Gắn bó suốt 40 năm bán báo, hai vợ chồng già ở miền Tây làm gì cũng có đôi, kể cả cùng đăng ký hiến xác cho ngành y. Nghĩa cử của ông bà nhận “mưa tim” từ cộng đồng.
Đó là vợ chồng ông Huỳnh Quang Trinh (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngọc Quý (70 tuổi, cùng ngụ P.An Hòa, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Vui buồn suốt 40 năm bán báo
Căn nhà vợ chồng ông Trinh nằm trong hẻm 147 Cách Mạng Tháng Tám (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), phía trước là một sạp báo nhỏ xinh. Chị Huỳnh Thị Đăng Lan (45 tuổi), con thứ ba của ông bà, cho biết chị trông coi sạp báo của cha mẹ để nối nghề. “Thu nhập từ sạp báo không có bao nhiêu nhưng tôi không nỡ nghỉ, bởi trước đây nhờ nó mà cha mẹ nuôi ba anh em tôi ăn học đàng hoàng. Đặc biệt, sạp báo còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp về sự keo sơn gắn bó của cha mẹ mà tôi luôn lấy làm tự hào”, chị Lan nói.
Cả hai vợ chồng đều có tình yêu đặc biệt với nghề bán báo và gắn bó với nhau không rời
Sạp báo tồn tại gần 40 năm, ông Trinh cho biết nghề này nỗi buồn không ít mà niềm vui cũng đong đầy. Dẫu thế nào, vợ chồng ông vẫn luôn đồng hành với nhau trong lúc gian nan, vất vả. Sạp báo khai trương tháng 3.1983, thời kỳ khó khăn chỉ có vài loại báo phổ biến. Gần 40 năm gắn bó với nghề, vợ chồng ông Trinh chưa bao giờ được ngủ tròn giấc. Bà Quý kể, nghề phát hành báo cực nhọc không sao kể xiết, khoảng 22 giờ phải đi lấy báo từ bưu điện, nhà in, bến xe (thời điểm báo phải gửi từ TP.HCM về - PV). Sau khi nhận sẽ mang về phân loại, sắp xếp, đem giao cho các đại lý ở Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang.
“Lúc báo in thịnh hành, trước 5 giờ sáng, chúng tôi đã giao hết cho các đại lý. Công việc hối hả phải chạy đua với thời gian. Có hôm chúng tôi mắc mưa, bụng đói, tấp vào ăn vội gói xôi hay dĩa cơm tấm. Ổng lo lắng cho tôi, tôi rớt nước mắt vì ổng, cả hai chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng vì miếng cơm, vì con cái”, bà Quý bồi hồi.
Còn đối với ông, mấy chục năm gắn bó với nghề, không bao giờ quên kỷ niệm đêm mưa gió bão bùng, chiếc xe chở báo “dở chứng” giữa đường. Ông dắt xe mà không nén được cảm xúc dâng trào khi phía trước là người vợ bé nhỏ đội chiếc nón lá lụp xụp, vác gói báo bước đi liêu xiêu trên con đường lầy lội.
Ông Trinh thuê người làm mô hình hai vợ chồng kỷ niệm nghề bán báo
Tình nguyện hiến xác cho y học
Ông Trinh cho biết vợ chồng ông rất yêu thích nghề bán báo. Vì vậy, khi nghỉ làm đại lý, ông vẫn bày sạp báo nhỏ trước nhà để bán. Vợ chồng ông đều mê đọc báo.
Cũng từ những bài báo mà tháng 10.2002, vợ chồng ông quyết định đăng ký hiến xác cho Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Việc đăng ký hiến xác bắt đầu từ ý kiến của bà Quý. Theo bà, sinh tử là quy luật nên muốn làm điều có ích cho cộng đồng sau khi qua đời. “Tôi thường đọc báo, thấy những bài đề cập đến vấn đề hiến xác cho sinh viên y khoa thực hành, thực tập. Vì thiếu xác nên nhiều nội dung phải dạy “chay”, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Tôi nghĩ lúc về với ông bà, cha mẹ, việc mai táng hay thiêu thì cũng trở thành cát bụi. Chi bằng tình nguyện hiến xác, gửi lại chút tấm lòng cho y khoa sẽ ý nghĩa hơn”, bà Quý trải lòng.
Dòng họ hai bên chưa ai làm điều này nên khi nghe vợ tâm sự, ông Trinh có phần sửng sốt nhưng nhanh chóng tán thành vì “Em nghĩ sao thì anh cũng nghĩ vậy”. Ông cũng coi đây là một việc tốt rất nên làm. “Hiến xác cho y học là niềm hạnh phúc cuối đời của chúng tôi. Vì vậy, sau khi âm thầm tìm hiểu thủ tục, tôi không để cho bả đăng ký một mình mà cùng hiến xác cho có cặp có đôi”, ông Trinh chia sẻ. Ban đầu, biết cha mẹ đăng ký hiến xác, 3 người con đều ngỡ ngàng, nhưng sự giải thích thấu tình đạt lý của ông bà dần thuyết phục được tất cả.
Vợ chồng ông hoàn tất thủ tục hiến xác cho y học THANH DUY
Chị Lan tâm sự: “Con cái ủng hộ sở thích và cả nguyện vọng của cha mẹ. Không những vậy, vào dịp lễ tri ân những người hiến xác cho ngành y, chúng tôi còn muốn ông bà dẫn các con trẻ đi theo để sau này lớn lên chúng sẽ nhận thức được giá trị thiêng liêng của điều này, để lối sống tích cực không ngừng tiếp nối và lan tỏa”.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cap-vo-chong-o-mien-tay-40-nam-ban-bao-cung-nhau-tinh-nguyen-hien-xac-post1526068.html