9
/
155094
Chúng mình đã có đám cưới
chung-minh-da-co-dam-cuoi
news

Chúng mình đã có đám cưới

Thứ 5, 19/10/2023 | 11:31:00
1,899 lượt xem

Chồng không có cha mẹ, cũng không anh em. Vợ chỉ nghĩ tới làm lụng nuôi con, cũng không bạn bè gì. Thương rồi về sống cùng nhau nên 'có nghĩ đến làm đám cưới cũng không biết mời ai'.

Đã bên nhau nhiều năm nay nhưng đôi vợ chồng Nguyễn Thị Lan - Nguyễn Đức Tài mới có được đám cưới nhờ tham gia lễ cưới tập thể TP.HCM 2023 - Ảnh: BTC

Đã bên nhau nhiều năm nay nhưng đôi vợ chồng Nguyễn Thị Lan - Nguyễn Đức Tài mới có được đám cưới nhờ tham gia lễ cưới tập thể TP.HCM 2023 - Ảnh: BTC

Cô dâu Võ Hoàng Anh (35 tuổi) - một trong 82 nàng dâu của lễ cưới tập thể năm 2023 vào ngày mai 20-10 tại TP.HCM - thật tình kể vậy. 

Lễ cưới do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành Đoàn TP.HCM) thực hiện dành cho các cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn.

"Mời tám khách thôi mà đã khó"

Hẹn gặp Hoàng Anh cùng chồng - anh Trần Thanh Hiếu (36 tuổi) - dù là ngày chủ nhật song cũng phải 18h hai vợ chồng mới có thể cùng có mặt ở nhà.

"Công việc của tụi mình không có ngày nghỉ, lương mỗi người chừng 5-6 triệu đồng nhưng phải làm cả tuần. Anh làm bảo vệ bãi xe nên ở lại thường xuyên. Tôi mỗi tháng chỉ xin nghỉ được hai ngày. Tháng này đã nghỉ một ngày chụp ảnh cưới, ngày còn lại là làm lễ cưới đó", chị Hoàng Anh kể.

Chị cũng đang làm ca đêm để có thu nhập nhiều hơn vì con lớn mới nhập học năm nhất ngành dược.

Hai vợ chồng nói với nhau khoảng này phải ráng cố gắng làm có dư mới lo cho con đi học được. Hai bé là con riêng của chị Hoàng Anh với chồng trước. Anh Hiếu rất thương hai đứa. Bé lớn ủng hộ mẹ làm đám cưới với ba Hiếu.

Cận ngày cưới, công việc của cả hai vẫn như thường lệ. Hỏi chuyện khách mời, anh chị nhìn nhau cười tủm tỉm.

"Tụi mình kết hôn năm ngoái nhưng chưa tính đến chuyện đám cưới vì khó khăn quá. Đám cưới này được cho một bàn tiệc có hai vợ chồng với tám người mà mời đủ số khách đó còn khó á", anh Hiếu thật thà.

Chính cái tính thành thật này mà chị mới dám gật đầu đồng ý quen anh, một phần cũng e ngại hoàn cảnh riêng. Khách mời đám cưới của cô dâu Hoàng Anh và chú rể Thanh Hiếu là hai con, vợ chồng con của cô ba, mợ út, cậu em vợ và vợ chồng phòng trọ kế bên.

Không phải lo toan gì

Cặp đôi khác, cô dâu Nguyễn Thị Lan (32 tuổi) và chú rể Nguyễn Đức Tài (31 tuổi), vẫn đến nhà máy làm việc dù hôm sau là ngày cưới. "Người ta đám cưới chạy ngược chạy xuôi, chứ tụi mình không phải sắp xếp hay chuẩn bị gì", chị Lan cười.

Ngày chụp ảnh cưới, theo hẹn của ban tổ chức, hai vợ chồng chỉ việc chở nhau đến điểm hẹn vì có người lo sẵn trang điểm, đồ cưới, thợ chụp. Đến ngày cưới cũng thế, cứ theo hẹn mà đến đúng giờ, đúng nơi trang điểm rồi được đưa đến tiệc.

Đều là công nhân may mặc. Người quê Bạc Liêu, người quê Vĩnh Long lên Sài Gòn thuê trọ, đi làm.

"Quen nhau từ hồi học lớp 12, lúc mới lên TP đi làm lương có hơn 1,2 triệu đồng, rồi lại có con liền, khó khăn quá đâu có tiền làm đám cưới. Vợ về quê sinh con còn chưa đăng ký kết hôn nên khai sinh của con mới chỉ có tên mẹ", anh Tài kể.

