Lâm Lâm, cô gái 30 tuổi chia sẻ: "Thấy bạn bè lần lượt kết hôn và sinh con, tôi rất lo lắng. Người nhà sợ tôi ế nên ưu tiên số 1 lúc này là tìm bạn đời".
Hiện tại, cô rất tích cực tương tác trên các nền tảng hẹn hò, với hy vọng có thể tìm được nửa kia phù hợp.
Lâm Lâm không phải trường hợp cá biệt bị giục lấy chồng ở tuổi 30. Thống kê cho thấy, đa phần độ tuổi tìm đến các trang hẹn hò trực tuyến tại Trung Quốc hiện nay sinh năm 1990 trở về trước, tức là trong ngưỡng 30 tuổi trở lên. Quá bận rộn nên những người này tìm đến các ứng dụng hẹn hò nhằm thoát khỏi tình trạng "ế". App hẹn hò Đường Bái (Tangbei) cho biết, dịp Lễ hội mùa xuân năm 2020, lượt tải Tangbei đã tăng gấp 7,8 lần so với giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ.
Ảnh minh họa: Donews.
Đi ngược dòng lịch sử Trung Quốc, khái niệm "ế" hình thành dựa trên chính các quy định của nhà nước. Nếu trong thời đại ngày nay, việc một người không kết hôn là quyết định và lựa chọn của cá nhân, thì trong lịch sử, đó còn là "trái lệnh", thậm chí khiến gia đình người đó phải chịu liên lụy. Ví dụ, đời Tấn có quy tắc phụ nữ trên 20 tuổi, nếu chưa kết hôn sẽ bị áp dụng các biện pháp bắt buộc. Hay như thời nhà Hán, phụ nữ trên 30 tuổi mà không kết hôn sẽ bị phạt. Ngưỡng 30 tuổi được cho là hình thành từ đó.
Đó chỉ là câu chuyện mang tính huyền sử. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó tới xã hội hiện đại Trung Quốc là điều không cần tranh cãi. Trong một xã hội cởi mở ngày nay, vẫn không ít người vẫn cho rằng 30 là "bước ngoặt" của đời người. Theo quan điểm này, trước 30, phụ nữ nên yên bề gia thất, có con cái. Sau 30, được coi là "quá lứa". Ở góc độ khoa học, qua 30, phụ nữ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc sinh nở. Điều này dẫn đến việc, nhiều cô gái sau 30 chưa kết hôn sẽ bị gia đình giục giã, bị gán mác "ế" chồng.
Bộ phim "30 chưa phải là hết!" của đạo diễn Zhang Xiaobo ra mắt khán giả giữa năm 2020 đã tạo nên một tiếng vang nhất định. Phim xoay quanh cuộc sống của các cô gái tuổi 30, với những lối rẽ khác nhau trong đời sống thực. Một trong những nhân vật được chú ý là Vương Mạn Ni. Ở tuổi 30, trải qua một cuộc tình ê chề, Mạn Ni rơi vào thế khó. Cô đã 30, chen chân giữa Thượng Hải phồn hoa và dần thấm mệt mỏi. Cô cũng ngại về quê, vì ở đó người ta thi nhau hỏi cô: "30, sao chưa lấy chồng?". Mạn Ni từng có ý định "nhắm mắt đưa chân" với một người đàn ông tử tế, có địa vị trong thôn. Tất cả đều thuận lợi, chỉ có một thứ không thuận lắm: lý lẽ của trái tim cô. Đơn giản là cô không yêu người đàn ông đó. Cuối cùng, Mạn Ni "tháo chạy" để về Thượng Hải, nơi cô được sống như cách cô muốn.
"30 chưa phải là hết!" đặt ra một câu hỏi rất thực tế: 30 đã phải là mốc để các cô gái thay đổi mình, bước vào hôn nhân? 30 đã phải là "ế"? Rõ ràng, Vương Mạn Ni không tin là thế. Thực tế là, cô đã cho mình quyền lựa chọn, bất chấp tuổi 30.
Trên thực tế, lý do khiến nhiều phụ nữ chưa lấy chồng ở tuổi 30 không phải vì chưa muốn kết hôn. Đơn thuần, là vì chưa gặp được người ưng ý. Thêm vào đó, họ có những cơ sở để tự tin "độc hành", đó là:
Có khả năng tài chính
Quan niệm "núp bóng tùng quân" là một trong những lý do khiến phụ nữ từng kết hôn sớm, là dựa dẫm vào chồng về cả kinh tế, tinh thần. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phụ nữ đã có một khả năng tài chính nhất định, nên việc làm vợ trước tuổi 30 không còn nhiều ý nghĩa.
Hầu hết phụ nữ đều có việc làm và có khả năng sống mà không cần phụ thuộc vào nam giới. Do đó, kết hôn mang yếu tố tinh thần hơn là vật chất.
Cuộc sống độc thân cũng khá thoải mái
30 chưa kết hôn giờ đây không còn là điều gì đó khác thường, bởi ngày nay nhiều cô gái không vội lập gia đình. Họ dành thời gian mình có để hẹn hò bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, đi du lịch, học hành... Một số phụ nữ cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi sống một mình và không muốn vội vã dấn thân vào hôn nhân, với những áp lực nhất định mà đời sống vợ chồng mang lại.
Sẵn sàng chờ đợi để gặp đúng người
Tiêu chuẩn chọn bạn đời của các cô gái ngày nay cũng đã cao hơn trước. Với trình độ học thức mà họ có, đa phần có xu hướng nhìn lên, thay vì nhìn xuống. Vì thế, phương châm sống của họ là: bạn phải gặp đúng người để kết hôn, thay vì tìm người kết hôn với bạn khi bạn 30 tuổi.
Hôn nhân phải có tình yêu
Nhiều phụ nữ đã tự tạo cho mình một nền tảng vật chất nhất định trước tuổi 30. Về đời sống vật chất, họ hoàn toàn không cần đến sự giúp đỡ của đàn ông. Nhưng hôn nhân không chỉ cần điều kiện vật chất, mà còn cần có nền tảng là tình yêu. Điều phụ nữ mong muốn lúc này là hôn nhân bằng tình yêu.
Theo Vnexpress
https://vnexpress.net/30-tuoi-da-phai-la-e-4197194.html