Khi người đàn ông dành thời gian cho việc bếp núc, vợ con họ không có gì phải xấu hổ. Việc nội trợ cũng không kém quan trọng so với việc kiếm tiền
Lui về đảm nhận công việc nội trợ, anh Tuấn Tài (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) có thời gian cảm thấy buồn bã vì lời ra tiếng vào của hàng xóm.
"Có lúc rất mệt mỏi..."
Từng là chuyên viên tuyển dụng tại một tập đoàn bất động sản, anh Tài quyết định nghỉ việc vào đầu năm 2022 để ở nhà nội trợ, chăm sóc con trai 7 tuổi.
"Cuối năm 2021, vợ tôi được cơ quan điều đi công tác tại Nhật Bản trong 4 năm nhưng cô ấy do dự vì tôi và con. Thấy đây là cơ hội để vợ phát triển sự nghiệp, tôi tạm gác công việc của mình. Thời gian đầu thật không dễ dàng, tôi vấp phải sự phản đối của ba mẹ ruột và bị người ngoài dị nghị, có lúc rất mệt mỏi" - anh Tài nhớ lại.
Theo anh Tài, sau một thời gian, đến nay anh có thể làm bất cứ việc gì mà vợ từng làm. Sáng sớm, đồng hồ reo, anh bật dậy đánh thức con, lo ăn uống, cho con đi học rồi chạy bộ chừng nửa giờ. Sau đó, anh đi chợ để làm cơm cho buổi trưa, chiều. Thời gian rỗi, anh nhận một số công việc online làm tại nhà. Buổi tối, anh dành thời gian dạy con học.
"Trước đây, tôi hoàn toàn không có ý định trở thành một ông chồng nội trợ. Vì vậy, thời gian đầu, đôi lúc tôi thấy căng thẳng nhưng đến giờ mọi thứ đều ổn. Khi nào vợ về lại Việt Nam, tôi sẽ tiếp tục đi làm. Giờ đây, con cái và sự nghiệp của người bạn đời mới là lựa chọn được tôi ưu tiên" - anh Tài bày tỏ.
Anh Quốc Vũ (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cũng có khoảng thời gian gồng mình trước áp lực làm người nội trợ. Từng là hướng dẫn viên cho một công ty du lịch, sau tai nạn, đôi chân anh yếu, không còn đáp ứng được công việc di chuyển thường xuyên. Anh quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con.
"Trở thành đàn ông làm nội trợ thật là sự lựa chọn khó khăn. Thế nhưng, nghĩ thoáng hơn thì tôi thường xuyên được gần con cái, được tự tay chăm sóc vợ con bằng những việc thiết thực. Tôi vẫn có thể tự kiếm tiền bằng công việc tại nhà, dù không nhiều nhưng cơ bản cũng tự lo được cho mình" - anh Vũ tâm sự.
Trong khi đó, anh Quốc Cường (ngụ quận 5, TP HCM) đang loay hoay tìm việc sau thời gian công ty sa thải nhân sự. "Khoảng hơn 2 tuần đầu, tôi lóng ngóng và mắc cỡ nhưng được vợ và con gái động viên, tôi quen dần. Giờ tôi vẫn đang tìm việc nhưng thong thả, không quá sốt ruột nữa. Vợ tôi nói đã làm việc mấy chục năm chưa nghỉ, giờ tôi có thể tận dụng thời gian này cho đầu óc thư giãn. Được vợ cảm thông, tôi rất ấm lòng" - anh Cường cho biết.
Minh họa: KHỀU
Không phải là "bất tài, vô dụng"
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, trong quan điểm Á Đông, đàn ông phải là trụ cột gia đình, "đứng mũi chịu sào", có trách nhiệm lo kinh tế; phụ nữ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho chồng con.
Vì vậy, đàn ông ở nhà làm nội trợ để vợ đảm nhận tài chính nhiều khả năng sẽ đối mặt với không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người khác. Nhưng mỗi người đều có khả năng của mình, nếu vợ hoặc chồng ai có thể kiếm tiền tốt hơn thì người đó ra ngoài lo tài chính, người còn lại lui về gia đình. Sự đóng góp và giá trị của công việc nội trợ cần được ghi nhận. Người chồng sẵn sàng dành thời gian để chăm con, bếp núc cho thấy thái độ coi trọng gia đình, dẹp đi cái tôi và nghĩ rằng mình làm để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho gia đình.
Ông Nguyễn Hải An cũng cho rằng khi người đàn ông lựa chọn dành thời gian cho việc bếp núc, vợ con họ chẳng có gì phải xấu hổ. Bởi lẽ, việc nội trợ cũng không kém quan trọng so với việc kiếm tiền. Thậm chí, tài chính đôi lúc cũng không so được với những giá trị mà việc nội trợ mang lại.
"Thực tế, công việc nội trợ cũng vất vả và cần sự sắp xếp khoa học để làm nhanh gọn, hiệu quả. Đừng nghĩ không làm ra tiền thì không được tính là công lao động và người nội trợ không được nể trọng, đánh giá cao" - ông Nguyễn Hải An nhìn nhận.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight) cho rằng giá trị của người chồng không chỉ được ghi nhận khi có địa vị cao, làm ra nhiều tiền. Biết lắng nghe, chia sẻ, quan tâm và đỡ đần gia đình cũng là giá trị khác của đàn ông.
"Tại Anh hay Mỹ, việc người đàn ông ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái, trong khi vợ lo kiếm tiền nuôi gia đình đã trở thành chuyện bình thường. Người vợ đừng quá phụ thuộc vào lời nói của người ngoài mà hãy tự xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình. Người đàn ông chấp nhận lui về không phải là bất tài, vô dụng" - bà Phương Trang nêu ý kiến.
Người đàn ông nội trợ vẫn nên giữ cho mình những mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động để vừa duy trì, trau dồi khả năng của bản thân vừa giữ sự tự tin. |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/gia-dinh/khi-dan-ong-chon-lam-noi-tro-20230520214340706.htm