Cuộc sống càng hiện đại kéo theo nhiều mối nguy mà con trẻ phải đối diện. Để con có được "đề kháng" tốt, nhiều phụ huynh đã chọn những khóa kỹ năng hè cho con tham gia. Từ nhu cầu đó, vô vàn các khóa kỹ năng hè "nở rộ" không kiểm soát, khiến nhiều phụ huynh bất an. Tuy nhiên, vẫn luôn có những nơi thật sự giúp con trẻ được rèn luyện và trưởng thành...
Chưa năm nào các khóa học kỹ năng lại "nở rộ" như mùa hè năm nay. Nhiều đơn vị tư nhân cũng tham gia tổ chức các trại kỹ năng, khóa tu mùa hè…
"Dịch vụ trông trẻ" giá cao
Lo ngại con nhút nhát, thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, suốt ngày ở nhà làm bạn với điện thoại, trò chơi điện tử, hè này, chị V.H.T (trú khu tập thể Thành Công, Q.Ba Đình, Hà Nội) quyết định đăng ký cho con tham gia khóa học kỹ năng. Chị V.H.T chia sẻ: "Gần 3 năm dịch Covid-19, mùa hè bọn trẻ hầu như không được đi đâu, con đang tuổi dậy thì tính khí cũng bắt đầu thay đổi, ít giao tiếp với bố mẹ, đặc biệt rất mê chơi game. Mình mong muốn tìm khóa học kỹ năng để giúp con thay đổi bản thân, tránh xa điện thoại, trưởng thành hơn".
Các khóa học kỹ năng hè tự phát trên mạng xã hội với nhiều tên gọi khác nhau như: trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng, tour dã ngoại, học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè... với mức giá không hề rẻ, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/khóa (1 tuần). Các khóa dài ngày hơn lên đến hàng chục triệu đồng/khóa; thậm chí, các trại hè ở nước ngoài có giá 45 - 50 triệu đồng/khóa.
Ngày càng nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia các khóa học kỹ năng P.H
Có những khóa chỉ thông báo thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức khiến nhiều phụ huynh như lạc vào "ma trận" quảng cáo các lớp học kỹ năng. Quảng cáo rầm rộ nhất phải kể đến các khóa tu mùa hè, mỗi khóa các nhà chùa thông báo nhận quy mô lên tới hàng trăm, hàng nghìn em. Mặc dù các khóa tu mùa hè đều miễn phí, song vẫn nhận phát tâm từ các bậc phụ huynh. Số tiền đóng góp của các phụ huynh tính ra cũng không hề nhỏ.
Ông Lê Công Năng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Wondertour, cho hay hoạt động tổ chức các khóa kỹ năng cho trẻ em hiện nay đang bị… thả nổi. Nếu là các trung tâm kỹ năng tổ chức hoạt động trại hè thì phải có giấy phép đào tạo kỹ năng sống. Còn các công ty lữ hành muốn tổ chức tour cho trẻ em dã ngoại phải có giấy phép lữ hành.
"Một số nơi tổ chức các hoạt động không đủ tiêu chuẩn đảm bảo về cơ sở vật chất, không đạt theo tiêu chí lưu trú. Giá thì vô cùng, tùy theo nhu cầu của gia đình, theo thời gian, địa điểm tổ chức, các khóa kỹ năng có giá từ vài triệu đồng lên đến hàng chục triệu đồng. Có phụ huynh còn gọi đây là những dịch vụ trông trẻ giá cao", ông Năng cho biết.
Phụ huynh ân hận, con "dở khóc dở cười"
Không thể phủ nhận các hoạt động đều có mục đích và ý nghĩa hướng đến rèn luyện ý thức tự lập, rèn luyện bản thân, kỹ năng... cho trẻ.
Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh, vượt qua khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng. Trên thực tế, nhiều nơi cơ sở vật chất không đảm bảo, thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng, kết quả không như mong đợi, thậm chí có những tình huống khiến phụ huynh và con trẻ rơi vào cảnh "dở khóc dở cười".
