Được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, những người lần đầu làm cha, mẹ sẽ yên tâm hơn trong hành trình chào đón con ra đời và chăm sóc con
Anh Nguyễn Ngọc Tường Duy và chị Huỳnh Thị Như Lan (cùng 28 tuổi, ngụ TP HCM) kết hôn vào tháng 11-2022. Đôi vợ chồng trẻ đang mong chờ từng ngày để chào đón đứa con đầu lòng.
Học để chăm con tốt hơn
Tranh thủ sau giờ làm việc, vợ chồng anh Duy lên mạng tìm đọc các tài liệu chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ. Biết được Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM tổ chức lớp tập huấn kỹ năng lần đầu làm cha mẹ, chị Lan đã đăng ký tham gia. Anh Duy cũng xin nghỉ một buổi làm để đi cùng vợ.
"Vợ chồng tôi cũng thường xuyên lên báo, lên mạng để tìm hiểu các kiến thức chăm sóc con nhưng vẫn muốn tham gia các lớp tập huấn trực tiếp. Khi có thắc mắc, mình có thể nhờ báo cáo viên giải đáp" - anh Duy nói.
Theo anh Duy, việc tìm hiểu kiến thức chăm sóc con và người bạn đời trong giai đoạn mang thai và nuôi con nhỏ rất quan trọng. Với những gì được trang bị từ buổi tập huấn, vợ chồng anh sẽ có được sự chuẩn bị tốt hơn, cảm thấy yên tâm hơn.
ThS Trần Thị Hồng chia sẻ tại lớp tập huấn kỹ năng lần đầu làm cha mẹ
Chị Nguyễn Hồng Nguyên (29 tuổi, ngụ TP HCM) đã bước sang tháng thứ 4 của thai kỳ. Đó cũng là khoảng thời gian mà gia đình chị có nhiều thay đổi. "Thói quen ăn uống hằng ngày của tôi thay đổi, còn chồng tôi cũng phải dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Lần đầu mang thai nên mọi thứ với tôi đều bỡ ngỡ, các kiến thức về mang thai, nuôi con nhỏ cũng xa lạ…" - chị Nguyên chia sẻ.
Cũng như những vợ chồng trẻ khác khi đến với lớp tập huấn kỹ năng lần đầu làm cha mẹ, chị Nguyên mong muốn tích lũy thêm nhiều kiến thức khoa học, bổ ích để chăm sóc tốt cho sức khỏe của bản thân và con. "Khi mình được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì việc chăm sóc con sẽ tốt hơn. Càng biết thêm nhiều kiến thức, tôi càng yên tâm hơn trong hành trình mang thai và sinh con" - chị Nguyên nói thêm.
Lưu ý "Giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân"
Tại lớp tập huấn, ThS Trần Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, đã có những lưu ý quan trọng dành cho những người chuẩn bị làm cha mẹ. Theo chuyên gia này, những người lần đầu làm cha, mẹ phải chuẩn bị rất nhiều vấn đề. Đầu tiên, nên đi khám sức khỏe trước khi kết hôn từ 3-6 tháng bởi vì sức khỏe tốt thì mới có những đứa con thực sự khỏe mạnh.
Các cặp vợ chồng cũng cần có kế hoạch, chuẩn bị về tâm lý, đặc biệt là cần chuẩn bị kỹ càng về kinh tế.
Theo ThS Trần Thị Hồng, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân, cách luyện tập thể dục, thể thao hợp lý cùng với việc khám thai định kỳ và tầm soát sàng lọc trước sinh… sẽ góp phần tạo nên một thai kỳ thực sự khỏe mạnh.
ThS Trần Thị Hồng cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người chồng trong thời gian vợ mang thai và sinh con.
"Nếu người chồng chuẩn bị về sức khỏe lẫn tâm lý tốt thì sẽ cùng vợ tạo ra đứa con khỏe mạnh; giúp xoa dịu đi cảm giác khó chịu trong thai kỳ hoặc những thay đổi trong cơ thể và tâm lý của người vợ khi mang thai, sinh con.
Chuẩn bị tốt về kinh tế thì sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình chăm sóc, nuôi con nhỏ" - chuyên gia nhắn nhủ.
ThS Trần Thị Hồng cũng lưu ý "Giai đoạn nguy hiểm của hôn nhân" đó là khi người vợ mang thai và nuôi con nhỏ. Lúc này, nếu người chồng không tâm lý, không chia sẻ với vợ sẽ rất dễ đẩy mâu thuẫn ngày một tăng.
Giai đoạn này, tâm lý, sức khỏe, cơ thể người vợ cũng có rất nhiều thay đổi, chuyện chăn gối của vợ chồng cũng phải được lưu ý. Nếu người vợ không đáp ứng được nhu cầu sinh lý của chồng, người chồng tìm cách giải quyết nhu cầu này ở bên ngoài sẽ dẫn đến khủng hoảng hôn nhân.
"Khi ra ngoài giải quyết như vậy, nếu người chồng không cẩn thận sẽ rất dễ mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi về nhà gần gũi vợ, nếu không sử dụng các biện pháp bảo vệ sẽ dẫn đến nguy cơ lây bệnh cho vợ và con. Em bé mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khi còn nằm trong bụng mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của em bé" - chuyên gia Trần Thị Hồng cảnh báo.
Đừng xem mình là "cái rốn vũ trụ"! Khi mang thai, một số bà mẹ có tâm lý xem mình là "cái rốn vũ trụ" và tất cả mọi người trong gia đình phải xoay quanh. Trường hợp này thường rơi vào các bà mẹ mang thai sau thời gian dài chữa bệnh vô sinh hiếm muộn, hay thai nhi có giới tính như gia đình chồng mong muốn.. Khi đó, họ muốn được gia đình chiều chuộng, cung phụng mọi mặt, kể cả những điều có thể không tốt cho thai nhi. Nếu người nhà không đáp ứng hoặc góp ý, họ sẽ tỏ thái độ không bằng lòng, giận dỗi... Từ đó sinh ra tâm lý tiêu cực và phát sinh nhiều vấn đề khác trong quá trình mang thai. ThS Trần Thị Hồng khuyên những người chuẩn bị làm cha mẹ nên tìm học các lớp tiền sản, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc và nuôi dưỡng con. Giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ rất quan trọng, nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt thì trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/gia-dinh/nhieu-thu-phai-hoc-khi-lan-dau-lam-cha-me-20230722202322959.htm