Sau trận thắng của U23 Việt Nam trước U23 Malaysia, chị Tươi quyết định làm bữa cơm có món canh cua đồng tặng cho các cầu thủ.
Món ăn đậm hương vị quê nhà cho cầu thủ U23 Việt Nam
Từ năm 2007, nhà hàng Việt Nam của chị Lưu Thị Tươi (quê Hưng Yên) luôn là điểm đến của các đoàn thi đấu thể thao, công tác muốn thưởng thức hương vị quê nhà tại Tashkent - Uzbekistan. Mỗi khi được chuẩn bị, bày biện, phục vụ các món ăn cho đồng hương, trong lòng chị Tươi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khôn tả.
Chị Lưu Thị Tươi cho biết, mỗi món ăn được chế biến đều mang trong đó tình yêu thương, tâm huyết của nhà hàng dành cho các cầu thủ (Ảnh: NVCC)
Trong lần tuyển U23 Việt Nam sang Uzbekistan thi đấu tại vòng chung kết U23 châu Á năm nay cũng không là ngoại lệ. Nhà hàng của chị là địa chỉ được tin tưởng, chuẩn bị các món ăn đậm đà hương vị quê nhà cho các cầu thủ thưởng thức.
Công việc kinh doanh của chị Tươi và anh em đầu bếp vốn đã bận, khi có thêm tuyển U23 Việt Nam, đoàn cổ động viên và đoàn ngoại giao từ Liên Bang Nga lại càng tất bật hơn.
"Từ khi có U23 Việt Nam sang thi đấu, mỗi ngày chúng tôi chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng. Trước đây, 11h nhà hàng mới mở cửa, hoạt động đến 12h đêm.
Tuy nhiên, khi có thêm các vị khách Việt Nam và cầu thủ, tôi phải đi chợ từ 9h sáng, lên lịch các món ăn cho ngày hôm sau, tráng bánh phở quá nửa đêm.... Mặc dù, công việc bận, vất vả và luôn thiếu ngủ nhưng được phục vụ các vị khách Việt Nam đó thực sự là niềm vui và tự hào", chị Tươi chia sẻ.
Đoàn cổ động viên sang cổ vũ cho tuyển U23 Việt Nam đến ăn tại nhà hàng (Ảnh: NVCC).
Vì yêu cầu phòng dịch Covid-19, các cầu thủ và ban huấn luyện không được ra ngoài sau giờ tập, nên nhà hàng của chị Tươi chuẩn bị đồ ăn rồi chuyển tới khách sạn.
"Buổi sáng, các cầu thủ ăn đồ ăn của khách sạn, buổi trưa chỉ lấy cơm của nhà hàng và ăn theo thực đơn khách sạn. Còn buổi tối, nhà hàng chuẩn bị các món ăn thuần Việt như thịt đúc trứng, thịt rim và món canh...", chị Tươi chia sẻ.
Trước mỗi trận đấu, nhà hàng của chị đều lên thực đơn một cách cẩn thận cho các cầu thủ và ban huấn luyện.
Để có được bữa cơm chất lượng, an toàn, đủ dinh dưỡng và ngon miệng cho các tuyển thủ U23 Việt Nam, chị Tươi và đầu bếp phải lên thực đơn từ đêm hôm trước, đi chợ rồi chế biến. Tashkent không có chợ của người Việt Nam song các nguyên liệu đều có thể mua dễ dàng ở các cơ sở kinh doanh của người Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giữa nơi đất khách quê người, chị Tươi cảm thấy ấm lòng khi được nghe những lời khen của cầu thủ về các món ăn.
Sau trận thắng của tuyển U23 Việt Nam trước U23 Malaysia mới đây, nữ chủ quán đã quyết định làm bữa cơm "thưởng" cho toàn đội.
"Bữa cơm thưởng không có gì cao lương mỹ vị, chỉ là canh cua đồng, thịt đúc trứng, thịt rim, đậu phụ sốt cà chua... Tuy nhiên, tôi và nhân viên của nhà hàng gửi hết tình yêu thương, sự quan tâm vào trong đó, mong các cầu thủ đưa vinh quang về cho Tổ quốc", chị Tươi chia sẻ.
