xây dựng cuộc sống bên kia sườn dốc một cách tự chủ, tự lực.
Sự hiếu thuận của nhiều người đối với cha mẹ không hề phai nhạt, chỉ là thay đổi cách yêu thương. Dù ở xa hay gần, lời quan tâm hỏi han thật bụng của con cái mỗi ngày là chữ hiếu.
Dù không phải cơm bưng nước rót nhưng tấm lòng yêu thương hiếu kính của con cái hướng trọn về mẹ cha là chữ hiếu.
Chừng đó là đủ với rất nhiều người già khi xác định rõ ràng rằng con cái không phải là "tấm thẻ bảo hiểm" lúc cha mẹ già nua.
Bởi lẽ, ai rồi cũng sẽ già đi, mà con cái cũng có cuộc sống riêng cần vun đắp…
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/ban-doc/manh-me-tuoi-xe-chieu-20231021204526831.htm