Dịch Covid-19 đã và đang bùng phát với những diễn biến khó lường trên nhiều tỉnh, thành. Để rồi nhiều cha mẹ lo lắng cho con cái ở xa. Con cái lại thấp thỏm, nôn nao cho cha mẹ ở quê nhà...
Những người con mưu sinh xa xứ, ngóng trông tin tức về tình hình dịch bệnh Covid - 19 ở quê nhà bằng những cuộc gọi thăm hỏi người thân P.X
Dịch Covid-19 ở ‘hai đầu nỗi nhớ’
Hơn nửa tháng trước, khi mà chung cư Ehome 3 (Q.Bình Tân) trở thành điểm nóng dịch Covid-19 ở TP.HCM, hàng ngày vợ chồng anh Trần Quốc Việt (34 tuổi) đều nhận cả vài cuộc gọi của cha mẹ ở quê.
"Cha mẹ lo, cứ liên tục dò hỏi tình hình dịch bệnh. Cha mẹ nói xem ti vi thấy chung cư bị cách ly, phong tỏa nên bồn chồn không yên lòng. Cứ dặn dò đủ thứ để phòng ngừa", anh Việt kể.
Nhưng rồi mấy ngày nay, nơi quê nhà ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) liên tục có những dương tính Covid-19 khiến vợ chồng anh "đứng ngồi không yên". "Ở trong này cũng có dịch, mà nghe tin ở quê cũng có dịch. Thế nên ngày nào chúng tôi cũng gọi điện cho nhau để động viên, an ủi, dặn dò cùng phòng, chống dịch bệnh", anh Việt tâm sự.
Câu chuyện của anh Việt không ngoại lệ. Khi cách đây không lâu, dịch Covid-19 còn ‘yên ả’ ở nhiều tỉnh, thành, thì giờ đây đã ‘tràn đến’ khắp nơi. Để rồi những đứa con xa quê vào TP.HCM bôn ba mưu sinh, vốn dĩ sống với nỗi lo khi dịch bùng phát ở thành phố, lại càng thêm nỗi lo khi ở quê nhà cũng chẳng bình yên khi Covid-19 xuất hiện.
"Hai con tôi nhớ ông bà ngoại. Ông bà ngoại cũng nhớ cháu. Lúc trước khi còn trong năm học, có hứa tới hè sẽ dẫn về quê thăm. Nào ngờ TP.HCM dịch giã liên tục. Mọi kế hoạch đành dở dang. Rồi mới đây, ở quê tôi cũng có dịch. Toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Tôi nghe cha gọi điện báo tin mà ruột gan rối bời", chị Lê Thị Thu Thanh (36 tuổi, quê ở Phú Yên, đang trọ trên đường Sinco, Q.Bình Tân), chia sẻ.
Những ngày này, ở các nhà xe ngập tràn các thùng xốp chứa đầy những món đồ quê như con cá, mớ rau... mà cha mẹ gởi cho con cái đang ở trọ, làm việc xa nhà P.X
Anh Nguyễn Thế Vương (24 tuổi, công nhân công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức) cho biết trước đây cứ cuối tuần là anh chạy xe máy khoảng hơn 1,5 tiếng đồng hồ là được về thăm cha mẹ và em trai, được ăn những bữa cơm sum họp. Nhưng từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, cả gia đình chỉ có thể nghe giọng nhau qua điện thoại, nhìn nhau bằng những cuộc gọi video trên Zalo.
"Dạo trước, mẹ tôi cứ dặn dò tôi đi làm chốn đông người phải thật cẩn thận chứ kẻo dính bệnh. Còn bây giờ tôi phải khuyên mọi người ở quê phải hạn chế ra ngoài, giữ gìn sức khỏe vì TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đã có nhiều ca dương tính Covid-19. Chưa kể địa phương cũng đang phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16", Vương kể.
Hẹn nhau ngày hết dịch…
‘Ở hai đầu nỗi nhớ’ giữa quê nhà và thành phố, bên cạnh những nhớ thương của tình cảm cha mẹ và con cái, của tình anh em máu mủ ruột rà, thì giờ đây, trong thời dịch giã lại có thêm những khắc khoải lo lắng cho an toàn của người thân khi dịch Covid-19 bủa vây khắp nẻo. Nhiều người dẫu đang chòng chành với những lo âu vì dịch bệnh sát rạt bên mình, nhưng cố giấu âu lo ấy trong lòng để động viên người thân đang ở xa, cũng là nơi có dịch, hãy lạc quan và thận trọng để đảm bảo sức khỏe.
"Người dân giờ rất lo vì ngày nào trong tỉnh cũng có ca nhiễm Covid-19. Nhưng ở quê cũng đỡ hơn. Thôi thì mình cứ nói ‘không sao đâu’ để con ở xa nó đỡ lo. Chứ nó làm ăn ở trong thành phố cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch rồi, giờ nó gọi điện thoại về hỏi thăm mà mình nói cha mẹ cũng đang rầu lắm thì đâu có được", ông Trần Văn Quý (51 tuổi, nhà ở H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) chia sẻ.
Ông Quý cũng cho biết thêm, sợ con (đang làm nhân viên công ty dịch vụ viễn thông ở Q.12) nhớ nhà, nhớ quê, nên cứ nửa tháng ông lại mang ít đồ quê đem đóng vào thùng rồi gởi xe vào cho con.
Chị Nguyễn Thị Thảo Nhi (28 tuổi), công nhân Công ty Tỷ Hùng, đang trọ ở đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân, cho biết nơi chị trọ là vùng bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Thế nên nửa tháng nay chị phải thất nghiệp, cuộc sống khá tù túng, ảm đạm. Mặc dù vậy, mỗi khi nói chuyện với cha mẹ ở quê (H.Phù Cát, Bình Định) chị luôn cố giấu những rối bời chất chồng để cha mẹ đỡ lo về cuộc sống mình.
"Bình Định cũng đã có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên rồi, nên tâm lý người ở quê như cha mẹ sẽ lo lắm. Dù cũng đang mệt mỏi vì dịch bệnh nhưng phải động viên ngược cha mẹ thực hiện nghiêm 5K, hạn chế tối đa ra ngoài... Cha mẹ cứ nói nhớ con quá, vì cả nửa năm chưa về, kể cả giỗ chạp. Thật ra đi xa ai cũng nhớ nhà, tôi cũng vậy. Nhưng biết sao giờ, đành hẹn một ngày hết dịch sẽ đón xe về thăm", chị Nhi tâm sự.
Nhiều người cũng như Nhi, cũng tạm cất nỗi nhớ người thân vào thời điểm này, để cố gắng tuân thủ nghiêm chỉnh những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Để một ngày không xa, Covid-19 sẽ bị đẩy lùi sẽ trở về nhà thăm người thân.
Theo Phan Xuân/Tuổi trẻ
https://thanhnien.vn/gioi-tre/dich-covid-19-moi-noi-cha-me-lo-con-trong-thanh-pho-con-thap-thom-cha-me-ngoai-que-1407046.html