Với ý nghĩa vừa là lễ tiễn đưa vừa là lễ nghênh đón, mâm cỗ cúng giao thừa thường không bày biện nhiều món, vì các vị thần bận việc bàn giao.
Nghi thức cúng giao thừa
Nghi thức cúng giao thừa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Đã có rất nhiều tài liệu ghi chép về phong tục lâu đời này.
Theo "An Nam phong tục sách" của Đoàn Triển, cúng giao thừa là lễ cúng tiễn thần Hành khiển năm cũ về trời, chào đón thần Hành khiển năm mới, gọi là "tống cựu nghênh tân".
Theo "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi nhân gian. Hết năm, vị thần cũ giao lại công việc cho vị thần mới vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.
Theo lịch con giáp, mỗi năm có một vị Hành khiển, quan Hành binh và Phán quan quản hạt trần gian. Hành khiển gồm 12 vị, luân phiên thay nhau quản hạt trần gian, mỗi vị một năm.
Mâm lễ cúng giao thừa
Trong giờ giao thừa (chuyển giao giữa năm cũ và năm mới), các gia đình bày lễ cúng tế. Với ý nghĩa vừa là lễ tiễn đưa vừa là lễ nghênh đón, mâm cỗ cúng giao thừa thường không bày biện nhiều món, vì các vị thần bận việc bàn giao.
Tùy vào văn hóa từng vùng miền, từng khu vực mà mâm cỗ cúng giao thừa có sự khác biệt. Người Việt thường có thói quen làm mâm cúng ngoài trời và mâm cúng trong nhà.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, những lễ vật có trên mâm cúng sẽ tượng trưng cho kết quả làm ăn trong suốt một năm qua, cũng như thể hiện tấm lòng thành của con cháu đối với ông bà, tổ tiên.
Gợi ý về mâm lễ cúng giao thừa, nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, các gia đình không cần chuẩn bị quá cầu kỳ. Có thể sử dụng các vật phẩm đã chuẩn bị cho ngày Tết, cũng có thể làm mâm cỗ riêng gồm xôi, thịt gà, giò chả, bánh chưng, gạo muối, hoa quả, bánh kẹo, rượu nước, trầu cau, vàng mã... Mâm lễ vật cúng giao thừa ngoài trời (nếu có) cũng chuẩn bị tương tự, không phân biệt nhiều ít, cốt yếu ở sự chân thành, cung kính.
"Xôi và gà là hai lễ vật thường được các gia đình dùng nhiều nhất trong lễ cúng giao thừa. Thói quen này có lẽ bắt nguồn từ quan niệm dân gian cho rằng, trong thời điểm bàn giao, các vị thần không có thời gian nên thường rất vội vã. Cúng xôi và thịt gà sẽ phù hợp vì các vị thần có thể vừa ăn vừa xử lý công việc hoặc gói mang theo để ăn trên đường trở về trời", ông Hải cho hay.
TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, trên mâm cúng giao thừa thường không thể thiếu một con gà trống luộc. Trong huyền thoại, gà trống là con vật có thể gọi mặt trời lên. Trong khoảnh khắc quan trọng để chuyển giao năm cũ và năm mới, tiếng gà gáy cũng trở nên thiêng liêng, có ý nghĩa làm bừng lên ánh dương, mang đến sinh khí.
Xôi, gà thường được nhiều người sử dụng trong lễ cúng giao thừa. (Ảnh: Su Tỷ).
Thời điểm cúng giao thừa
Nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải cho rằng, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là lúc 0h. Vì vậy gia chủ có thể cúng giao thừa từ 11h15 đêm 30 tháng Chạp đến trước 0h và hạ lễ, hóa vàng trước 1h sáng 1 tháng Giêng. Nếu cúng quá sớm hoặc quá muộn (sau 1h sáng mùng 1 Tết) thì không hợp lý.
Về cách hành lễ, ông Hải cho biết: "Lễ cúng giao thừa cũng thực hiện như các lễ cúng thần Phật, tổ tiên trong gia đình. Đặc điểm chung của các lễ này là không bắt buộc phải dâng sớ, tấu, không cần mời thầy cúng. Gia chủ khấn Nôm và lấy thành tâm, chính ý làm trọng. Trang phục ngay ngắn, thái độ nghiêm túc, kính cẩn của người hành lễ là nhân tố quyết định đến kết quả, giá trị nhân văn của một nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng".
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/goi-y-nghi-thuc-va-thoi-gian-lam-le-cung-giao-thua-nam-quy-mao-20230119234803013.htm