Từ ngày 25.8 tới đây, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực, trong đó đáng lưu ý là sẽ phạt tiền nếu không phân loại rác thải rắn theo quy định.
Từ đây việc hình thành ý thức và thói quen bảo vệ môi trường càng được quan tâm hơn. Mặc dù những năm qua nhiều hội nhóm yêu môi trường của người trẻ, các hộ gia đình, trường học cũng đã có nhiều cách thức tuyên truyền và thực hành phân loại rác thải tại nguồn nhưng chưa hiệu quả và còn gặp nhiều khó khăn.
Cần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn cho các bé NỮ VƯƠNG
Từng dạy cho con nhưng rồi… vô nghĩa
Là một người trẻ luôn đau đáu về các dự án bảo vệ môi trường nên Đặng Thị Thơm (20 tuổi) chủ nhân dự án Gen Xanh, rất phấn khởi với Nghị định 45/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7.7.
Việc áp dụng chế tài xử phạt nếu không phân loại chất thải tại nguồn mình tán thành ngay vì sẽ tốt cho môi trường sống. Nhưng việc thu gom rác cũng cần được cải tiến để phù hợp hơn”
-Chị Phan Thị Hồng Châu (Q.Gò Vấp, TP.HCM)-
Thơm bày tỏ: “Mình rất vui vì nhà nước đã ban hành quy định chính thức về vấn đề phân loại rác thải rắn. Tuy đây mới chỉ là thời điểm nghị định có hiệu lực chứ chưa bắt đầu áp dụng xử phạt, nhưng cũng là bước tiến để người dân dần hiểu và bắt đầu làm quen với việc phân loại chất thải rắn tại nhà”.
Thơm cũng cho biết từ trước đến nay các hoạt động của Gen Xanh chủ yếu đề ra các giải pháp cho từng cá nhân thay đổi ý thức bảo vệ môi trường, chứ chưa triển khai mạnh về hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà, một phần là vì vẫn chưa thấy nhà nước có biện pháp thu gom và xử lý phù hợp.
“Mặc dù tụi mình cũng rất trăn trở về vấn đề phân loại rác tại nguồn, nhưng vì chưa có biện pháp cụ thể, việc thu gom rác cũng gom chung lại thành một nên việc phân loại rác tại nhà chưa hiệu quả. Nay có nghị định quy định rõ ràng rồi, tụi mình bắt đầu thêm các hoạt động về phân loại rác thải vào các chương trình của Gen Xanh”, Thơm chia sẻ.
Chị Phan Thị Hồng Châu (ngụ hẻm 818 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bày tỏ: “Thật ra mình cũng từng dạy con phân loại rác thải. Việc áp dụng chế tài xử phạt nếu không phân loại chất thải tại nguồn mình tán thành ngay vì sẽ tốt cho môi trường sống. Nhưng việc thu gom rác cũng cần được cải tiến để phù hợp hơn”.
Chị Châu kể: “Ban đầu lúc dạy con phân loại rác thì con tỏ vẻ thích thú, nhưng sau đó lại ham chơi nên cũng bỏ rác vô tội vạ. Mình nghĩ cần phải có quá trình lâu dài mới tập thành thói quen cho trẻ được. Hơn nữa, khu vực nhà mình vẫn đang áp dụng hình thức thu gom rác truyền thống (tổng hợp) nên việc phân loại rác tại gia cũng trở nên vô nghĩa”.
Trường học cũng có nhiều giải pháp
Muốn các bé hình thành thói quen bảo vệ môi trường, chị Nguyễn Minh Bon, Giám đốc Hệ thống mầm non tư thục Sao Mai (TP.Huế), cho biết nhà trường đã đưa nội dung này vào giáo dục trẻ.
Mô hình ngôi nhà 100 đồng phân loại rác thải tái sử dụng của Trường Tiểu học Yên Thế (Q.Tân Bình, TP.HCM) BÍCH QUYÊN
Sau khoảng thời gian thực hiện lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, phân loại rác thải tại nguồn cho các bé, chị Minh Bon cho rằng ở độ tuổi mầm non việc tiếp thu và thực hành rất nhanh. “Cả ở trường và về nhà các con đều biết phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, đấy là những tín hiệu rất đáng mừng. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định này, nhà trường cũng sẽ tăng cường các hoạt động về phân loại rác cho các bé trải nghiệm; cùng phụ huynh tổ chức các cuộc thi sáng tạo từ vật liệu tái chế để vừa tuyên truyền, vừa giúp các bé được học và thực hành thường xuyên hơn”, chị Minh Bon chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Bích Quyên, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Yên Thế (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng cho biết nhiều năm qua nhà trường đã chú trọng việc tuyên truyền và giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách phân loại rác. Trường thực hiện mô hình Ngôi nhà 100 đồng đặt ngoài sân trường để học sinh bỏ các rác thải như chai nhựa, tại các lớp cũng có chỗ để các bạn bỏ vỏ hộp sữa. Mô hình này sẽ giáo dục học sinh biết cách phân loại rác và ý thức hơn về vấn đề môi trường.
Cần thời gian và sự đồng bộ
Anh Vũ Thanh Tùng, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM), cho biết ở trường có đặt 3 thùng rác màu sắc khác nhau có dán nhãn trên từng thùng là rác độc hại, rác hữu cơ, rác tái chế và hướng dẫn học sinh bỏ rác theo từng loại. Nhiều học sinh thích thú hưởng ứng, tuy nhiên vì ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt hằng ngày ở nhà nên việc thay đổi nhận thức của các bé cũng không đạt hiệu quả cao.
“Trường luôn chú trọng và lồng ghép việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, hướng dẫn học sinh phân loại rác bằng nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên hiệu quả không cao vì một phần do thói quen sinh hoạt tại nhà của bé, một phần là vướng mắc ở khâu thu gom rác. Các em phân loại rồi nhưng đơn vị đến thu gom vẫn gom chung lại, thành ra việc phân loại cũng không đạt hiệu quả”, anh Tùng chia sẻ và cho biết cần phải có sự đồng bộ ở nhiều mặt, nhiều khâu.
Ở góc độ Đoàn thanh niên, Phạm Minh Tâm, Phó bí thư Huyện đoàn Nhà Bè (TP.HCM), cho biết những năm qua Huyện đoàn có rất nhiều hoạt động tuyên truyền về hạn chế rác thải nhựa, phân loại rác, tặng thùng rác để phân loại rác tại nguồn… nhưng hiệu quả chưa cao.
“Cơ sở vật chất phục vụ việc thu gom rác thải phân loại tại nguồn chưa được đáp ứng. Có những nhà dân đã phân loại rồi nhưng người đi thu gom rác cũng gom lại thành một. Bên cạnh đó thì dù đã tích cực tuyên truyền nhưng thói quen xưa nay của người dân cũng khó thay đổi ngay được”, Tâm nói.
Theo Minh Tâm thì giải pháp tốt nhất là tác động từ môi trường nhà trường đối với học sinh, đoàn viên, đặc biệt là các bé ở bậc mầm non, tiểu học. Ví dụ như cơ sở Đoàn, Hội, Đội tổ chức các trò chơi để các bé hiểu đâu là rác thải rắn, đâu là rác thải nguy hại, đâu là rác thải có thể tái sử dụng… Đối với người dân thì ngoài việc tuyên truyền, tặng thùng rác phân loại… cũng cần có chế tài để vừa giáo dục vừa có tính răn đe thì mới thay đổi ý thức của mọi người.
Theo Nữ Vương/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/coi-chung-bi-phat-neu-khong-phan-loai-rac-tai-nha-post1485065.html