Nguồn cung trên thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cộng với việc phải qua nhiều khâu trung gian đã khiến thịt lợn tăng trở lại.
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Giá lợn hơi hôm nay, 14/4, ở nhiều địa phương cả nước đều đồng loạt tăng mạnh so với tuần trước, thậm chí nhiều tỉnh miền Bắc đang tiến sát mốc 90.000 đồng/kg.
Nguồn cung trên thị trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cộng với việc phải qua nhiều khâu trung gian đã khiến thịt lợn tăng trở lại.
Chủ gian hàng thịt lợn Minh Hương ở chợ dân sinh phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết giá thịt lợn ngon dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg tùy loại.
Chẳng hạn sườn ngon, rọi ngon, nạc vai có giá 160.000 đồng/kg, thịt thăn 150.000 đồng/kg, chân giò không xương 150.000 đồng/kg…
Chủ gian hàng này cho biết khoảng 2 ngày nay, giá thịt lợn tăng mạnh, trung bình khoảng 10.000 đồng/kg.
Tại chợ Tư Đình, Long Biên, chị Minh chủ một gian bán thịt lợn cũng cho biết, giá các loạt thịt cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Chị phải mua giá lợn móc hàm xấp xỉ 120.000 đồng/kg, cao hơn gần 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Chị Minh cho rằng giá thịt lợn tăng trở lại do khan hiếm nguồn cung.
Những ngày gần đây, giá lợn hơi tại nhiều địa phương trên cả nước không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn bị đẩy lên mức khá cao.
[Chủ trương giảm giá lợn: Người tiêu dùng vẫn chưa được lợi]
Giá lợn ở miền Bắc dao động phổ biến 84.000-87.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Thậm chí tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), thương lái đang thu mua ở mức 89.000 đồng/kg; ở Thái Nguyên mức 88.000 đồng/kg.
Tại nhiều tỉnh miền Nam, giá lợn cũng tăng mạnh, dao động từ 80.000-83.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá lợn đã tăng 2.000 đồng/kg, đạt 83.000 đồng/kg; tại Bến Tre tăng từ 82.000 đồng/kg lên 84.000 đồng/kg chỉ sau 1 ngày. Nhiều tỉnh khác như Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh... giá lợn hơi cũng chạm mốc 80.000-82.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn của các doanh nghiệp lớn vẫn được thực hiện theo cam kết với Chính phủ với giá 70.000 đồng/kg. Điển hình, giá lợn hơi của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bán tại các vùng, miền vẫn là 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo thống kê, số lượng lợn của các doanh nghiệp này hiện chưa chiếm được 40% tổng lượng lợn trên thị trường nên chưa đủ sức chi phối. Cùng với đó còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ đến khâu bán hàng còn nhỏ lẻ. Do có nhiều khâu đó dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng việc giá lợn xuống thấp như mong muốn.
Ông Toản, chủ một trang trại ở Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, cho biết rất khó để giảm giá lợn khi mà nguồn cung khan hiếm. Thương lái lùng sục tìm mua lợn suốt ngày nhưng trong dân đều không có lợn để bán. Giờ nguồn cung chỉ có doanh nghiệp và trang trại lớn.
"Chưa kể nguồn cung khan hiếm, các loại chi phí chăn nuôi cũng đang tăng lên. Trước tình hình dịch COVID-19, các trang trại lớn đều phải đầu tư thêm khâu vệ sinh, phí nhân công; trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng mạnh do nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu," ông Toản nói.
Cụ thể, hiện giá khô dầu đậu tương đã tăng trên 10% từ mức 9.000 đồng/kg lên 10.200 đồng/kg. So với khô dầu đậu tương, mặt hàng ngô còn tăng mạnh hơn với mức tăng gần 30%, từ mức 5.600 đồng/kg lên trên 7.000 đồng/kg. Đặc biệt, một số axit amin còn tăng hàng trăm phần trăm và không có hàng để mua.
Người chăn nuôi lợn tỉnh Bắc Ninh tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng thừa nhận một phần nguyên nhân khiến giá lợn tăng là do hiện chưa đủ sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu.
Bởi, trước khi có dịch, cả nước mỗi quý cần tới 910.000 tấn, trong khi vừa qua mới đạt từ 820.000-830.000 tấn và phải đến quý 4 tới mới đạt được sản lượng đó.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cũng do tỷ lệ lợn còn thiếu nên còn rất nhiều khâu trung gian.
Ngành nông nghiệp đang tập trung nhiều giải pháp; trong đó đặc biệt chú trọng vào việc tái đàn, tăng đàn. Ngành tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với hiệp hội, nông dân để đảm bảo tăng đàn nhanh nhất nhưng phải an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn nhiều sản phẩm khác như trứng, gia cầm, thủy sản… để vừa có lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, đồng thời không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn./.
Theo Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/gia-thit-lon-hoi-o-nhieu-dia-phuong-dot-ngot-tang-manh-tro-lai/634448.vnp