Việc thách cưới, chú trọng sính lễ bằng vật chất trong lễ cưới thời nay có thể làm bạn trẻ gặp nhiều áp lực.
Thách cưới quá cao chú rể có thể ôm nợ
Mới đây, một lễ đính hôn của cô dâu chú rể ở Tây Ninh tưởng như bình thường nhưng đã làm xôn xao mạng xã hội trong nhiều ngày qua. Theo đó, trước khi làm đám hỏi, nhà gái đã thách cưới và chú rể đã hứa sẽ cho cô dâu 3,3 cây vàng cùng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến lễ đính hôn nhà trai đã mang sính lễ không đúng số vàng như đã hứa. Thay vào đó là những món nữ trang khác. Vì vậy, khi hai họ có mặt đầy đủ thì cô dâu đột nhiên không muốn làm lễ nữa và buộc nhà trai phải thực hiện đúng như cam kết ban đầu mới đồng ý rước dâu.
Sự việc này trở thành tâm điểm tranh luận sôi nổi giữa những người trẻ với nhau về việc cưới xin trong thời đại hiện nay, nhiều người đã đưa ra ý kiến trái chiều.
Lý Tiến Đạt (27 tuổi, ngụ chung cư Moonlight Boulevard, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhìn nhận về chuyện thách cưới bằng vàng, tiền ngày nay vẫn còn nhiều gia đình áp dụng. Nhiều người vẫn giữ quan điểm truyền thống phải thách cưới để thể hiện "cái giá" của nhà gái, hoặc nhà trai cũng sẽ hứa hẹn sẽ có sính lễ.
Từng trải qua đám cưới cách đây vài năm, Đạt cho hay may mắn khi không bị thách cưới lúc lấy vợ. “Bởi vì khi tôi cưới vợ, cả cha mẹ hai bên cũng không đề cao việc thách cưới, mà chỉ là trao đổi về việc đám cưới sẽ như thế nào, còn mâm quả cưới thì nhà trai chuẩn bị làm sao mà đẹp nhất, đầy đủ nhất, lễ nghĩa nhất là được”, Đạt cho biết.
Bị thách cưới quá cao cũng làm nhiều người trẻ trở nên áp lực Dạ Thảo
Cũng theo Đạt, khi cưới vợ đã phải lo nhiều thứ nhất là chi phí cho sính lễ và tiệc cưới. Nếu chẳng may bị thách cưới, Đạt thừa nhận bản thân lúc đó cũng sẽ không biết phải xử lý ra sao. Đạt không đủ kinh tế cũng như điều kiện . Tuy vậy, nếu rơi vào trường hợp thách cưới nói trên, thì Đạt chắc sẽ phải vay mượn, cha mẹ cũng phải hỗ trợ nhiều thứ về kinh tế để lo cho đám cưới.
Tương tự, Trần Bảo Trâm (29 tuổi, ngụ tại chung cư Thủ Thiêm Garden, TP.HCM) nhìn nhận việc thách cưới bằng vàng, tiền là phong tục ở một số nơi. Tuy nhiên, có một số gia đình đòi hỏi quá mức làm cho phong tục này bị hiểu sai lệch đi.
Việc cưới của Trâm ngày trước xuất phát từ tình yêu đôi lứa. Những sính lễ, mâm quả cưới chỉ thể hiện sự trân trọng tấm lòng của nhà trai dành cho nhà gái. Cho nên gia đình Trâm cũng nhận thức được và không bao giờ đề cập đến những tục lệ thách cưới ấy. Chỉ yêu cầu đúng truyền thống gia tiên, mâm quả, và một số nữ trang cần thiết có trong đám cưới.
Còn Trần Thị Thu Diễm (29 tuổi, làm việc tại số 33 Út Tịch, Q.Tân Bình, TP.HCM) dù vẫn chưa cưới nhưng trong tương lai, cô nghĩ rằng việc thách cưới nên để hai gia đình cùng bàn bạc, thống nhất trước lúc hỏi cưới. Tuy vậy, với Diễm mâm quả cưới của chồng thì không đòi hỏi, tùy vào khả năng kinh tế cũng như quan điểm của mỗi cá nhân bởi dù sao khi lấy nhau về thì cũng là của chung.
"Thách cưới quá cao sẽ ảnh hưởng không những đến vấn đề kinh tế của bạn trai mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Không dừng lại ở việc đáp ứng được thách cưới mà còn là gánh nặng sau đó của cả hai, vừa lo cho đám cưới vừa lo quà cưới. Đám cưới là ngày vui chứ không phải là gánh nặng", Diễm chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Minh Lý (30 tuổi), làm việc tại Công ty cổ phần phát triển bất động sản Sunrise Holdings cho biết không quan trọng hóa vấn đề này, chủ yếu hai người có thật sự yêu nhau, quý nhau, tôn trọng, có muốn ở bên nhau, đồng hành cùng nhau để đi đến cái kết hay không. Còn về sính lễ thì tùy vào điều kiện, và khả năng tài chính của mỗi người. Riêng Lý, chưa bao giờ đặt nặng vấn đề mâm quả cưới. Nếu sau này lấy chồng, Lý sẽ cùng chồng thay mặt bố mẹ, tự sắm sửa, mua sẵn sính lễ.
Thách cưới nên là hình thức
Tiến Đạt cho rằng nên bỏ những cái không phù hợp mạnh dạn bàn bạc lại với vợ (chồng) hoặc ông, bà, cha, mẹ và những người chủ hôn của mình.
Bạn trẻ cho rằng để thách cưới trở thành hình thức và đừng đặt nặng vật chất trong đám cưới Thành Nhân
Còn Trâm nói: “Thời buổi 4.0, thế giới phẳng, khi yêu nhau bạn trẻ nên trao đổi tìm giải pháp về các vấn đề mâm quả cưới. Khi đủ thương nhau thì sẽ tìm ra cách”.
Với quan điểm cá nhân của riêng của Diễm thì phong tục này nên giữ gìn như là một nghi lễ đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng đó chỉ là hình thức lễ nghi chứ không nặng nề về vật chất.
Minh Lý thì cho rằng cần xóa bỏ suy nghĩ về chuyện thách cưới bằng vật chất. Là cô dâu hay chú rể, mỗi người đều có trách nhiệm với tình yêu của mình và phân tích cho bố mẹ mình hiểu. Giá trị con người không nằm ở sính lễ mà nằm ở lối sống, đó là biết ăn ở hiền lành, biết trước biết sau, hiểu chuyện, thấu tình đạt lý, hiếu thảo hai bên.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/thach-cuoi-thoi-nay-co-con-phu-hop-185230605175650642.htm