Ngôi nhà được lấy cảm hứng từ những nếp gấp giấy. Sự chuyển tiếp linh hoạt nhằm tạo ra các không gian có tầng bậc khác nhau, đan xen là thảm thực vật được phát triển theo chiều đứng của ngôi nhà.
Nhà ống là loại hình phổ biến nhất được xây dựng tại Hà Nội. Những ngôi nhà có chiều rộng hẹp, khá sâu và nằm san sát nhau.
Ngôi nhà có tổng diện tích 260m2.
Giữa bối cảnh đô thị ngày càng chật hẹp, chất lượng không khí xuống cấp, các khoảng xanh dần bị thay thế bởi hệ thống hạ tầng và việc xây dựng mất kiểm soát, các gia đình đều phải tính toán thật kỹ trước khi có ý định xây dựng một ngôi nhà ống.
Gia chủ hướng tới một không gian sống hiện đại, nhiều khoảng xanh.
Đôi vợ chồng trẻ ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) sau khoảng thời gian dài ấp ủ đã quyết định xây dựng một ngôi nhà ống với nhiều khoảng xanh.
Cả hai mong muốn nơi đây sẽ là một không gian sống đúng nghĩa giúp các thành viên trong gia đình có sự kết nối. Những đứa trẻ có đủ không gian để phát triển, vui chơi và tiếp xúc với tự nhiên hơn là sống quanh bốn bức tường.
Vì lấy ý tưởng từ nghệ thuật gấp giấy nên ngôi nhà được đặt tên là Folding House.
Sau khi bàn bạc với gia chủ, kiến trúc sư Trần Tuấn Anh đã quyết định lấy cảm hứng từ những nếp gấp giấy để thiết kế ngôi nhà. Sự chuyển tiếp linh hoạt nhằm tạo ra các không gian có tầng bậc khác nhau, đan xen là thảm thực vật được phát triển theo chiều đứng của ngôi nhà.
Khoảng lùi của sảnh, ban công kết hợp với rèm cây xanh có tác dụng hạn chế hướng nắng, bụi và tiếng ồn.
Khi quan sát từ bên ngoài, ngôi nhà trông khá kín đáo và riêng tư. Những mảng tường đặc kết hợp khoảng lùi cây xanh giúp hạn chế tác động của hướng nắng Tây Nam, cũng như giảm thiểu tối đa lượng khói bụi và tiếng ồn từ bên ngoài vào.
Không gian mang đậm sắc màu nhiệt đới.
Cầu thang gợi liên tưởng đến những tờ giấy nhiều nếp gấp.
Tầng 1 là ba khoảng sân được bố trí xen kẽ tạo điểm nhìn và giúp điều hòa khí hậu cho toàn bộ công trình.
Phòng khách cùng bếp ăn được kết nối bởi giếng trời và mảnh vườn nhỏ ở giữa. Đây là nơi bắt đầu trục giao thông chính của ngôi nhà. Không gian lệch tầng kết hợp với việc đảo vế thang tạo nên các khoảng giếng trời lớn nhỏ.
Phòng bếp với bàn ăn lớn.
Không gian tận dụng tối đa hai nguồn sáng từ phía trước và từ khoảng thông tầng chính giữa ngôi nhà. Điều này giúp các khu vực như hành lang, thang, nhà vệ sinh… đều nhận được ánh sáng và thông gió tự nhiên.
Khu vườn trên sân thượng.
Điểm kết phía trên cùng là một mảnh vườn nhỏ. Nơi những đứa trẻ có thể tự tay nuôi dưỡng và chăm sóc cây. Tại khu vườn này, gia đình có thể quây quần, thư giãn và tổ chức những bữa tiệc ấm cúng.
Folding House phát triển khoảng thông tầng và khu vườn xuyên suốt chiều đứng của ngôi nhà.
Việc sử dụng bê tông, gạch mộc kết hợp với một số vật liệu tự nhiên như đá, gỗ và cây xanh mang lại hơi thở nhiệt đới cho công trình. Kết hợp này cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của cây xanh, ánh sáng và thông gió tự nhiên.
Màu sắc được kết hợp hài hòa.
Chia sẻ với Dân trí, kiến trúc sư Trần Tuấn Anh cho biết, hạng mục khó khăn nhất là giai đoạn hoàn thiện chi tiết, khi kết hợp các chất liệu tự nhiên, vật liệu thô mộc để đảm bảo chúng hài hòa với nhau.
Không gian riêng được bố trí vừa đủ các chức năng cơ bản, nhằm dành diện tích tối đa phục vụ cho các không gian chung và sân vườn.
Phòng ngủ thiết kế trang nhã.
Mặt bằng xây dựng chỉ là một bãi đất trống, xung quanh nhiều cây xanh và một cái ao trước nhà. Sau 7 tháng thi công, nơi đây đã biến thành một resort thu nhỏ có nhiều mặt thoáng và cảnh quan đa dạng.
Cửa sổ cách điệu tạo điểm nhấn.
Ngôi nhà lung linh ánh sáng khi về đêm.
Đôi vợ chồng trẻ rất vui và hào hứng khi sống trong ngôi nhà, nơi họ có thể tự tay chăm sóc những mảnh vườn và nhìn những đứa trẻ vui đùa trong không gian xanh mát.
Theo Hồng Anh/ Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/ngoi-nha-lech-tang-nhu-resort-thu-nho-cua-vo-chong-tre-ha-noi-20220923110328803.htm