Đơn vị thiết kế đã tìm mua ngói liệt được tháo từ các căn nhà cũ. Hai chủ nhân lớn tuổi cảm thấy vô cùng thân thuộc với những điều xưa cũ ngay khi vào sống ở một công trình mới được xây dựng.
Trong văn hóa Á Đông, báo hiếu là một nét đẹp luôn được con cái chú trọng, đặc biệt khi cha mẹ đã về già.
Hiểu được điều đó, một người đàn phụ nữ ở TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xây dựng một ngôi nhà dành tặng ba mẹ mình để họ an hưởng tuổi già, vui thú điền viên.
Ngôi nhà nằm trên diện tích đất rộng 100m2.
Căn nhà người con dành tặng cho ba mẹ đã lớn tuổi nên việc thiết kế hướng đến sự tối giản, tiện dụng. Các thiết kế mang đậm dấu ấn địa phương thể hiện qua hệ mái ngói liệt, cửa lá sách…
Màu nâu đất làm tông chủ đạo khiến căn nhà mang đậm màu thời gian.
Hiểu được nhu cầu của người lớn tuổi muốn sống trong những không gian có thể trồng cây cảnh, rau củ, thậm chí nuôi thả gia cầm nên kiến trúc sư đã bố trí diện tích sàn trệt vào khoảng 50m2 (trong tổng diện tích 100m2). Phần đất còn lại, họ dành cho sân vườn.
Cánh cổng gợi nhớ tới những căn nhà ở quê nhiều năm trước.
Phần cổng hàng rào tạo cảm giác gần gũi, làm gợi nhớ đến thời thơ ấu của gia chủ với những căn nhà ở quê. Ngói liệt được dùng để làm phần mái cho cổng kết hợp với các block gạch nung xếp tạo ra sự kín đáo vừa đủ.
Vì hiểu rõ người lớn tuổi luôn xem trọng việc thờ cúng nên kiến trúc sư đã cẩn trọng bố trí am thờ ngoài trời cũng như bàn thờ trong nhà sao cho trang trọng nhất.
"Ở Huế, am thờ ngoài trời là một nét văn hóa thờ cúng mà ít nơi có được. Chúng tôi đã thiết kế hạng mục này đồng bộ với kiến trúc của căn nhà", kiến trúc sư cho biết.
Vật liệu đá được sử dụng trong nhiều hạng mục.
Để mang được không khí "nhà ở quê" vào căn nhà thành thị này, đơn vị thiết kế cũng chính là đơn vị thi công đã sử dụng vật liệu chủ yếu là đá, gỗ, bê tông. Đặc biệt là ngói liệt - một vật liệu ngày xưa mang nhiều hoài niệm cũng đã được dùng để lợp mái.
Họ đã tìm mua lại ngói liệt được tháo từ các căn nhà cũ. Việc sử dụng ngói liệt giúp hệ mái của công trình mang màu thời gian ngay từ khi hoàn thành. Chủ nhân lớn tuổi của căn nhà cảm thấy thân thuộc với những điều xưa cũ ngay khi vào sống ở một công trình mới được xây dựng.
Không gian bếp ấm cúng.
Người lớn tuổi không ở chung với con cái thường sẽ có cảm giác lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Chính vì vậy, kiến trúc sư đã thiết kế không gian vừa đủ với phòng khách và bếp.
Tầng 2 cũng được bố trí phòng ngủ.
Mọi sinh hoạt gói gọn lại, giúp họ cảm thấy có sự gắn bó hơn với nửa còn lại của mình ở tuổi xế chiều.
Căn nhà được bố trí nhiều cây xanh.
"Vì không gian nhỏ, đủ dùng nên chúng tôi chú trọng dựng nhiều vị trí tủ gỗ với họa tiết lá sách, tạo sự thông thoáng mà vẫn kín đáo. Hệ cửa chớp lật gỗ kính ở mặt sau kết hợp block đất nung tạo hiệu ứng ở khu vực vệ sinh. Điều này đem lại khả năng lưu thông khí tốt nhất cho công trình.
Cửa lá sách giúp đón nắng tốt. (Ảnh: Limdim House).
Phối cảnh căn nhà.
Sống trong căn nhà, chủ nhân lớn tuổi cảm nhận được sự yên tĩnh thực sự. Qua đó, họ có thời gian chiêm nghiệm lại quãng đời đã cùng nhau sánh bước, tận tưởng những giây phút an nhàn tuổi già.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/con-gai-xay-nha-que-giua-pho-tang-bo-me-tuoi-xe-chieu-20220928154731685.htm