Hình ảnh cụ ông với mái tóc bạc trắng bán đồ chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ chia sẻ trên mạng xã hội được dân mạng kêu gọi nhau đến ủng hộ. Vì sao ở tuổi 80 cụ ông vẫn phải mưu sinh vất vả?
“Hôm nay em thấy ông ngồi ở một góc trong phố đi bộ Nguyễn Huệ… ông lớn tuổi lắm rồi ạ, tóc bạc trắng hết. Thật sự từng tuổi này mà phải mưu sinh như vậy đã thấy thương rồi”. Câu chuyện về cụ ông bán đồ chơi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội những ngày qua.
Nhiều ngày sau đó, tôi đến phố đi bộ tìm ông nhưng góc ông cụ thường ngồi trống hoác, chỉ có dòng người qua lại. Mãi đến gần đây, cụ ông mới lại tay xách nách mang ra vỉa hè tối đèn, trải tấm bạt, bày biện vài ba món đồ chơi. Thì ra, sau khi dầm cơn mưa lớn nhiều hôm trước, ông lên cơn sốt, ho, phải nghỉ nhiều ngày liền.
"Ở nhà buồn lắm..."
Ngồi phịch xuống đường, cụ ông tóc bạc trắng, gương mặt nhăn nhúm, da trắng, tay lấm tấm đồi mồi đội chiếc mũ xanh hờ lên đầu, châm điếu thuốc, nhìn ra phía dòng người - một buổi tối mưu sinh của ông Ngô Quang Trí (ngụ Q.4, TP.HCM) bắt đầu như vậy trên phố đi bộ.
Cụ ông ngồi ở một góc tối trên vỉa hè với vài món đồ chơi VŨ PHƯỢNG
Mỗi tối ông chỉ bán được 1 hoặc 2 hoặc không bán được món đồ chơi nào, nhưng nếu không đau ốm thì ông vẫn đều đặn xuất hiện trên hè phố như vậy. Ông có 5 người con, hiện vợ chồng ông đang ở trong ngôi nhà chừng 52m2 trong một hẻm tại Q.4.
Ông kể, mảnh đất này được mua với giá 20 cây vàng từ cách đây rất lâu với sự giúp đỡ của nhiều bà con dòng họ, rồi dần dần cả nhà mới mua vật tư, xây dựng nhà kiên cố có xây thêm tầng lầu.
Vợ chồng ông đang ở cùng 1 người con gái dang dở, 1 người con trai và vài người cháu. Con gái ông năm nay cũng đã 50 tuổi, làm lao động tay chân nên ông không muốn phụ thuộc vào con, nhất quyết phải đi bán hàng.
Ông Trí bị bệnh thấp khớp, đi lại khó khăn nên ngồi một chỗ để bán VŨ PHƯỢNG
Nhìn cụ ông bước đi cà nhắc vì bệnh thấp khớp, các con nhiều lần khuyên ông ở nhà nhưng ông đều gạt phắt. “Ở nhà buồn lắm, bả thì què ngồi một chỗ, tôi không muốn coi ti vi nên ở nhà, buồn tay buồn chân chỉ đi ra đi vào chán lắm. Ra đây ngó xe ngó cộ, mấy tháng dịch nằm ở nhà mà tôi muốn rầu luôn”, cụ ông người gốc Gia Lâm, Hà Nội giọng lai Sài Gòn nói.
Tối ngày cuối tuần, phố đi bộ Nguyễn Huệ đông người qua lại, già có, thanh niên có, con nít có, nhưng có lẽ nhiều người không nhìn thấy cụ ông đang ngồi nép bên một góc vỉa hè đôi khi thiếu ánh sáng này. Ông cũng không chào mời, cứ lặng lẽ ngồi châm thuốc, nhìn dòng người đông đúc phía trước mặt.
Niềm vui tuổi già
Khác với nhiều nhân vật lớn tuổi khác tôi từng gặp, nhiều ông bà cụ vẫn phải bươn chải ngoài đường vì hoàn cảnh khó khăn, ông Trí bán vì… đam mê, vì đó là niềm vui của tuổi già.
Cụ ông tóc bạc trắng đi bán đồ chơi như niềm vui của tuổi già VŨ PHƯỢNG
Từ ngày trẻ, vợ chồng ông đều bán các món đồ linh tinh ngoài đường, khu công cộng. Thời gian đầu cụ bà bị đau chân không đi lại được, ông Trí cũng ở nhà “ăn bám con” theo người bạn đời. Nhưng được ít hôm thì ông tự chạy qua Chợ Lớn lấy đồ chơi về để ra phố đi bộ bán.
Gần 3 năm trước, ông còn xách vài món đồ đi tới đi lui mời khách, nhưng sau cũng bị đau chân nên ông ngồi một chỗ. Chỉ chiếc xe Cub mới coong, ông khoe: “Con gái mua cho đi bán đó”.
Giờ nhiều người bán nên tôi thấy tôi còn bán được là may mắn. Tiền lời đủ ăn sáng, mua thuốc hút. Ngày nào bán khá hơn thì đưa con vài trăm mua đồ ăn, còn không thì con nấu cho ăn. Tôi cứ thích tự lao động để không phụ thuộc con cháu vậy đó, bữa bệnh tôi cũng tự mua thuốc tây uống chứ không phiền đến đứa nào
-Ông Ngô Quang Trí-
Để đỡ buồn tay, ông liên tục sắp xếp lại vài món đồ chơi bày biện trước mặt, những món đồ lỉnh kỉnh mang theo. Cả buổi tối, theo tôi quan sát, chỉ có 2 người đến hỏi mua 2 món đồ chơi.
Ông cười: “Giờ nhiều người bán nên tôi thấy tôi còn bán được là may mắn. Tiền lời đủ ăn sáng, mua thuốc hút. Ngày nào bán khá hơn thì đưa con vài trăm mua đồ ăn, còn không thì con nấu cho ăn. Tôi cứ thích tự lao động để không phụ thuộc con cháu vậy đó, bữa bệnh tôi cũng tự mua thuốc tây uống chứ không phiền đến đứa nào”.
Lần theo địa chỉ được cụ ông cho, tôi tìm đến được căn nhà đúng như miêu tả của ông. Đó là ước mơ của nhiều người ở Sài Gòn và cũng là niềm tự hào của ông cụ tóc bạc trắng. Đợt dịch vừa qua, hẻm nhỏ nhà ông có 3 người mất, nhưng cả nhà ông đều bình an. “Sống qua thời này là may lắm đó”, ông nói.
Ông thường lấy hàng ở Chợ Lớn, bán 2 - 3 tháng mới hết VŨ PHƯỢNG
Đã thành thói quen, cứ 18 giờ 30 phút, ông lại đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, trải bạt cùng vài món đồ chơi. Ông khoe có một số người không mua mà cho ông hộp sữa, mời ông ăn kem,… nên ông cảm nhận được cuộc sống dễ thương, muốn đi bán hoài để khuây khỏa.
Bóc vỏ hai trái chuối sứ, ông chậm rãi nói: “Chuối ở nhà cúng Phật, xong mang ra ăn, còn cơm thì bữa ăn bữa không. Tôi bán như niềm vui tuổi già, thấy mình vẫn lao động được, vẫn có ích là mừng rồi”.
Theo Vũ Phượng/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/cu-ong-ban-do-choi-o-pho-di-bo-khien-dan-mang-thay-thuong-vi-dam-me-post1496810.html