Sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài, mọi người thường trải qua cảm giác buồn hay điều mà một số người gọi là "nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ". Vậy, làm sao để vượt qua cảm giác này?
Naomi Torres-Mackie, tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Lenox Hill (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu tại Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần cho biết: "Sau một sự kiện thú vị như một kỳ nghỉ, chúng ta sẽ thường xuất hiện cảm giác thất vọng bởi mất đi cảm giác phấn khích ban đầu".
"Nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ" là gì?
Post - Holiday Blues (Tạm dịch: Nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ) đề cập đến những cảm xúc ngắn hạn mà các cá nhân trải qua sau kỳ nghỉ, bao gồm buồn bã, cô đơn, mệt mỏi, thất vọng, uể oải. Tình trạng suy sụp này có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ thể sau một thời gian căng thẳng và cảm xúc dâng trào.
Nicole Hollingshead, Tiến sĩ, nhà tâm lý học, trợ lý giáo sư lâm sàng về Y học Gia đình và Cộng đồng tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio (Mỹ) cho hay: "Sau khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, mọi người có thể cảm thấy lạc lõng hoặc trống rỗng nếu không có hoạt động hướng đến mục tiêu để giúp họ tập trung."
Post-Holiday Blues (Tạm dịch: Nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ) đề cập đến những cảm xúc ngắn hạn mà các cá nhân trải qua sau kỳ nghỉ (Ảnh: Freepik)
Điều gì gây nên "Nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ"?
Theo Paul Nestadt, đồng giám đốc của Phòng khám Rối loạn lo âu Johns Hopkins và trợ lý giáo sư Khoa học Tâm thần và Hành vi, các tác nhân gây ra tâm trạng buồn sau kỳ nghỉ lễ có thể khác nhau ở mỗi người.
Một số người có thể gặp khó khăn với chính những ngày nghỉ lễ, bao gồm: những kỳ vọng lớn, những lời nhắc nhở về những người thân yêu đã mất hoặc bị ghẻ lạnh, những khó khăn trong gia đình, gánh nặng tài chính.
Khi tận hưởng kỳ nghỉ lễ, bạn có thể nhận được một lượng lớn dopamine và serotonin (hai loại hormone giúp bạn cảm thấy dễ chịu) sau khi dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nestadt, khi các sự kiện trong kỳ nghỉ kết thúc, các loại hormone đó cũng giảm theo, khiến bạn cảm thấy hụt hẫng.
Việc đột ngột kết thúc kỳ nghỉ lễ cũng có thể khiến bạn cảm thấy mất phương hướng và có thể gây ra tâm trạng buồn bã sau kỳ nghỉ lễ.
Các tác nhân gây ra tâm trạng buồn sau kỳ nghỉ lễ có thể khác nhau ở mỗi người (Ảnh: Freepik)
Tiến sĩ Nestadt cũng bổ sung thêm, sự kiệt sức cho tổ chức, du lịch hay bất kỳ khía cạnh nào của những ngày thường bị phá vỡ do kỳ nghỉ mang lại, cùng với sự thay đổi của thời tiết, hay mức độ hoạt động thể chất giảm... đều góp phần gây ra cảm giác buồn bã sau kỳ nghỉ lễ.
Khi nào thì "Nỗi buồn sau kỳ nghỉ lễ" trở nên nghiêm trọng hơn?
Theo Torres-Mackie, các triệu chứng của hiện tượng này bao gồm: buồn bã, thiếu động lực, rối loạn giấc ngủ hoặc cáu gắt có thể tương tự như các triệu chứng của bệnh trầm cảm lâm sàng, vì vậy điều quan trọng là phải theo dõi xem bạn đã trải qua tình trạng này bao lâu.
"Nếu như tâm trạng của bạn trở nên tồi tệ trong khoảng thời gian 2 tuần trở lên, bạn dễ có nguy bị mắc bệnh trầm cảm. Sự buồn bã sau kỳ nghỉ lễ sẽ kéo dài ngắn hơn và không quá gây bất lợi cho cuộc sống hàng ngày của bạn. Chúng cũng xuất hiện chủ yếu trong khoảng thời gian sau kỳ nghỉ", Torres-Mackie nói.
