Các cuộc vui cùng đồng nghiệp dần trở thành gánh nặng đối với nhiều bạn trẻ mới ra trường, thu nhập chưa cao. Có bạn không dám từ chối, có bạn vì ham vui nên bị cuốn vào các buổi tụ tập ấy.
"Đi chơi với đồng nghiệp tuy tốn kém, nhưng rất vui, giúp mình thân thiết với mọi người hơn", Hường cho hay - Ảnh: NVCC
Sau buổi ăn chia tay đồng nghiệp, Ngọc Hường (22 tuổi, trợ lý hoạt động kinh doanh) không chỉ cạn túi mà còn âm 600.000 đồng khi chỉ mới giữa tháng. Hường phải vay mượn bạn để chi tiêu tiếp trong 2 tuần tới.
Tháng nào cũng âm tiền
Hường hiện là thực tập sinh cho một tập đoàn cung cấp công nghệ và dịch vụ. Công ty thường tổ chức tiệc chia tay người cũ và chào mừng người mới. Hường thừa nhận bị cuốn vào các buổi tiệc ấy.
"Hồi mình mới vào, mọi người thường rủ đi ăn như vậy. Rồi để thân thiết và kết nối với mọi người, lứa thực tập sinh tụi mình cũng hay tụ tập đi chơi riêng nữa", Hường kể.
"Tuần nào cũng có kèo, khoảng 2 bữa/tuần. Ăn xong tăng 1, mọi người sẽ chiến tiếp tăng 2. Có thể là uống nước hoặc đi karaoke", Hường nhớ lại.
Thời gian đầu, Hường cùng đồng nghiệp thường đặt đồ ăn vặt - Ảnh: NVCC
Cô tốn tầm 200.000 đồng cho mỗi bữa tụ tập đó. Ngoài ra, buổi trưa, mọi người cũng sẽ rủ nhau đặt đồ ăn trưa, tầm 50.000 đồng. Chiều chiều thì "đá" thêm ly trà sữa, hộp bánh tráng, dao động từ 20.000 - 40.000 đồng. Trung bình cô tốn khoảng 100.000 đồng cho mỗi bữa đi làm. Nếu ăn chơi tụ tập, con số dao động từ 300.000 - 400.000 đồng. Mức hỗ trợ thực tập của Hường chỉ có 5 triệu đồng.
Dù lương thực tập không cao, lại là người mới, cuộc vui nào cô cũng góp mặt tham gia để kết thân với đồng nghiệp. Thậm chí, khi thân thiết hơn, cô còn là người khơi mào các cuộc đặt đồ ăn vặt.
"Mỗi ngày mình đều rủ mọi người mua trà sữa hoặc trái cây chung. Bàn của mình còn trở thành pantry (quầy đồ ăn) thứ 2 của công ty, tại hay mua quá", Hường kể.
"Tốn kém chứ, tháng nào nhận lương cũng âm tiền khoảng 500.000 - 1 triệu đồng", cô thừa nhận, "Tốn tiền là vậy, nhưng mình vẫn tham gia vì chơi với mọi người vui, và cũng đang có hứng nên tới bến luôn", cô thành thật.
Nếu kẹt tiền, Hường sẽ vay bạn bè để tiếp tục chi tiêu trong tháng đó. Sau lần đi chơi tốn kém nhất, tốn gần 350.000 đồng, Hường cạn túi khi chỉ mới giữa tháng. Điều này buộc cô phải mượn nợ bạn 2 triệu xài tạm, khi nào có lương thì trả.
Không dám từ chối, "vì tính chất công việc"
Không giống Hường ham vui, M.T. (22 tuổi) - thực tập sinh không lương cho một công ty sản xuất chương trình truyền hình - lại tham gia cuộc chơi vì không dám từ chối. Ngoài bữa cơm trưa, mỗi cuối tuần và sau khi chạy chương trình, đồng nghiệp T. thường kéo nhau đi ăn.
Bạn cho hay mọi người trở nên thân, nói nhiều với nhau hơn sau một vài chai bia, ly rượu. Tuy nhiên, "sẽ rất vui nếu tần suất không quá nhiều", bạn khẳng định.
"Khi đã thân rồi, mọi người có xu hướng muốn gặp nhau nhiều hơn, thành ra các buổi tụ tập diễn ra càng lúc càng nhiều. Hầu như mỗi ngày, sau giờ làm, đều kéo nhau đi ăn, đi uống. Kết quả, không chỉ tốn tiền mà sức khỏe và trạng thái làm việc của mình cũng không tốt, vì đi chơi qua đêm tới sáng là lên công ty liền", T. kể.
T. chi ít nhất là 200.000 đồng cho mỗi bữa tụ tập nếu chỉ ăn. Hôm nào đi bar, đi karaoke nữa thì mất hơn 500.000 đồng - Ảnh: NVCC
Dẫu biết tốn kém và hại sức khỏe, thời gian đầu T. không dám từ chối lời mời vì "Dù thực tập không lương, mình cũng rất đắn đo, suy nghĩ. Nhưng đến môi trường làm việc mới, tất nhiên không thể tách rời, mình phải tham gia các cuộc vui rồi", bạn nói.
