Trong thời điểm dịch bệnh, khi mọi người đều ngại ra đường và các hoạt động đón Tết Trung Thu đều hạn chế, thì cắm cành hồng quả trong nhà lúc này như một thú vui của không ít người dân ở Hà Nội.
Hồng là loại trái cây không thể thiếu trong dịp Trung Thu. Thay vì mua quả chỉ để thưởng thức như mọi năm, cành hồng năm nay trở thành thú vui mới trong dịp rằm tháng Tám cận kề.
Gần đây, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội đang rầm rộ trào lưu mua cành hồng quả về cắm trang trí dịp cận tết Trung Thu. Không chỉ như một món đồ trang trí lạ mắt trong nhà, những trái hồng chín dần được chị em thưởng thức như một thức quà đặc biệt trong dịp rằm tháng Tám.
Những cành hồng quả bắt mắt được chị em "săn lùng" (Ảnh: An An).
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Hà Nội) cũng háo hức khoe cành hồng mới sắm lên mạng xã hội, chị cho biết: "Mình nghe các chị bảo nhau cắm cành hồng chơi được lâu, phải giữ được đến cả tháng nên cũng mua về. Mình nghĩ để vừa trang trí vừa có quả chín dần đến Trung Thu hái ăn. Vậy mà chỉ 3-4 ngày hồng của mình đã chín đỏ gần hết".
Chị em "săn lùng" cành hồng chơi tết Trung Thu (Ảnh: An An).
Giống như chị Huyền, nhiều chị em tỏ ra thích thú với những cành hồng quả sai trĩu, sắc đỏ sắc vàng như mang cả mùa thu về nhà. Dưới bài viết chị Huyền chia sẻ nhiều người cũng hỏi địa chỉ mua cành hồng để trang trí nhà dịp cận tết Trung Thu.
Hồng chuyển màu vàng cam vô cùng đẹp mắt (Ảnh: An An).
PV Dân Trí đã liên hệ với chị An An, một tiểu thương tại Hà Nội đang cung cấp cành hồng quả trong dịp này, chị An cho biết: "Cành hồng mình bán chủ yếu là hồng trứng. Tuy nhiên thời điểm hiện tại hồng trứng đã hết mùa nên mình chuyển sang bán hồng ngâm và hồng cậy.
Những trái hồng căng tràn (Ảnh: An An).
Năm nay có vẻ mọi người rất thích chơi hồng cành nên mình bán khá đắt hàng. Trung bình mỗi ngày mình bán được khoảng 20 bộ cành hồng quả, mỗi bộ gồm 4-5 cành", chị An chia sẻ.
Một chút sắc vàng, sắc đỏ như đem cả mùa thu về nhà (Ảnh: NVCC).
Trong thời điểm hiện tại, giá cả cành hồng quả trên thị trường dao động khoảng 150.000-200.000 đồng một bộ. Do nhu cầu khách hàng đặt đông lại trong thời điểm dịch bệnh không có người phụ giúp nên chị An gặp rất nhiều khó khăn khi phải xoay sở một mình.
Cành hồng sắp chín đỏ (Ảnh: An An).
Những cành hồng tươi được chị An nhờ người nhà thu hoạch từ tận Sơn La sau đó phải bảo quản rất cẩn thận để vận chuyển được về Hà Nội đem bán cho người có nhu cầu. Hồng tươi rất dễ dập, nát, rụng nên việc đảm bảo chất lượng khi vận chuyển đường xa cũng rất khó khăn. Chị An cũng cho biết thêm, việc thu hoạch cành hồng với chiều dài 50-70 cm cũng không ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển, ra trái của vụ mùa sau.
Cành hồng ương có thể giữ lâu ngày (Ảnh: An An).
Hầu hết các cành hồng tươi được cắt bán đều cắt ở phần nhánh nhỏ, loại quả to vừa nhưng quả phải đẹp, nhẵn nhụi và đã có mùi thơm dịu để đảm bảo cả về thẩm mỹ và mùi hương. Cành hồng mua về được cắt tỉa gọn gàng cắm trong bình rồi đổ đầy nước như cắm hoa.
Những cành hồng xanh, ương có màu hanh vàng có thể giữ được khoảng 1 tháng. Trong khi đó những cành hồng sắp chín chuyển màu vàng cam chỉ có thể chơi khoảng 1 tuần là chuyển chín đỏ.
Trào lưu cắm cành hồng quả chơi dịp tết Trung Thu hiện vẫn được rất nhiều người hưởng ứng.
Theo Ngọc Linh/Dân trí
https://dantri.com.vn/doi-song/ro-mot-san-canh-hong-qua-ve-cam-trang-tri-can-ke-dip-trung-thu-20210916094112973.