Chính phủ Hàn Quốc mong muốn số tiền này sẽ giúp các bạn trẻ ổn định về tâm lý và sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Theo The Week, chính phủ Hàn Quốc đang khuyến khích những người trẻ bị cô lập, tách biệt, tái hòa nhập xã hội bằng cách đề nghị hỗ trợ họ một khoản trợ cấp hàng tháng.
Sở dĩ Hàn Quốc đưa ra chính sách này vì số lượng thanh niên sống "ẩn dật" trở thành mối quan tâm hàng đầu, gây ra nhiều vấn đề xã hội và bất tiện cho người dân.
Vì sao phải trợ cấp cho thanh niên "cô đơn sống ẩn dật"?
Nghe có vẻ lạ đời nhưng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc thực sự tuyên bố sẽ trợ cấp 650.000 won (khoảng 11,7 triệu đồng) hàng tháng cho những người trẻ sống ẩn dật trong độ tuổi 9-24.
Theo CNN, chính quyền cho rằng, số trợ cấp này hỗ trợ "sự ổn định về tâm lý và tình cảm cũng như sự phát triển lành mạnh" của những người trẻ thuộc nhóm trên.
Trong một báo cáo, Bộ ước tính có khoảng 3,1% người Hàn Quốc từ 19 tuổi đến 39 tuổi thuộc nhóm "những người trẻ cô đơn sống ẩn dật". Những số liệu này được trích dẫn từ Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc.
Ước tính có khoảng 338.000 người Hàn Quốc, trong đó 40% bắt đầu bị cô lập ở tuổi thiếu niên (Ảnh: Yahoo Sports).
Nhóm này được định nghĩa là những người sống trong không gian hạn chế với tình trạng ngắt kết nối với xã hội bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định và gặp khó khăn đáng kể khi giao tiếp xã hội.
Họ còn có thể chậm phát triển về thể chất do lối sống không điều độ và dinh dưỡng không cân bằng, đồng thời có khả năng gặp phải những khó khăn về tinh thần như trầm cảm.
CNN cho biết, khoản trợ cấp hàng tháng là một phần của Đạo luật Hỗ trợ Phúc lợi thanh niên, nhằm mục đích hỗ trợ những thanh niên có lối sống tách biệt khỏi xã hội, không có người giám hộ, đồng thời bảo vệ môi trường học đường khỏi nguy cơ phạm pháp.
Ngoài ra, chính phủ hy vọng khoản trợ cấp này sẽ là biện pháp lâu dài, khích lệ những thanh niên thuộc nhóm tách biệt hòa nhập lại với cộng đồng, bắt đầu lao động, trở thành người có ích cho xã hội.
Nguyên nhân khiến người trẻ Hàn Quốc cô độc
Insider cho rằng, những thanh thiếu niên sống ẩn dật thường có xu hướng tự nhốt mình ở nhà, trốn học và trốn làm trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
Nhiều người đến từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính và bắt đầu sống khép kín với xã hội từ khi còn nhỏ.
Số khác lại bắt đầu tự cô lập vì tổn thương trong quá khứ, bị bắt nạt ở trường học, áp lực học tập, xung đột gia đình hoặc thiếu sự quan tâm của người giám hộ.
Những ám ảnh tâm lý khiến nhiều người trẻ trượt dài trong sự cô độc (Ảnh: Adobe).
Bộ Gia đình Hàn Quốc chia sẻ câu chuyện của một thanh niên 17 tuổi giấu tên. Chàng trai này cho biết, bạo lực gia đình khiến anh phải sống tách biệt từ khi mới 15 tuổi.
Anh tự mô tả mình là người sống thờ ơ, hầu như lúc nào cũng ngủ và chỉ thức dậy để ăn.
Vấn đề thanh niên tách biệt khỏi xã hội ở Hàn Quốc được so sánh với một hiện tượng tương tự ở Nhật Bản, gọi là hikikomori. Khái niệm này đã xuất hiện ở Nhật từ những năm 80 và ước tính có hơn 1,5 triệu thanh niên Nhật đang theo lối sống này.
Một cuộc khảo sát cho thấy đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Hơn 1/5 số người tham gia khảo sát chia sẻ, đại dịch là yếu tố quan trọng đưa họ tới lối sống tách biệt.
Ngoài ra, còn một số lý do phổ biến khác như mang thai, mất việc làm, nghỉ hưu sớm và có mối quan hệ không tốt với mọi người.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nguoi-tre-han-quoc-duoc-tra-hon-11-trieu-dongthang-de-chiu-ra-duong-20230605001313677.htm