Nhiều bạn trẻ Hà Nội sẵn sàng chi 6 - 7 triệu đồng cho mỗi khóa học cưỡi ngựa bắn cung để rèn luyện sức khỏe và có những trải nghiệm đáng nhớ.
Thời gian gần đây, giới trẻ Hà Nội truyền tai nhau về bộ môn cưỡi ngựa bắn cung khá mới mẻ. Thay vì chỉ ngắm nhìn những chú ngựa qua màn ảnh, giờ đây việc được tiếp xúc với ngựa và cưỡi ngựa không còn xa vời, đặc biệt là với những người yêu thích bộ môn cưỡi ngựa ở Hà Nội.
Giới trẻ Hà Nội gần đây hào hứng đến học cưỡi ngựa bắn cung dưới chân cầu Nhật Tân NHẬT SINH
Một năm trước, anh Phạm Văn Phúc (34 tuổi) thành lập câu lạc bộ cưỡi ngựa, bắn cung hay còn gọi là "kỵ xạ" dưới chân cầu Nhật Tân (Q.Tây Hồ, Hà Nội). Anh Phúc từng có khoảng thời gian làm huấn luyện viên ngựa thuần chủng theo phong cách châu Âu tại Câu lạc bộ Ngựa Hà Nội (H.Hoài Đức, Hà Nội). Nay anh chuyển hướng dạy cưỡi ngựa bắn cung, mô phỏng hình ảnh cổ trang, mang hơi hướng châu Á.
Sau 2 tháng mở các khóa học chuyên sâu, Câu lạc bộ Kỵ xạ Việt Nam của anh Phúc đã có hơn 20 học viên từ 6 - 20 tuổi. Chi phí cho mỗi khóa học từ 6 - 7 triệu đồng, tùy cấp độ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, câu lạc bộ còn cung cấp các dịch vụ khác như trình diễn, cho thuê chụp ảnh, mở các buổi tham quan...
Nhiều bạn trẻ đánh giá đây là một bộ môn thể thao rất hay và đáng thử, bởi sự phá cách và đem lại cảm giác được chinh phục.
Anh Phạm Văn Phúc (34 tuổi), chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỵ xạ Việt Nam NHẬT SINH
Anh Phúc cho biết, cưỡi ngựa là môn thể thao đòi hỏi người chơi tương tác nhiều với con vật. Sự thân mật sẽ giúp học viên kiểm soát tình huống tốt hơn khi ngồi trên lưng ngựa.
Khi người cưỡi và ngựa có sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau, người cưỡi có thể điều khiển ngựa bằng mệnh lệnh hoặc sử dụng dây cương.
Anh Phúc trình diễn kỹ thuật bắn cung trên lưng ngựa NHẬT SINH
Khi kết hợp với kỹ thuật bắn cung trên lưng ngựa, học viên phải thuần thục kỹ năng điều khiển ngựa bởi nó có thể chồm lên hoặc chạy tự do khiến việc ngắm bắn trở nên khó khăn. Ngoài ra, học viên phải học kỹ năng cung thuật, lắp tên và ngắm bắn trên lưng ngựa chỉ trong 1 - 2 giây.
"Người và ngựa phải thấu hiểu lẫn nhau, đó là điều rất quan trọng để có thể chinh phục được bộ môn này", anh Phúc nói.
Một học viên bị ngựa hất ngã do chưa tương tác đủ lâu. Dù đối diện với tình huống nguy hiểm, người học được khuyến cáo hạn chế la hét để không kích động ngựa, gây nguy hiểm cho cả hai. NHẬT SINH
Khóa học cơ bản gồm 12 buổi, mỗi buổi kéo dài 1 tiếng, gồm các nội dung: học cưỡi ngựa và bắn cung trên mặt đất NHẬT SINH
Khác với các câu lạc bộ dạy cưỡi ngựa theo phong cách châu Âu, anh Phúc mong muốn tái hiện hình ảnh các tráng sĩ xuất hiện trong các bộ phim cổ trang. Được biết, kỵ xạ cổ từng là một trong 3 bộ môn để tuyển chọn các võ tướng thời xưa, theo đó người chơi sẽ mặc các trang phục của thời Lý - Trần - Lê và học cách dùng cung cổ.