Món canh cua đồng mà chị Tươi chuẩn bị ở nơi cách Việt Nam hàng ngàn km cũng rất đặc biệt. Chị bảo, số cua này vừa được một người họ hàng mang từ Việt nam sang, gia đình trữ trong tủ lạnh ăn dần cho đỡ nhớ quê nhà. Tuy nhiên, trước chiến thắng của tuyển Việt Nam, chị Tươi quyết định dành món "đặc sản" nấu nồi canh cua thật ngon để đãi các cầu thủ bằng tất cả tấm lòng của một người Việt Nam xa quê.
Ảnh chụp tuyển bóng đá nữ Việt Nam đến nhà hàng Việt Nam của chị Tươi trong lần tới Uzbekistan thi đấu (Ảnh NVCC)
Xa quê vẫn trọn vẹn một tình yêu đất nước
Nói về cơ duyên đến với Uzbekistan chị Tươi cho biết, sau khi làm việc ở Nga, chị chuyển sang Tashkent sinh sống rồi xây dựng gia đình tại đây. Cộng đồng người Việt ở Uzbekistan chỉ khoảng 30 người, mỗi khi được gặp đồng hương là niềm vui rất lớn đối với người phụ nữ xa quê này.
Các món ăn đậm chất Việt Nam tại nhà hàng (Ảnh: NVCC).
Nhà hàng của chị Tươi phục vụ chủ yếu cho thực khách là người bản địa, người Hàn Quốc hay Trung Quốc sống tại Uzbekistan...
Trải qua 15 năm mở nhà hàng Việt Nam (từ năm 2007) tại Tashkent, chị Tươi vẫn chưa quên được những khó khăn buổi ban đầu. Thời điểm đó, tất cả được tạo dựng từ con số không, chưa có kinh nghiệm quản lý hay làm ẩm thực, chị Tươi đã phải mày mò và cố gắng rất nhiều.
"Uzbekistan là quốc gia theo Hồi Giáo nên người dân không ăn thịt lợn. Khi mở nhà hàng, tôi phải cố gắng thay đổi nguyên liệu để làm sao phù hợp với người bản địa. Ví dụ như dùng thịt gà làm nem, dùng xương bò nấu nước dùng cho phở gà... Đó là một quá trình lâu dài, hiện nay nhà hàng là nơi được nhiều vị khách bản địa và quốc tế biết đến", chị Tươi chia sẻ.
Hiện, các con của chị Tươi đã có gia đình riêng ở Uzbekistan nhưng các phong tục truyền thống giỗ chạp, lễ Tết truyền thống của Việt Nam đều được chị hướng dẫn các con chuẩn bị chu đáo.
Món phở sốt vang với đầy đủ nguyên liệu như ở Việt Nam do nhà hàng của chị Tươi chế biến (Ảnh: NVCC).
"Tôi tự hào với bạn bè quốc tế về các món ăn Việt Nam của nhà hàng. Tôi giới thiệu cho họ về ẩm thực, quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Cho dù sống xa quê đã nhiều năm, trong lòng luôn nghĩ về Tổ quốc, đất nước, vui vì những bước phát triển của quê nhà trong những năm qua", chị Tươi tự hào nói.
Chia sẻ về thực đơn bữa trưa trước trận đấu với Saudi Arabia tối nay, chị Tươi tiết lộ: "Hôm nay các cầu thủ sẽ ăn bữa trưa với trứng tráng, cá hồi nướng, canh sườn nấu củ cải và cơm trắng. Trước khi ra sân, nhà hàng sẽ chuyển món cháo thịt để các cầu thủ ăn lót dạ. Sau đó, nhà hàng sẽ đóng cửa, anh em nhân viên tới sân vận động cổ vũ tuyển U23 Việt Nam. Chúng tôi tin Việt Nam sẽ giành chiến thắng".
Sau khi chuẩn bị đồ ăn cho các cầu thủ U23 Việt Nam ngày 12/6, chị Tươi vội vã đáp chuyến bay về Việt Nam thăm gia đình sau 3 năm dịch bệnh.
Theo Tuệ Minh/ Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/nu-chu-quan-nau-canh-cua-cho-u23-viet-nam-tai-uzbekistan-20220612133949879.htm