Nuôi cua biển trong ao đất là... bình thường. Có một thầy giáo tiểu học đã "vỗ béo" cua biển không phải từ ao đất mà trong những chiếc thùng nhựa.
Anh Đào Phước Xoàn và mô hình nuôi cua biển tuần hoàn trong thùng nhựa - Ảnh: LƯ THẾ NHÃ
Người thầy ấy là Đào Phước Xoàn, giáo viên Trường tiểu học An Thạnh, ngụ tại ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Anh từng được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao năm 2020 với mô hình khởi nghiệp "ao tôm thông minh".
Thịt cua hai da thầy Xoàn nuôi thơm ngon như cua hai da trong tự nhiên, khách đặt hàng mua ăn, đám tiệc không có đủ để bán.
-Bà ĐÀO PHƯỚC NGỌC (người bán cua ở chợ An Thạnh)-
1. Những ngôi chợ gần biển Thạnh Phú như: An Thạnh, Thạnh Hải, Thạnh Phong... thường vẫn bán cua biển đủ kích cỡ do người ta đặt dớn, đóng đáy, đặt rập hay câu được. Nhưng nhiều con cua cỡ trung 200-250 gam thường là cua ốp, cũng có khi cua chắc nhưng vì nhẹ cân nên giá bán không cao. Anh Xoàn đã tự hỏi: "Cua biển kích cỡ này dùng làm thức ăn hơi phí, có cách nào nuôi lớn hơn, chất lượng hơn và bán được giá cao không?".
Nghĩ là làm! Ban đầu, anh đặt nhiều thùng nhựa trong nhà cho mát để tránh rong (tảo) phát triển. Các thùng được kết nối với nhau qua hệ thống đường ống nhựa dẫn nước biển ra vào. Hai năm đầu thử nghiệm, anh Xoàn nhiều lần thất bại, cua chết sạch. Thì ra nguyên do chính vì hệ thống tuần hoàn nước như thế lại vô tình mang mầm bệnh ở cua từ thùng này lây qua thùng khác.
Nhưng còn thất bại khác, anh Xoàn mãi mới phát hiện ra xuất phát từ nguồn ốc biển anh mua làm thức ăn cho cua đã bị ướp hàn the, cua sống không nổi! Chưa kể do không có kinh nghiệm, anh mua nhầm cua giống bị khách bóp mạnh đã bị giập mình về nuôi được vài hôm cua chết. "Phải nói là năm đầu thử nghiệm, thất bại biết nhiêu mà nói, mất mớ tiền" - anh Xoàn kể.
Không thể làm cách cũ, anh cải tiến kỹ thuật nuôi trong thùng nhựa. Mỗi thùng nhựa đều có van khóa, giúp chủ động cho nước vào, tháo nước ra từng thùng. Nguồn nước đưa vào phải sạch, đã được diệt khuẩn để phòng dịch lây lan bệnh từ thùng này sang thùng khác.
Ban đầu anh Xoàn lấy nước biển gần bờ, độ mặn dưới 5 gam/lít nhưng lại cho màu cua không được đẹp lắm. Rồi anh thử nghiệm trữ nước biển lấy cách xa bờ hơn, độ mặn từ 10-15 gam/lít. Nước đưa vào nuôi có độ pH từ 7,5-8. Nước trong thùng nuôi cứ 15 ngày sẽ diệt khuẩn một lần. Kết hợp dùng hợp chất khoáng nuôi tôm, cung cấp canxi cho cua chắc vỏ, cứ 10 ngày cấp khoáng cho cua một lần. Hoặc khi không sử dụng chất khoáng nuôi tôm, anh ngâm nước vôi và lọc trước khi cho vào các thùng nuôi tôm.
Lúc đầu, anh nuôi cua ốp thành cua chắc nhưng quy trình này không cho lời nhiều. Vậy là anh Xoàn chuyển qua nuôi cua chắc thành cua hai da (cua sắp lột) vì loại này rất hiếm khi bắt được trong môi trường thiên nhiên. Anh chọn mua cua loại 4 con/kg làm con giống, mỗi thùng chỉ thả nuôi 4 con.
25m2 của gian nhà sau, anh đặt được 60 thùng, thả nuôi 240 con. Với giá cua giống hiện tại 130.000 đồng/kg, sau một tháng rưỡi nuôi sẽ cho ra thành phẩm là cua hai da đạt 1,2 - 1,3kg/con, giá bán khoảng 300.000 đồng/kg. Nên nếu gia đình có nhà tương đối, nuôi vài trăm thùng cùng lúc, sau khi trừ chi phí số tiền lãi sẽ khá lớn.
3. "Ông giáo" trẻ nói về cách nhận biết cua hai da như một chuyên gia. Đó là con cua mà vỏ có những vết nứt bên hông hoặc bỏ ăn hai ba hôm, cua sẽ được quấn vải, cho vào tủ đông để... cua ngủ. Chất lượng thịt vẫn đảm bảo ngon như cua hai da mới bắt được từ môi trường thiên nhiên.
Ngoài nuôi cua chắc thành cua hai da, anh Xoàn còn thành công với việc nuôi cua chắc thành cua gạch. Thường nuôi từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch cua sẽ tạo gạch, trung bình giá trên 500.000 đồng/kg, có lúc lên đến 900.000 đồng/kg.
Rút kinh nghiệm từ thức ăn mua về làm cua chết, anh đã đặt người soi con dã tràng, còng lửa để an toàn cho cua. Mỗi ngày phải cho cua ăn 3 lần, bận quá có thể thả mồi cho cua ăn nhiều ngày hơn. Anh Xoàn chia sẻ kinh nghiệm: "Cua biển thích yên tĩnh, ít bò, chỉ nằm một chỗ và không cắn nhau nên khi chọn con giống cần lựa cùng cỡ, cua sẽ không giành mồi cắn nhau".
Sau 1 năm thử nghiệm, anh bước đầu thành công với việc nuôi cua biển trong thùng nhựa. Chứ những ngày đầu khởi nghiệp, anh Xoàn không dám khoe với ai. "Có thể tạm gọi là thành công nên tui sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những bạn nào có nhu cầu và muốn nuôi cua biển theo kỹ thuật tuần hoàn trong thùng nhựa, giúp tạo thêm thu nhập cho gia đình" - anh Xoàn nói.
Theo Lư Thế Nhã/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ong-giao-nuoi-cua-bien-trong-thung-nhua-20220713095128999.htm