Với mong muốn bảo tồn cá sông Mê Kông, 3 học sinh từ Hà Nội, TP.HCM đã cùng người dân Cồn Sơn (TP.Cần Thơ) lập nên phòng thông tin nghề cá, trưng bày mô hình 3D của hàng chục loài cá quý nước ngọt.
Từ ấn tượng về bè cá đặc trưng của sông Mê Kông
Dự án "Piscis Cồn Sơn" do nhóm học sinh Trương Quang Huy, Đỗ Phú Minh cùng học lớp 11, Trường quốc tế Anh Việt Hà Nội (BVIS Hà Nội) và Trần Việt Khôi đến từ Trường quốc tế Úc (AIS) TP.HCM. Quang Huy trước đây học ở TP.HCM nên chơi thân với Việt Khôi. Đến khi lên ý tưởng cả 3 cùng nhau thực hiện.
Cả 3 đã nhiều lần đến Cồn Sơn (P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) tham quan và đặc biệt ấn tượng với bè cá Bảy Bon, nơi vợ chồng ông Lý Văn Bon là chủ bè đang nuôi và cho sinh sản nhiều loài cá đặc trưng của sông Mê Kông. Đó cũng là lý do cả 3 lên ý tưởng và thuyết phục người dân Cồn Sơn cùng thực hiện dự án.
Cả 3 học sinh đã dành 7 tháng để thực hiện ý tưởng với sự hỗ trợ của chủ bè cá và các giảng viên tại Trường ĐH Cần Thơ. Đỗ Phú Minh tiết lộ: “Để gây quỹ thực hiện dự án, các thành viên trong nhóm hỗ trợ chủ bè tiêu thụ trên 400 kg cá thát lát rút xương và làm gia sư dạy toán, tiếng Việt trong thời gian dài”.
Khi có quỹ, cả nhóm liền bắt tay vào thiết kế mô hình các loài cá đặc trưng. Sau đó, với sự giúp đỡ của những sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, nhóm tiến hành in 3D, tô màu sao cho giống với nguyên bản các loài cá nhất. Kế đến là thu thập thông tin từng loài cá. Ngoài mô hình cá 3D của 15 loài cá, còn có các bảng thông tin về 27 loài cá bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để giới thiệu với du khách.
Phòng thông tin nghề cá trên sông Hậu - Piscis Cồn Sơn đặt tại bè cá Bảy Bon, thuộc Cồn Sơn, vừa chính thức mở cửa chiều 25.12. Bè cá này nằm ở cửa ngõ điểm du lịch cộng đồng Cồn Sơn nổi tiếng Tây Đô.
Tại phòng thông tin, nhóm thực hiện dự án cho trưng bày mô hình 3D của 15 loài cá nước ngọt quý trên sông Mê Kông như: cá hô, cá tra, cá chạch lấu, cá vồ cờ, cá bông lau, cá thát lát… Cùng với đó là những dụng cụ nghề cá đặc trưng của miền Tây như lưới, lờ… Ngay sau khi khai trương, phòng trưng bày đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách đến tham quan bè cá Bảy Bon.
Đến điểm nhấn ấn tượng cho khách tham quan
Nói về ý nghĩa của dự án, Đỗ Phú Minh cho biết thêm: “Tụi em mong dự án lan tỏa để du khách khi đến tham quan có thể hiểu thêm về ý nghĩa kinh tế, văn hóa và môi trường của các loài cá trên sông Hậu. Đặc biệt, là sự cần thiết của việc bảo vệ và khai thác nguồn thủy sản địa phương một cách bền vững. Cùng với đó là bảo tồn các loài cá quý hiếm trên sông”.
Trong khi đó, Trương Quang Huy, thành viên của nhóm cho hay bước đầu nhóm ưu tiên thu thập thông tin và giới thiệu những loài cá quý hiếm, có nhu cầu bảo tồn cùng với đó là những loài đặc trưng đang giúp người dân phát huy giá trị. “Nhóm kỳ vọng dự án sẽ góp phần giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước về những loài cá đặc trưng trên sông Hậu mỗi khi đến Cồn Sơn. Cùng với đó là tạo một điểm nhấn mới cho du lịch địa phương, hỗ trợ người dân giới thiệu với du khách về những loài cá thuận tiện hơn”, Huy nói.
Một du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu về thông tin các loại cá được treo trên vách DUY TÂN
Ông Lý Văn Bon (59 tuổi, chủ bè cá Bảy Bon) phấn khởi cho biết khi nghe ý tưởng của 3 học sinh, ông đã bị thuyết phục ngay bởi ý nghĩa thiết thực của dự án. “Hiện tại, việc cung cấp thông tin đến với du khách chỉ qua giới thiệu của người hướng dẫn viên thì rất khó có thể truyền đạt đầy đủ. Vì thế, tôi cho rằng, phòng thông tin này đặc biệt hữu ích với du khách, nhất là khách nước ngoài. Du khách đến đây có thể vừa tham quan cá dưới sông vừa có thể dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm hiểu từng loài cá đặc trưng của sông Mê kông”, ông Bon nói.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/doc-dao-phong-thong-tin-ve-nghe-ca-cua-nhom-gen-z-thu-hut-khach-du-lich-post1535925.html