Từ hiện trạng xuống cấp do thường xuyên vắng người ở và lối kiến trúc cũ bộc lộ nhiều nhược điểm, căn nhà sàn đậm nét vùng cố đô đã được cải tạo lại khang trang, tiện nghi chẳng kém resort hạng sang.
Tọa lạc giữa lòng thành phố Huế, căn nhà sàn có diện tích 300m2 nằm trên một khu đất rộng gần 700m2 là món quà mà người cha để lại cho con. Tuy nhiên, vì thường xuyên không có người sinh sống nên công trình có phần xuống cấp, lối kiến trúc cũ cũng bộc lộ nhiều nhược điểm.
Nhà sàn bằng gỗ là một trong những dạng công trình tiêu biểu của Việt Nam, mang đậm những dấu ấn về văn hóa nông nghiệp lâu đời của vùng Đông Nam Á.
Ngoài những ưu điểm như mát mẻ, ngăn cách với các tác động bất lợi của thiên nhiên (lũ lụt, thú dữ) thì ngày nay, kiểu kiến trúc nhà sàn cũng bộc lộ một số nhược điểm như bất tiện cho lối sinh hoạt hiện đại, khó mở rộng không gian và thiếu sáng do sử dụng gỗ là chủ yếu.
Toàn bộ công trình nhà sàn cổ sau 5 tháng cải tạo ở Huế.
Khoảng sân rộng dẫn vào khu vực cửa chính của công trình.
Gia chủ hy vọng, công trình sau cải tạo vừa đảm bảo giữ nguyên các yếu tố mang tính kỉ niệm, vừa cân bằng công năng, sự tiện nghi cho các thành viên khi sinh sống tại đây.
Từ đề bài này, nhóm kiến trúc sư đã lựa chọn giải pháp cải tạo ngôi nhà sàn thành không gian sống tươi mới, hiện đại, tiện nghi, phù hợp với gia đình trẻ. Bên cạnh đó, căn nhà vẫn toát lên nét cổ xưa, chất chứa những hoài niệm... như mong muốn của gia chủ.
Khối nhà sàn cổ được cải tạo lại, vừa giữ nguyên nét kiến trúc cũ, chất chứa nhiều hoài niệm, vừa đảm bảo đầy đủ công năng, tiện nghi.
Khối nhà bếp - phòng ăn được xây mới nhưng vẫn đảm bảo tính liên kết, hài hòa về mặt kiến trúc với khối nhà sàn.
Đại diện đội ngũ kiến trúc sư cho biết, dự án này là một thử thách với họ vì căn nhà gỗ cũ và một gia đình trẻ dường như là hai yếu tố đối lập, khó có thể dung hòa.
Tuy nhiên, khu đất lại có một lợi thế là rộng rãi nên nhóm thiết kế quyết định xây dựng thêm một khối mới với kiến trúc tương đồng khối nhà sàn cũ. Giải pháp này vừa tôn lên nét kiến trúc của căn nhà gỗ, vừa mang đến các tiện nghi sinh hoạt đầy đủ cho gia chủ.
Sân vườn rộng được thiết kế cảnh quan xanh mát với nhiều mảng cỏ.
Kiến trúc sư giữ lại một số cây lớn hiện trạng, bao quanh là khối tường rào làm bằng đá tổ ong màu cam đất để tạo điểm nhấn, tương phản với màu xanh của sân vườn.
Phía trên tường rào cũng như hiện diện ở hầu hết các không gian là các loại chum - một dụng cụ đựng nước thời xưa được làm bằng đất sét nung, mà chủ nhà sưu tầm được. Bởi vậy mà công trình cũng được đặt tên là "Chum Villa".
Không gian chính của tầng trệt khối nhà sàn là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình. Phía cuối khối chức năng này là khu vực tắm lộ thiên.
Không gian này được kết nối với khu vệ sinh chung của tầng trệt, có thể khép kín toàn bộ, đảm bảo riêng tư cho khu vực tắm lộ thiên hoặc bên trong ngôi nhà bằng rèm.
Không gian sinh hoạt chung ở tầng trệt khối nhà sàn.
Thiết kế mở cùng hệ cửa kính cỡ lớn giúp căn nhà luôn thông thoáng, tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Các thành viên cũng có thể dễ dàng quan sát, tương tác lẫn nhau dù đứng ở vị trí nào trong nhà.
Khu vực tắm lộ thiên được bố trí ở phía cuối không gian sinh hoạt của tầng trệt khối nhà sàn.
Vì hiện trạng của nhà sàn là hệ cột dầm gỗ làm bằng thân cây nguyên khối, bố trí đan xen nên dễ gây cảm giác rối và rỗng.
Nhóm thiết kế sử dụng một vài mảng tường đá giúp tạo điểm nhấn cho khối nhà gỗ và mang lại cảm giác về khối, độ đặc rỗng của không gian rõ ràng hơn.
Để khu vực này tiện dụng hơn so với nguyên bản, nhóm kiến trúc sư lắp thêm hệ cửa trượt trong suốt bằng nhôm kính, vừa có tác dụng đón gió khi cần và đóng lại khi mưa bão đến, vừa giúp lấy sáng tự nhiên cũng như xóa nhòa ranh giới giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà.
Bao quanh nhà là khu vực sân vườn, đóng vai trò như một lớp đệm giúp làm dịu bầu không khí trước khi đi vào nhà.
Tầng trên của khối nhà sàn là khu vực phòng ngủ chính của gia chủ. Nhóm kiến trúc sư giữ lại hầu hết hệ gỗ và chỉ phân chia không gian cho phù hợp với từng công năng nhằm tránh phá vỡ kiến trúc kiểu 3 khối của nhà sàn (khối chính ở giữa và hai khối phụ ở hai bên).
Mái nhà sử dụng ngói đất sét nung. Phía dưới được đóng trần kín để có thể sử dụng điều hòa khi thời tiết nắng nóng.
Trong nhà sử dụng chủ yếu từ các vật liệu cơ bản như đá, gạch, kết hợp nội thất gỗ.
Khu vực hành lang liên kết từ tầng trệt lên tầng một của nhà gỗ được thiết kế thoáng đãng, mở tầm nhìn tối đa ra cảnh quan sân vườn.
Ánh sáng cũng được chú trọng tại khu vực nhà gỗ vì lớp sơn cũ tạo cảm giác thiếu sáng cho công trình. Nhóm thiết kế cân đối độ sáng tối khéo léo, sao cho không gian không quá sáng để giữ nét cổ kính của nhà gỗ mà vẫn đảm bảo đủ sáng cho nhu cầu sinh hoạt ở những vị trí cần thiết.
Đối với khối bếp - phòng ăn xây mới, kiến trúc sư bố trí đầy đủ các tiện nghi, kèm theo đó là một phòng ngủ để bố mẹ của gia chủ có thể lưu trú, nghỉ ngơi khi đến thăm con cháu.
Góc nhìn từ phòng ngủ ở khối nhà mới ra sân vườn và khu vực ăn uống ngoài trời
Đồng thời, khối nhà mới này cũng phải ăn nhập và liên kết với khối nhà sàn cũ, tránh tình trạng hai không gian bị tương phản hay đối lập nhau.
Sau cải tạo, công trình không chỉ là tổ ấm mới đặc biệt cho các thành viên mà còn là sợi dây gắn kết các thế hệ cũng như đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc nhà sàn cổ với kiến trúc hiện đại.
Ảnh: Quang Trần, Limdim House
Theo Khải Anh/ Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/nha-san-co-cai-tao-dep-nhu-resort-tai-hue-gia-chu-quanh-nam-thich-o-nha-20220824184551005.htm