Ký ức thời thanh xuân sôi nổi như một mạch nước ngầm trong trẻo... Khi lùi lại với dòng chảy thời gian thì càng nhìn xa càng rõ hơn, càng tự hào hơn những tháng ngày tuổi trẻ sống có ý nghĩa.
Tuyến giao thông hào trú máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt vào những năm 1961 - 1965
TƯ LIỆU
Được lớn lên và trải qua những năm tháng hào hùng trong sự dìu dắt, giúp đỡ của tổ chức Đoàn thanh niên, chúng tôi từng bước được rèn luyện, trưởng thành, biết sống có lý tưởng, có mục đích, có khát vọng để vươn tới.
Thuở ấy, miền Bắc đang bước vào năm cuối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng cuộc sống mới (1961 - 1965) thì chiến tranh lan rộng cả hai miền. Mỹ dùng máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Chính trong những năm tháng hào hùng này, tuổi trẻ với những phong trào thi đua sôi nổi như “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang” đã cuốn hút hàng triệu thanh niên tham gia.
Tôi còn nhớ một đoạn thơ viết về khát vọng của tuổi trẻ thuở ấy: “Ta không muốn làm cây liễu rủ/Đứng làm duyên khép nép ven hồ/Càng không mong làm một cành hoa/Được chăm sóc, nuông chiều trong tủ kính/Ta mơ ước giữa ngàn cơn gió mạnh/Làm cây tùng, cây bách đứng hiên ngang/Hạt giống tốt tươi ta sẽ nẩy mầm/Bất cứ nơi nào Đảng gieo ta xuống/Khi trái tim ta rạng ngời lý tưởng/Tuổi thanh xuân có nghĩa tuổi anh hùng”.
Dưới bom đạn kẻ thù, chúng tôi vẫn đến trường đi học. Đoàn thanh niên góp công góp sức cùng phụ huynh làm trường học nửa chìm nửa nổi… Chúng tôi trồng cây xanh bên những dãy hào giao thông mới đào ngang dọc bên cạnh trường học, bên đường làng để che mắt máy bay Mỹ.
Những cánh đồng ngô, lúa, đậu đang chờ phân bón. Có Đoàn thanh niên cùng các xã viên chung tay thực hiện làm phân xanh. Những hố ủ phân trải dài khắp các ngả đường. Cây xanh băm nhỏ trộn cùng phân trâu bò; dùng bùn non trát lên ủ chừng nửa tháng là có nguồn phân xanh cho ruộng đồng thêm tươi tốt.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên phối hợp với địa phương tham gia trực chiến. Nhiệm vụ là đánh kẻng báo động khi có máy bay Mỹ đến. Công việc này diễn ra cả ban ngày lẫn ban đêm nhưng là tuổi trẻ, ai cũng nhiệt tình, hăng hái. Tuy thời chiến nhưng cuộc sống làng quê vẫn đảm bảo an ninh, trật tự. Đoàn thanh niên hướng dẫn mọi người quy định “phòng gian bảo mật”, thấy người lạ vào làng là phải báo ngay cho xã biết. Hầu như làng quê chẳng xảy ra trộm cắp, mất mát bao giờ. Khoảng một tháng là có văn nghệ, chiếu phim về phục vụ. Đời sống vật chất có thể thiếu thốn nhưng làng quê luôn vang lên tiếng nói cười, trò chuyện của lớp trẻ.
Một sức sống diệu kỳ từ trong bom đạn mà không dễ gì lặp lại ở làng quê… Những đập nước thủy lợi hình thành, việc tưới tiêu đồng ruộng được chủ động hơn, hiệu quả hơn. Những công trình đó không thể thiếu vắng bàn tay lao động của tuổi trẻ nông thôn quê tôi. Bằng cây cuốc thô sơ, bằng xe cút kít tự chế, bằng đôi vai; tuổi trẻ miền quê đã làm nên những kỳ tích cuộc sống.
Hằng năm, cứ gần ngày tết cổ truyền, Đoàn thanh niên cùng các đoàn thể khác tự giác ra quân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Chúng tôi phân công nhau làm cỏ, phát quang cây cối, dọn rác dọc đường; chất thành đống rồi đốt, lấy tro làm phân bón. Một tốp khác thì trang hoàng cổng làng, làm khẩu hiệu hoặc quét vôi những gốc cây cổ thụ, xử lý những ao tù nước đọng, làm cho bộ mặt làng quê mới mẻ hơn, sáng tươi hơn để đón chào năm mới… Không ai phàn nàn, nề hà gì vì đây là những dịp tuổi trẻ thể hiện mình, thử sức, thử thách mình trong mọi công việc. Bởi “lửa thử vàng, gian nan thử sức” và “Gian nan rèn luyện mới thành công” (Hồ Chí Minh).
Đó phải chăng là những kỹ năng sống mà tuổi trẻ bây giờ còn thiếu hụt rất nhiều… “Nước còn giặc còn đi đánh giặc/Chiến trường giục giã bước hành quân”, tuổi trẻ nông thôn quê tôi lại hăng hái lên đường nhập ngũ. Bao lời chia tay, bao ánh mắt tiễn biệt, bao lời ước hẹn ngày chiến thắng trở về. Làng quê tôi bây giờ hoàn toàn đổi mới. Đường nhựa vào tận từng ngõ ngách thôn quê. Đèn đường bây giờ sáng suốt đêm.
Người quê tôi bây giờ “ăn ngon mặc đẹp” bởi đã qua thời kỳ “ăn no mặc ấm”. Nhưng đường làng đẹp thoáng vậy mà vắng hẳn tiếng cười nói, tiếng hát đối đáp nhau như của một thời tuổi trẻ chúng tôi. Còn đâu những câu hò ý nhị một thời: “Thân em như hạt đậu nành/ Phơi khô, quạt sạch để dành cho ai?” hoặc “Đồn đây có khướu hót hay/Đan lồng, đặt bẫy khướu bay đường nào?”... Nay tuổi tôi đã bước vào lứa tuổi “cổ lai hy”, nhưng làm sao quên được một thời hào hùng ấy, một thời cổ tích ấy của tuổi thanh xuân, tuổi cống hiến cho quê hương, cho đất nước... Nhờ có Đoàn dìu dắt, hướng dẫn công việc mà thế hệ chúng tôi luôn sống có lý tưởng, có hoài bão; luôn vững vàng niềm tin vào Đảng, Bác Hồ; niềm tin vào cuộc sống…
Theo Báo Thanh niên
https://thanhnien.vn/gioi-tre/ky-uc-mot-thoi-thanh-xuan-soi-noi-nho-thoi-lua-thu-vang-gian-nan-thu-suc-1328845.html