Gặp một cô vợ tiểu thư chồng chưa tan giờ làm đã gọi "anh về nấu cơm đi", bạn sẽ làm gì? Đa phần mọi người có thể sẽ cho rằng "phải dạy dỗ lại vợ", "lấy vợ tiểu thư nhà giàu chẳng hòa hợp nổi đâu"...
Nhưng một ông chồng gia cảnh rất bình thường so với nhà vợ lại có cách cư xử khác hẳn, mà ngẫm ra, có thể không giống với phản ứng tức thì của một người... bình thường, nhưng đó là cách bình thường đáng làm nhất nếu bạn là người biết cân nhắc trước sau, để dần thay đổi nhau, cảm hóa nhau và củng cố hơn tình cảm vợ chồng từ chính những xung đột nho nhỏ giữa hai người khác nhau về hoàn cảnh chọn cùng chung sống đến hết cuộc đời.
Người chồng sinh năm 95, lấy cô vợ kém mình 2 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ đã có một con trai 4 tháng tuổi. Vợ anh chàng vốn tính tiểu thư, vì được bố mẹ chiều từ bé nên cô không biết làm gì. Lấy chồng sinh con xong thì cũng xuống sắc vì phải làm nhiều hơn, nuôi con vất vả hơn, không còn vóc dáng của một tiểu thư yêu kiều. Người chồng nhìn sự thay đổi của vợ từ thời con gái đến khi làm vợ, làm mẹ, làm một người phụ nữ trưởng thành cũng cảm thấy rất thương.
Anh chồng kể:
"Gia đình mình không phải giàu có gì, bố mẹ cũng chỉ buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ, đôi khi còn thêm nghề phụ khác để duy trì cuộc sống và nó khác xa với hoàn cảnh, điều kiện gia đình nhà vợ. Nhưng mà cô ấy vẫn lựa chọn mình để lấy, bố mẹ cô ấy cũng quý mến, ủng hộ hai đứa đến với nhau. Có khi cô ấy lấy mình vì hình thức của mình, với cô ấy cũng xinh xắn nữa.
Sau khi lấy nhau về cô ấy vẫn còn là một tiểu thư ngày nào, vì cũng không phải động chân tay gì từ bé nên cũng là điều dễ hiểu. Những hôm mình chưa đi làm về thì vợ đã nhắn tin:
- Anh về nấu cơm đi.
- Anh chưa về, em về sớm thì nấu cơm đi.
- Em không biết làm.
- Vậy cắm cơm đi, rồi anh về làm.
Ảnh minh họa: Getty Images.
Rồi mình cũng dạy cô ấy từ làm cá, kho thịt, rồi các món khác thế nào cho nó ngon. Từ khi có gia đình cô ấy cũng đã chi tiêu hợp lý, rồi tiết kiệm hơn. Nhất là lúc mang thai rồi ốm nghén không ăn nổi mình cũng thương vợ vất vả nhưng cũng chỉ biết ở bên cạnh động viên, an ủi để làm chỗ dựa cho vợ những lúc vợ vất vả thế này.
Rồi sau khi sinh con cô tiểu thư yêu kiều ngày nào đã thành một người phụ nữ của gia đình, nửa đêm vợ còn tỉnh giấc trước khi con khóc rồi dậy để pha sữa cho con. Những hôm nào mình được về sớm thì về để nấu cơm cho vợ, còn những hôm nào về muộn đến khi về đến nhà thì vợ đã cơm nước xong xuôi đâu đấy, việc nhà đã làm xong.
Sau khi có gia đình theo bản năng cuộc sống, hoàn cảnh thì con người ta cũng sẽ thay đổi nhiều. Đâu phải cô tiểu thư nào cũng yêu kiều cả cuộc đời đâu, và cũng làm gì có nàng tiểu thư nào không biết làm gì".
Câu chuyện bình dị nhưng khiến rất nhiều người tâm đắc về cách chia sẻ của một cặp vợ chồng trẻ, vì yêu thương mà dần thay đổi để hòa hợp với nhau hơn.
Mọi người đều đồng tình rằng bản thân người phụ nữ có một nội lực rất mạnh mẽ, để thay đổi từ "con gái nhà người ta" - được cưng như trứng mỏng, được bố mẹ chiều chuộng như lá ngọc cành vàng, đến bước chuyển thành "vợ người ta", "mẹ trẻ con" - gánh vác quán xuyến đủ thứ việc gia đình, đặc biệt là chăm sóc chồng con.
Chỉ cần có một người bạn đồng hành hiểu, và thương, biết khơi dậy nội lực ấy của họ, thì khó khăn nào họ cũng vượt qua được hết, nói gì đến học nấu ăn là một chuyện quá nhỏ.
Cư dân mạng tỏ ý thán phục người chồng vì cách ứng xử nhẫn nại của anh với vợ. Đúng là hiệu quả công việc thay đổi theo cách xử lý công việc, "không biết thì dạy dần dần", thì ở bên hỗ trợ, động viên, tỏ rõ thiện chí luôn sẵn sàng xắn tay giúp vợ là chiến thuật chắc chắn đánh đâu thắng đấy, chứ nóng giận kiểu "phụ nữ không biết nấu ăn thì biết làm gì" chỉ có xôi hỏng bỏng không, gia đình không bao giờ hạnh phúc khi người trong cuộc thiếu thiện chí thấu hiểu, chân thành.
Cư dân mạng gửi lời chúc hạnh phúc đến đôi vợ chồng trẻ đã hiểu được đạo lý vì nhau mà thay đổi, vì thương mà nhường nhịn. Hạnh phúc của phụ nữ chính là được làm vợ, làm mẹ, và có được người chồng thật đáng tấm chồng.
Theo Huyền Anh/Dân trí
https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/chua-tan-so-da-bi-vo-goi-ve-nau-com-chong-ung-xu-khien-nhieu-nguoi-ne-phuc-20210716090953670.htm