9
/
148420
Nắm tay nhau đến cuối cuộc đời
nam-tay-nhau-den-cuoi-cuoc-doi
news

Nắm tay nhau đến cuối cuộc đời

Thứ 4, 07/06/2023 | 12:59:00
2,104 lượt xem

Trong hôn nhân, ý thức và trách nhiệm giữ gìn là rất quan trọng. Không thể hạnh phúc nếu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", một người luôn cố gắng giữ gìn còn người kia trong tâm thế thờ ơ

"Tôi nói gì ông ấy cũng cười, có lúc rất bực nhưng nhìn ông ấy, tôi không nỡ giận lâu. Tôi luôn thầm cảm ơn ông ấy, người đã cùng tôi thổi cơm, làm việc, chăm sóc con... gần một đời người" - bà Trần Thị Tú Liên (62 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) tâm sự.

Thương lắm!

Bà Liên là giáo viên tiểu học, đã về hưu, lấy chồng (ông Nguyễn Ngọc Trung) khi vừa qua tuổi 23. Gần 40 năm kể từ ngày cưới, bà Liên chưa bao giờ giận chồng được quá nửa ngày.

"Yêu nhau 2 năm thì kết hôn, nay hai con đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định. Trước giờ, chồng tôi ra ngoài quyết đoán, lạnh lùng nhưng về nhà rất yêu thương vợ con, làm việc nhà và chăm con rất khéo" - bà Liên kể bằng giọng đầy hạnh phúc.

Cũng có lúc ông bà cãi nhau nhưng luôn dừng đúng lúc và biết nhận lỗi. Chưa bao giờ ông dùng những lời nặng nề để nói với bà, thay vì áp đặt suy nghĩ, quan điểm lên người bạn đời, ông luôn đưa ra những lời khuyên hoặc gợi ý cho bà lựa chọn.

"Ông ấy nói lúc trẻ là vợ chồng, già là bạn, tôi và ông ấy nắm tay nhau cả đời cho đến lúc về cát bụi. Khi đã già rồi, tôi hiểu có người bạn đời chịu thương, chịu khó thì chẳng còn gì vui hơn. Đến giờ này tôi vẫn nhớ, lúc cưới về, ông ấy đặt ra 3 quy tắc: có giận nhau đến mức nào cũng không gọi "mày, tao" mà phải xưng "anh, em". Vợ chồng giận, bà con, họ hàng chẳng liên quan nên đừng lôi ra chửi. Đặc biệt, cấm bỏ nhà đi quá 5 giờ và không bỏ nhà để đi qua đêm" - bà Liên cười nhớ lại.

Nhắc đến chồng - người nghèo nhất trong số những người theo đuổi bà ngày đó, bà Lê Thị Bảy (65 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) luôn khẳng định đã chọn đúng người.

"Ngày đó, tôi là tiểu thư con nhà giàu nhưng khi lấy chồng, tôi vẫn về nhà ông làm dâu nên ông ấy rất thương tôi. Được mấy năm, tôi mang thai thì ông có cơ hội ra nước ngoài học tập. Tôi phải khuyên dữ lắm ông mới chịu đi.

Không có chồng bên cạnh, một mình sinh đẻ, chăm con có lúc rất tủi thân. Nhiều khi ở nhà rất sợ ma vì xung quanh vắng vẻ nhưng rồi tôi tự nhủ vì chồng, cố gắng chăm sóc con, đợi ông ấy. Con được 4 tuổi, ông về nước, được bổ nhiệm làm việc ở vị trí cao, cuộc sống gia đình dần ổn định. Nhắc lại những gì tôi đã trải qua, ông nói cuộc đời này sẽ không để tôi phải chịu đựng vất vả nữa" - bà Bảy kể.

Kết hôn gần 60 năm, ông Nguyễn Trung Thành (82 tuổi, quê tỉnh Thừa Thiên - Huế) mỉm cười nói về hôn nhân của mình: "Lúc ông khoác ba-lô vào bộ đội thì bà vẫn là nữ sinh áo dài đẹp thướt tha.

Ngày ông bà cưới nhau, đất nước còn khó khăn, cuộc sống vất vả lắm nhưng với tính cách con gái Huế chịu thương chịu khó, bà luôn chu toàn cho gia đình. Bà hiền lành, chu đáo, dịu dàng đến nỗi ông muốn giận cũng không được. Hôm rồi, ông nhìn bà chăm cháu, chợt nhớ lại cô nữ sinh ngày nào. Nhận ra thời gian trôi đi nhưng tình cảm ông dành cho bà vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu" - ông Thành chia sẻ.

Nắm tay nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 2.

