'Lời nguyền tuổi 35', hay nhà tuyển dụng không muốn tuyển người lao động sau 35 tuổi là vấn đề đang gây tranh cãi tại Trung Quốc.
Một người đàn ông đang điền đơn xin việc ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - Ảnh: The New York Times
Lời nguyền tuổi 35 là một thực tế mà nhiều nhân viên văn phòng ở Trung Quốc lo sợ - đối diện với sự bấp bênh trong công việc khi 35 tuổi.
Không tuyển dụng người trên 35 tuổi
Trong mắt nhà tuyển dụng, thuê nhân viên 35 tuổi tốn nhiều chi phí hơn, và những người này cũng không sẵn lòng làm thêm giờ so với sinh viên mới tốt nghiệp - vì vậy, lời nguyền 35 tuổi ở Trung Quốc là có cơ sở.
Liang (38 tuổi) hiện đang là huấn luyện viên thể hình cá nhân. Trước đó, Liang là một chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật. Liang đã chuyển từ thành phố Quảng Châu về quê vì không trả nổi khoản thuê nhà.
Anh đã thất nghiệp trong 3 năm qua, một phần vì dịch bệnh và tình hình kinh tế trì trệ ở Trung Quốc. Tuy nhiên anh tin rằng lý do chính là do tuổi tác. Liang đã quá tuổi đối với nhiều nhà tuyển dụng và quá tuổi cho cả vị trí nhân viên công vụ trong bộ máy nhà nước.
Chính phủ Trung Quốc đặt ra tuổi 35 là giới hạn tuyển dụng - đây cũng là một trong những thực tế của lời nguyền tuổi 35.
“Tôi có tập thể dục nên trông tôi khá trẻ so với tuổi thật. Nhưng trong mắt xã hội, những người như tôi đã quá thời”, báo New York Times dẫn lời Liang.
Liang cần tìm một công việc. Ngay cả trước dịch COVID-19, Laing khi đi phỏng vấn đã bị hỏi về lý do nộp đơn cho vị trí hỗ trợ kỹ thuật trong khi đã ở độ tuổi này.
Hậu đại dịch, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Lời nguyền tuổi 35 trở thành chủ đề được bàn luận của cư dân mạng quốc gia tỉ dân.
“Quá già để làm việc ở tuổi 35 và quá trẻ để nghỉ hưu ở tuổi 60” là một bài đăng được quan tâm nhiều trên mạng xã hội, nói về thực trạng của những người đang trong tuổi lao động sung mãn, nhưng lại thiếu triển vọng việc làm và người lớn tuổi phải làm việc trong khi chính phủ cân nhắc nâng tuổi nghỉ hưu.
Từ những năm 1970, nhà kinh tế học Wang Mingyuan ở Bắc Kinh trong một bài viết đã đưa ra nhận định: “Những năm tới đây sẽ là thời điểm khó khăn để tìm kiếm việc làm kể từ khi đất nước cải cách và mở cửa”.
Ông lưu ý rằng khoảng 50 triệu người trong độ tuổi từ 16 đến 40 có thể sẽ thất nghiệp trong năm 2028, và “điều đó có thể gây nên một loạt các cuộc khủng hoảng sâu sắc”.
Làm việc cật lực nhưng vẫn bị bỏ lại
Phân biệt tuổi tác ảnh hưởng đến mọi lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, những người trên 30 tuổi sẽ có cảm nghiệm sâu sắc vì lần đầu tiên họ bị phân biệt.
Khi Flynn Fan 30 tuổi, anh đã sợ hãi mốc tuổi 35. Hiện anh đang phải làm việc quá tải, nhưng trong nhiều năm tới anh vẫn có nguy cơ bị bỏ lại.
Tại nơi làm việc gần đây nhất, Fan kể rằng đồng nghiệp của anh một là độc thân (giống Fan), hai là có kết hôn nhưng không có con. Họ không thể kiểm soát thời gian làm việc ngoài giờ của mình.
Năm 2021, Fan có 3 tháng chỉ rời khỏi chỗ làm sớm nhất khi đồng hồ chỉ 23h. Anh đã phải dùng thuốc rối loạn lo âu. Tuy vậy, Fang và hầu hết các đồng nghiệp khác tại một công ty về trí tuệ nhân tạo tại Thượng Hải cũng bị buộc nghỉ việc.
Dù muốn, cũng không thể có con
Chỉ mới 32 tuổi nhưng cô Cici Zhang đã bị phía tuyển dụng cho rằng “quá già”. Một người giám sát cũ đã nói với cô rằng anh ta có thể dễ dàng thay thế Zhang bằng việc thuê sinh viên mới tốt nghiệp và đào tạo họ trong vòng 3 tháng.
Là một người phụ nữ, Zhang còn phải chịu nhiều tầng phân biệt đối xử. Từ khi 25 tuổi, Zhang đã phải đối diện với câu hỏi cho việc khi nào cô dự định có con từ các nhà tuyển dụng. Khi trả lời rằng mình không có kế hoạch có con, Zhang tiếp tục bị tra hỏi về việc cha mẹ cô sẽ nghĩ thế nào về quyết định này.
Lo lắng của những người lao động ở độ tuổi trên 30 khiến họ tự đặt câu hỏi cho việc có con của mình.
Nếu một đứa trẻ được sinh ra là để thừa kế sự vất vả, lo lắng và nghèo khó, thì việc không sinh con cũng là một kiểu tử tế. ”Zhang dẫn lại một câu nói phổ biến trên Internet |
Anh Liang cũng đồng tình với cách nghĩ trên. Anh thích trẻ con nhưng không nghĩ rằng mình có thể cho con một cuộc sống tốt. Theo Liang, chỉ những người có công việc ổn định, như công chức hay giáo viên mới có đủ kinh tế để lập gia đình.
Giống như nhiều người Trung Quốc lớn lên ở miền quê, Liang được nuôi dạy bởi ông bà khi cha mẹ phải mưu sinh trên thành phố. Liang không muốn con mình phải sống như anh.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/loi-nguyen-tuoi-35-kho-duoc-tuyen-dung-khi-da-35-tuoi-20230711185947996.htm