Chồng tôi là con trai trưởng, không cái Tết nào tôi tiêu dưới 30 triệu đồng nhưng nghĩ mãi không biết bớt đi khoản nào cho tiết kiệm.
Đọc bài viết của độc giả Vĩnh Hà , tôi ước gì cũng được sắm Tết đơn giản như chị. Nhưng đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, nhiều việc không thể do mình quyết định, mà còn phải phụ thuộc vào thói quen, văn hóa gia đình, làng xóm.
Từ khi lấy chồng, mỗi cái Tết tôi chi tiêu không dưới 30 triệu đồng cho tất cả các khoản sắm sửa, đối nội đối ngoại.
Giống như nhiều gia đình, sau khi dọn dẹp nhà cửa ở Hà Nội xong là cả nhà tôi sắm sửa về quê chồng từ hôm 29. Từ lúc đặt chân về đến nhà là tôi phải lao ra chợ ngay để mua sắm từ cọng hành cho tới gói bánh.
Ảnh minh họa: T. Tùng, Vietnamnet.
Chồng tôi là con trai cả nhưng 2 vợ chồng lại làm việc và sống ở Hà Nội. Các em chồng đều lấy vợ lấy chồng cách nhà vài cây số nên nhà ở quê chỉ còn 2 ông bà. Tết đến việc nhà ai nấy lo. Bố mẹ chồng tôi giao hết cho vợ chồng tôi sắm Tết, nên năm nào tôi cũng tất bật chợ búa từ lúc về.
Không thể tự làm được thứ gì nên tôi mua sẵn từ bánh chưng cho tới gà thắp hương. Cả nhà lớn bé tổng là 6 người, nhưng còn một bữa cơm chung đại gia đình vào tối mồng 1 trên dưới 20 người. Vào các ngày mồng 2, mồng 3, sẽ thêm 2-3 bữa cơm có khách là họ hàng hoặc bạn bè bố mẹ chồng tôi.
Vì thế, lượng thực phẩm tôi phải chuẩn bị cho mấy ngày Tết cũng đầy ắp tủ lạnh. Vị chi mỗi năm tôi tốn khoảng 5-6 triệu đồng cho tiền thực phẩm. Đó là ở quê mọi thứ còn rẻ hơn trên thành phố. Hoa quả, bánh kẹo mời khách ở quê cũng phải gấp đôi, gấp ba vì nhà đông khách. Dù không cần phải mua những loại đắt tiền nhưng khoản này cũng rơi vào khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu tính cả hoa quả, bánh kẹo thắp hương bàn thờ thì 2 triệu vẫn còn hơi thiếu.
Ở quê nhà rộng nên cây quất, cây đào cũng phải bày loại to, rẻ cũng phải 700-800 nghìn. Hoa cắm bàn uống nước và bàn thờ nữa là tròn một triệu. Như vậy, mới tính tiền thực phẩm, bánh kẹo, cây, hoa đã là 8-9 triệu đồng.
Một khoản bắt buộc phải chi nữa là tiền quà Tết cho bà con họ hàng. Ở quê chồng tôi vẫn có tục Tết đến nhà nhau chơi, tay phải xách thêm gói bánh, hộp quà. Giá trị gói quà không nhiều nhưng tính ra mỗi dịp tết, vợ chồng tôi tốn khoảng 4 triệu đồng cho khoản này. Chưa kể, tới nhà ai chơi có ông bà già là mẹ chồng tôi lại giục mừng tuổi vài ba trăm cho các cụ vì "mình đi cả năm đến ngày Tết mới về quê, phải có chút quà cho phải phép". Cộng với khoản mừng tuổi trẻ con nữa là khoản lì xì đã mất 5 triệu đồng.
Chúng tôi cũng thống nhất biếu bố mẹ 2 bên mỗi bên 5 triệu để ông bà tiêu tháng Giêng. Tôi nghĩ là số tiền ấy cũng không nhiều nhặn gì bởi vì ông bà 2 bên đều không có lương hưu. Anh chị em chúng tôi cũng chỉ là công nhân viên chức bình thường, dịp Tết cũng chỉ mừng tuổi bố mẹ được 1-2 triệu. Vợ chồng tôi thu nhập khá hơn chút thì biếu bố mẹ như thế cũng là hợp lý.
Như vậy, cộng với khoản xe cộ về quê, đi lễ chùa, đi chơi Tết là tôi chi trên dưới 30 triệu đồng cho mỗi cái Tết. Tôi nghĩ mãi mà chẳng thể bớt đi khoản nào.
Quả thực, năm nay dịch bệnh thu nhập của hai vợ chồng đều giảm đi 20% nhưng các khoản mua sắm thì không thể bớt. Nhờ các anh chị giỏi thu vén xem có thể tiết kiệm được khoản nào giúp tôi cho cái Tết năm nay không?
Theo Huyền Anh/ Dân Trí
https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/toi-sam-tet-30-trieu-nghi-mai-khong-biet-bot-di-khoan-nao-20220112083922599.htm