Kể lại trải nghiệm một trại hè của cậu con trai, chị T.N (trú tại Nguyễn Xiển, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh. Thấy bạn bè cho con tham gia, chị T.N cũng hăng hái đăng ký cho con đi, hoàn toàn tin tưởng vào ban tổ chức, không nghiên cứu thông tin về địa điểm nơi con tham gia.
Các khóa tu mùa hè được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Chụp màn hình
"Chỉ 3 ngày sau, vào buổi tối, mình nhận điện thoại từ người phụ trách thông báo con đau bụng, khóc đòi gặp bố mẹ. Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản là do chưa xa nhà bao giờ, nhớ bố mẹ nên con đòi về, nhưng sau đó nghe con thổ lộ lý do đau bụng là nhịn đi vệ sinh 3 ngày, cậu bị ám ảnh sợ nhà vệ sinh bẩn không dám đi. Lúc này, hai vợ chồng vội vã đón con về trong đêm", chị T.N chia sẻ.
Theo "trend" khóa tu mùa hè, chị V.M.H (trú Q.Hoàng Mai) tự trách bản thân không tìm hiểu kỹ chương trình tham gia khiến con hụt hẫng, thất vọng. Qua tìm hiểu thông tin trên mạng, chị V.M.H đăng ký cho con đi khóa tu tại một ngôi chùa ở H.Mỹ Đức (Hà Nội).
Chị V.M.H cho biết: "Nghe con kể mà vừa giận mình, vừa thương con. Khóa tu có 900 cháu, mỗi lần đi tắm hay đánh răng đông như đi "đánh trận". Nước giếng khoan màu vàng, có cả bọ gậy, con gái sợ nhịn 3 ngày không dám tắm, không dám đi vệ sinh, chỉ rửa mặt qua loa. Ngủ thì nằm nền đất trải chiếu đau lưng, nóng nực không ngủ được. Sau 5 ngày trở về, con bé thề sống, thề chết không bao giờ tham gia khóa tu mùa hè".
Không phải cứ khổ hạnh mới là dạy con
Lý giải về việc ngày càng nhiều bậc phụ huynh gửi con vào các khóa học kỹ năng, PGS-TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: "Thông thường, cha mẹ đưa con tham gia trại kỹ năng, khóa tu mùa hè vì thấy con mình gặp các vấn đề như nghịch ngợm hoặc rụt rè, nhút nhát, muốn con đến với các hoạt động tập thể để có thể thay đổi bản thân. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày thì không thể thay đổi. Nếu một đứa trẻ đang gặp vấn đề lại đẩy con vào môi trường tập thể mà mình không biết, không hiểu rõ môi trường đó như thế nào, xây dựng mối quan hệ đó như thế nào thì hoàn toàn không nên".
Theo ông Hà, trong cuộc sống có nhiều cách để giáo dục trẻ, không phải cứ đưa con vào nơi khổ hạnh thì ở đó mới học được giá trị sống. "Có những đứa trẻ có sức mạnh, có tinh thần thể chất có thể chịu đựng được khổ hạnh, nhưng cũng có những đứa trẻ không thể chịu được. Cha mẹ đẩy con vào cùng cực quá sớm vô tình trở thành tác dụng ngược", vị chuyên gia này cảnh báo.
Theo PGS-TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nguyên Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), các bậc phụ huynh nên cân nhắc, lựa chọn những đơn vị tổ chức các khóa học kỹ năng uy tín của Đoàn Thanh niên, của các trung tâm huấn luyện chuyên nghiệp và cân nhắc độ tuổi cho trẻ em tham các khóa kỹ năng. "Những đơn vị, tổ chức không đảm bảo an toàn dù là nhà chùa, quân đội hay tổ chức nào cũng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật, chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, bởi sự an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu", ông Bình nhấn mạnh.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhung-khoa-ky-nang-he-giup-con-truong-thanhbung-no-cac-khoa-ky-nang-he-tu-phat-185230629123022558.htm