Tương tự, Anh Khoa (21 tuổi), hiện làm trong ngành nhà hàng khách sạn, cũng đi nhậu vì tính chất công việc. Sau giờ làm, mọi người thường uống với nhau để hiểu ý nhau hơn trong quá trình làm việc.
"Đi nhậu không phải để thăng tiến, o bế hay gì, mà khi có tí men thì dễ mở lòng và hiểu nhau hơn thôi. Làm việc trong nhà hàng khách sạn cần sự phối hợp nhịp nhàng trực tiếp giữa các phòng ban. Ví dụ, ở nhà hàng khách sạn 4 - 5 sao như mình đang làm, thì để một bàn cần tới 3 - 4 người chăm sóc, cần sự ăn ý của rất nhiều người. Bếp ra món thì người bưng món, người bưng rượu, người tư vấn cho thực khách,... Nếu sự cố phát sinh thì phải hiểu ý nhau để giải quyết liền", Khoa cho hay.
"Tất nhiên là có rất nhiều lần mình không muốn đi - anh thừa nhận - nhưng vì để giữ mối quan hệ nên phải ráng. Làm cái này rất mệt, nhất là khi tan ca vào tầm 22h-23h đêm mà còn phải đi uống nữa. Oải lắm".
Từ chối, thành thật và hiểu cho nhau
Trạng thái âm tiền và mượn nợ của Hường lên tới đỉnh điểm vào đầu tháng 3, khi cô chuyển ra riêng, phải trả thêm phí tiền trọ, điện nước, vật giá lại ngày một leo thang.
"Lúc đó, mình mới nhận ra bản thân đã hoang phí, bị cuốn vào cuộc vui như thế nào. Thời gian đầu mình stress dữ lắm", Hường nói.
Dần dà, Hường từ chối các buổi tụ tập, đặt đồ ăn và dĩ nhiên không còn là người khơi mào nữa. "Dạ dày em không ổn, có hẹn riêng nên không đi được" thường là lý do từ chối của cô nàng. "May mắn, đồng nghiệp vẫn thân thiết, không xa lánh hay xấu tính với mình, dù mọi người cũng thắc mắc sao cái 'pantry cô Hường' dẹp tiệm rồi", Hường nói.
Hường nấu cơm trưa mang đi làm. Bạn nấu khẩu phần lớn rồi chia cho mọi người ăn chung. Không khí nơi làm luôn vui vẻ - Ảnh: NVCC
Để giữ quan hệ thân thiết, dù ít tụ tập hơn, Hường cố gắng trò chuyện, kết nối mọi người và chăm chỉ, hoàn thành tốt công việc. Ngoài ra, cô cũng tự nấu cơm mang đi làm. Hường cho hay: "Suy cho cùng, chỉ cần mình thân thiện và nỗ lực làm việc, thì đi đâu ai cũng yêu quý, ngày làm nào cũng vui".
Khoa cũng cho hay vì đồng nghiệp hiểu tính chất công việc nhau, nên mỗi lần quá mệt, anh thẳng thắn từ chối tụ tập. Lần nào đi nhậu với sếp, anh đi một chút rồi xin về. "Bữa đó mọi người nhậu 3-4 tiếng lận, nhưng mình chỉ xin nhậu 1 tiếng thôi. Vì 4h sáng hôm sau có ca làm, mà giờ là nửa đêm rồi. Mọi người cũng hiểu", Khoa nói.
Sau vòng luẩn quẩn "vật vờ đi chơi rồi vật vã đi làm", T. cũng thẳng thắn thừa nhận với đồng nghiệp rằng bản thân chi xài cho ăn chơi quá nhiều, ảnh hưởng tới công việc, không có thời gian dành cho bạn bè, gia đình và bản thân. Đồng nghiệp lúc đầu hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cũng không thể hiện thái độ gì quá nhiều.
"Họ cũng chủ động mời mình đi ăn, khi mình bảo hết tiền. Nhưng mà giờ họ mời, mình cũng phải biết ý mà mời lại nên thôi. Quan trọng lắm thì mình mới đi, còn không thì từ chối hết", T. quyết tâm.
T. nói thêm: "Để thêm gắn kết, mọi người có thể cùng chơi game, hoặc cuối tuần chơi thể thao như đá banh, bóng rổ chẳng hạn. Mình thấy không nhất thiết phải hy sinh sức khỏe, tiền bạc vào ăn uống, bia rượu quá nhiều. Dù vui đó, nhưng không đáng".
Theo Tú Quỳnh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/chay-tui-am-tien-vi-tu-tap-mien-man-voi-dong-nghiep-20220613100705463.htm