Vợ chồng bà Liên, ông Trung và các con. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Suy nghĩ tích cực, rộng lượng tha thứ

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight), thực tế cho thấy những cặp vợ chồng gắn bó với nhau cả đời luôn suy nghĩ tích cực, rộng lượng với nhau và biết cách giải quyết xung đột.

Trong hôn nhân, ý thức và trách nhiệm giữ gìn là rất quan trọng. Không thể hạnh phúc nếu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", một người luôn cố gắng giữ gìn còn người kia trong tâm thế thờ ơ. Xảy ra xung đột, cần rộng lượng và giữ cân bằng.

Có lúc, suy nghĩ của người này sẽ khác biệt với người kia nhưng phải luôn biết "đấu tranh" một cách khéo léo, sử dụng ngôn từ tế nhị để vừa bảo vệ quan điểm vừa không làm tổn thương người bạn đời của mình và giữ mối quan hệ bền chặt.

"Có những phụ nữ và một số đàn ông có thói quen nói nhiều, vô tình lấn át người bạn đời, khiến chồng hoặc vợ mệt mỏi vì cảm xúc không được trân trọng. Cần thay đổi thói quen thích nói, tập lắng nghe nhiều hơn. Lắng nghe để xem bạn đời mình cần gì, hiểu rõ bạn đời để có thể điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Đồng thời, cũng cần xác định ai là người quyết định trong các tình huống, lúc nào thì cần phải bàn tính kỹ... để đời sống hôn nhân dễ dàng hơn. Ngoài ra, bên cạnh sự chung thủy, nuôi dạy con như thế nào thì định rõ việc kiếm tiền, chi tiêu và tiết kiệm cũng rất quan trọng" - chuyên gia Nguyễn Thị Phương Trang nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An cho rằng ngày nay người trẻ kết hôn dễ rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Trong đó, có nguyên nhân quá đề cao cái tôi, thiếu sự lắng nghe, chia sẻ, gắn kết và cảm thông.

"Khi yêu, họ không lường trước được sự phức tạp của hôn nhân. Ví dụ, chỉ việc nuôi dạy con như thế nào thôi cũng dễ dẫn đến cãi nhau. Chính vì thiếu sự chuẩn bị trước khi bước vào cuộc sống chung nên gặp những bất đồng, khác biệt là cảm thấy stress, bất lực. Chưa kể, một số người chồng rất vô tâm, mải chơi nên khiến vợ thấy tủi thân, thiệt thòi" - ông Hải An nhận xét.

Ông Hải An nói vợ chồng trẻ cần biết tôn trọng nhau, chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình. Nên tự biết điều chỉnh, bỏ bớt cái tôi, sống có trách nhiệm.

"Khi có mâu thuẫn, cần bỏ bớt cái tôi, bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Đừng hủy hoại hôn nhân bằng những lời miệt thị, chửi mắng hoặc làm tổn thương trái tim bạn đời bằng khuôn mặt lạnh tanh và miệng thì luôn khăng khăng cho rằng mình đúng. Nhớ rằng, nhà không phải là nơi để tranh cãi ai đúng ai sai, mà là nơi để nói về tình yêu" - ông Nguyễn Hải An lưu ý.

Hôn nhân đổ vỡ, vợ lẫn chồng đều mất mát. Nhưng chịu thiệt thòi, mất mát nhất chính là những đứa con vô tội và người thân đôi bên

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/gia-dinh/nam-tay-nhau-den-cuoi-cuoc-doi-20230603204920431.htm 

  • Từ khóa

Gần 5.000 người học tập nghị quyết Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam XI

400 điểm cầu trực tuyến với sự tham gia sâu rộng của gần 5.000 cán bộ, hội viên, sinh viên tham gia học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết Đại hội...
14:51 - 29/03/2024
68 lượt xem

Hàng ngàn người Đà Nẵng hợp sức tìm 30 cuốn hộ chiếu cho anh bưu tá trong đêm

Tối qua 28-3, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đã cùng hợp sức để tìm 30 cuốn hộ chiếu của một bưu tá đánh rơi trong quá trình vận chuyển.
14:14 - 29/03/2024
83 lượt xem

Làm gì để tránh bị ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng?

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ cùng độ ẩm cao, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, dẫn đến thức ăn...
10:59 - 29/03/2024
158 lượt xem

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn: 'Ai được giao nhiều việc là người đó có năng lực'

Trao đổi với các đoàn viên, thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho rằng, ai đang được lãnh đạo đơn vị giao nhiều việc,...
08:26 - 29/03/2024
227 lượt xem

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau

Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi...
14:59 - 28/03/2024
676 lượt xem