Năm này nối tiếp năm kia, hai vợ chồng lo làm kiếm tiền nuôi con, dần cuộc sống khá hơn chút. Nhưng khi đứa con thứ hai chào đời, cậu bé bị viêm nang lưỡi gà phải làm phẫu thuật lúc mới vài tháng tuổi.

"Hiện tại lương cả hai vợ chồng mỗi người còn chưa được 7 triệu đồng/tháng. Thuê nhà trọ, tiền nuôi hai con nhỏ nên cả hai cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện tổ chức đám cưới. Nhờ Đoàn thanh niên công ty giới thiệu mới biết lễ cưới tập thể này rồi đăng ký đó chớ", chị Lan tình thật.

Gặp đôi bạn Lan và Tài trong căn nhà thuê nằm sâu ở một con hẻm thuộc quận 12 (TP.HCM). Nhiều năm cùng nhau làm, kề vai lo toan cho hai đứa con với bao vất vả song đôi vợ chồng 9X ấy vẫn giữ được gương mặt trẻ trung. Họ cười thật tươi, đẹp đôi trong tấm ảnh cưới vừa chụp chuẩn bị cho ngày vui này.

Như bao cặp đôi khó khăn khác, nhờ có lễ cưới tập thể này mà họ có ngày cưới để nhắc lại kỷ niệm mỗi năm. Và niềm vui ấy như nhân lên khi có đến 82 đôi vợ chồng chia sẻ cùng nhau trong lễ cưới ngày mai.

Chỉ mong ba tốt với mẹ

Phạm Ngọc Ngân (18 tuổi) - cô con gái lớn của chị Hoàng Anh - đã đi làm thêm để phụ mẹ và cha dượng. Cô bạn học khá nhưng hiểu nỗi vất vả của mẹ, cũng không muốn mẹ nặng gánh tiền học nên đã chọn học cao đẳng "để không phải đóng học phí nhiều".

Ngân mới vừa từ Vĩnh Long lên TP.HCM làm sinh viên năm đầu ngành dược, hệ cao đẳng y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ngân cho biết vừa hoàn thành hồ sơ vào giờ chót xin xét học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ.

"Ngân cũng đã được mua cái đầm mới để đi đám cưới ba mẹ. Ba mẹ cưới mình vui lắm, chỉ mong ba sẽ tốt với mẹ vì mẹ đã vất vả nhiều rồi", Ngân nói.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/chung-minh-da-co-dam-cuoi-2023101909405404.htm 

  • Từ khóa

Học bí kíp của gen Z: Ai cũng có thể hạnh phúc hơn

Điều thú vị là những yếu tố này không chỉ giới hạn ở gen Z, mà có thể giúp bất kỳ ai trong chúng ta trở nên hạnh phúc hơn.
16:43 - 29/04/2024
1 lượt xem

Bức thư giải nhất UPU năm 2024: ‘Trẻ em dần thiếu thốn tình yêu thương’

Học sinh lớp 9 ở Đà Nẵng đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2024 khi hóa thân thành một nhân viên làm việc tại bưu điện ngôi làng...
16:12 - 26/04/2024
1,786 lượt xem

Bơi 100 km trong 2 ngày giúp bé gái sơ sinh bị bỏ rơi hoại tử ruột.… 'được sống'

Thương Kim Diệu - cô bé sinh non bị bỏ rơi được Cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần cưu mang, trải qua 3 lần phẫu thuật vì hoại tử ruột. Lương Ngọc Duy cùng 2...
14:20 - 26/04/2024
1,846 lượt xem

Doanh nghiệp tặng vàng tri ân nhân viên: Vẫn nên tin câu 'công ty là đại gia đình' chứ!

Không tìm cách cắt giảm lao động lớn tuổi và ưu tiên tuyển lao động trẻ, có những doanh nghiệp tặng vàng, thưởng tiền thâm niên như một sự trân trọng sự...
12:13 - 26/04/2024
1,853 lượt xem

Vinh danh 200 'chiến sĩ nhỏ Điện Biên’

Với tinh thần chăm ngoan, học giỏi, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tích cực rèn luyện và tham gia công tác Đội, 200 tấm gương tiêu biểu đã được T.Ư...
09:11 - 26/04/2024
1,964 lượt xem