Để hoàn thiện kỹ năng, khóa nâng cao sẽ giúp người học tương tác chuyên sâu để hiểu tâm lý ngựa, từ đó có thể cưỡi ngựa ở nhiều môi trường khác nhau như một kỵ sĩ.
Mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng, bao gồm 40 phút học cưỡi ngựa và 20 phút học bắn cung trên mặt đất. Sau khi thuần thục cả 2 kỹ năng này, người chơi sẽ được huấn luyện cưỡi ngựa, bắn cung. NHẬT SINH
Linh Đan (23 tuổi) sau khi tham gia một câu lạc bộ về cổ phục Việt Nam, cô gái biết đến bộ môn kỵ xạ nên rất hứng thú tham gia. Trải nghiệm cưỡi ngựa được hơn 1 tuần, Linh Đan cảm thấy đây là bộ môn đầy thử thách nhưng cũng mang lại rất nhiều lợi ích. NHẬT SINH
Ngô Hương Quỳnh (21 tuổi) chia sẻ: "Vì là nữ giới, việc tiếp cận với bộ môn đòi hỏi nhiều thể lực như vậy khiến mình gặp không ít khó khăn. Qua thời gian, mình cảm nhận được sức khỏe được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là chiến thắng được nỗi sợ hãi". NHẬT SINH
Được coi như một môn thể thao, anh Phúc cho biết, cưỡi ngựa giúp người chơi nâng cao sức khỏe, đồng thời rèn được tính dũng cảm, trưởng thành, có phong thái bình tĩnh và điềm đạm hơn NHẬT SINH
Khác với suy nghĩ của nhiều người, tốc độ không phải điều tiên quyết khi cưỡi ngựa, mà là việc thực hiện các động tác linh hoạt và đúng kỹ thuật. Để giữ thăng bằng trên lưng ngựa, người chơi chủ yếu sử dụng ba nhóm cơ chính là cơ bắp chân, cơ đùi, cơ hông. NHẬT SINH
Dịch vụ trải nghiệm cưỡi ngựa cũng thu hút khách hàng với mức phí 180.000 đồng/10 phút và 700.000 đồng/40 phút NHẬT SINH
Quá trình chăm sóc ngựa của trang trại anh Phúc NHẬT SINH
Cỏ khô là món khoái khẩu cho ngựa nhưng phải nhập khẩu NHẬT SINH
Trong thời gian tới, anh Phúc mong muốn tạo ra một cộng đồng chơi môn thể thao cưỡi ngựa, bắn cung. Anh cũng hy vọng được thử sức tại các cuộc thi quốc tế, để có cơ hội giới thiệu truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam. NHẬT SINH
Trang trại của Câu lạc bộ Kỵ xạ Việt Nam hiện sở hữu 10 con ngựa có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc. Mỗi con có giá 60 - 120 triệu đồng. Trung bình ngựa có tuổi thọ 25 năm, tuy nhiên anh Phúc lựa chọn những con ngựa từ 6 - 15 tuổi vì đây là độ tuổi hoàn thiện về mặt ngoại hình lẫn "tính cách".
Mỗi con ngựa đều có tên gọi riêng như Hoa Mộc Lan, Thiết Mộc Chân... và cũng sở hữu những tính cách khác nhau. Có những con ngựa nhút nhát, hiền lành, một số khác lại bướng bỉnh, nghịch ngợm. Tuy nhiên, điểm chung là chúng đều dũng cảm, bình tĩnh và không gây nguy hiểm cho con người.
Sau mỗi buổi tập luyện dài, ngựa sẽ được tắm và chải lông. Hoạt động này sẽ diễn ra thường xuyên hơn vào mùa hè, khi tiết trời nóng nực và các con ngựa cần được giải nhiệt.
Đồ ăn chủ yếu của ngựa là cám và cỏ khô, đều được nhập khẩu. Ngoài ra, chúng còn được bổ sung vitamin và tiêm phòng. Bởi vậy, chi phí chăm sóc cả đàn ngựa có thể lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, chưa bao gồm nhân công.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/gioi-tre-mang-co-phuc-hoc-cuoi-ngua-ban-cung-tai-hien-vo-tuong-thoi-xua-185230716151423701.htm