Nếu bất kỳ cảm giác buồn bã nào sau kỳ nghỉ lễ bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn, chẳng hạn như khiến bạn khó ra khỏi giường, khó đi làm hoặc đi học, ra khỏi nhà, dành thời gian cho người khác hoặc hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ, thì bạn nên thử tìm sự trợ giúp đến từ các chuyên gia về sức khỏe tâm lý.
Làm sao để vượt qua cảm giác này?
Đầu tiên, điều quan trọng là phải ngủ đủ giấc mỗi ngày, không chỉ để duy trì sức khỏe tinh thần mà còn ngăn ngừa các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, đột quỵ và suy nhược thần kinh. Người lớn từ 18 tuổi trở lên nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.
Thứ hai, bạn cần sắp xếp một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng. Căng thẳng gia tăng trong kỳ nghỉ lễ có thể khiến mọi người tìm đến những thực phẩm nhiều chất béo và nhiều đường hơn. Chính điều này lại làm tăng thêm sự căng thẳng và lo lắng.
Để duy trì thói quen ăn uống lành mạnh trong những ngày lễ và những ngày sau đó, hãy cố gắng bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh hơn, bao gồm trái cây và rau tươi vào bữa ăn của bạn.
Hãy cố gắng bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh hơn, bao gồm trái cây và rau tươi vào bữa ăn của bạn (Ảnh: Freepik)
Ngoài ra, hãy tránh xa rượu và các chất kích thích. Theo Tiến sĩ Nestadt, những người cảm thấy buồn hoặc lo lắng có thể hưởng lợi từ việc kiêng rượu và các chất kích thích, vì cả hai chất này đều có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên mạnh mẽ hơn hoặc khó kiểm soát hơn.
Bên cạnh đó, việc tham gia một số hoạt động thể chất có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn. Sự căng thẳng của kỳ nghỉ lễ có thể khiến mọi người mất đi thói quen tập luyện của họ, nhưng tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng.
Để duy trì động lực hoặc bắt đầu tập luyện trở lại, hãy rủ các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tập thể dục cùng bạn hoặc chọn các hoạt động bạn thích làm để luôn bận rộn.
Tiến sĩ Torres-Mackie còn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối với gia đình và bạn bè để giúp cải thiện tình trạng này, "Có vẻ như ai đó thân thiết với bạn có thể đồng cảm với cảm giác này và việc chia sẻ nó có thể giúp bạn bớt cô đơn. Việc kết nối với mọi người có thể hữu ích trong việc điều hướng cảm xúc của bạn.
Việc kết nối với mọi người có thể hữu ích trong việc điều hướng cảm xúc của bạn (Ảnh: Freepik)
Theo Hollingshead, mọi người có nguy cơ mắc chứng buồn sau kỳ nghỉ lễ cao hơn nếu họ không có điều gì đó để mong chờ sau kỳ nghỉ lễ, "Nếu vài tháng qua bạn tập trung vào việc chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, thì lý tưởng nhất là bạn nên có một thứ gì đó khác, chẳng hạn như một chuyến du lịch hoặc hoạt động, mà bạn mong chờ sau kỳ nghỉ lễ".
Lên kế hoạch trước cho một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp bạn duy trì sự vui vẻ sau kỳ nghỉ.
Cuối cùng, nếu bạn dự định lên kế hoạch cho một số hoạt động sau kỳ nghỉ, ngoài những điều quen thuộc, bạn có thể thử làm một điều gì đó mới như thực hiện một công thức nấu ăn mới ở nhà hay tham gia một lớp học khiêu vũ mà bạn đã quan tâm từ lâu.
"Khi chúng ta cảm thấy buồn bã hoặc chán nản, chúng ta thường mất động lực để làm mọi việc. Lên lịch trước một việc gì đó sẽ giúp chúng ta duy trì trách nhiệm và cuối cùng sẽ giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn", Hollingshead cho biết.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/lam-sao-de-vuot-qua-cam-giac-buon-ba-khi-ky-nghi-le-ket-thuc-20230113110122291.htm