Không ít người trẻ có sở thích xỏ khuyên ở nhiều vị trí trên cơ thể. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
“Dù đau đớn nhưng vẫn muốn tiếp tục xỏ khuyên”
Phỏng vấn một số bạn trẻ có sở thích xỏ khuyên, họ cho rằng làm điều này vì nhu cầu làm đẹp, để giải tỏa stress và muốn thể hiện phong cách, cá tính riêng.
Mỗi lần vệ sinh lỗ xỏ khi bị sưng là nỗi ám ảnh với V. ẢNH: NVCC
Hiện tại, đang có tổng cộng 10 lỗ xỏ trên tai, C.M.K.V, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ rằng xỏ khuyên là một cách để cô nàng giải tỏa áp lực. “Từ bé, khi nhìn thấy người khác xỏ khuyên mình đã thấy họ rất cuốn hút. Lớn lên thì mình cũng thích xỏ nên khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống hay chuyện buồn mà không biết làm thế nào để giải tỏa thì mình sẽ đi xỏ khuyên”, V. tâm sự.
Hiện tại, V. có tổng cộng 10 lỗ xỏ ở 2 tai ẢNH: NVCC
Việc xỏ nhiều khuyên không thể tránh khỏi tình lỗ xỏ trạng bị sưng to và đau nhức. “Những lúc đó mình sẽ tìm đến nơi xỏ khuyên để họ xử lý giúp. Dù đau đớn nhưng mình vẫn muốn tiếp tục xỏ thêm khuyên”.V. nói.
Từng rất thích xỏ khuyên tai, nhưng bây giờ điều đó với Trần Ngọc Ánh Trúc (24 tuổi), ngụ tại đường Trần Thị Diệu, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức (TP.HCM) lại là một nỗi ám ảnh. Trúc cho biết, ngoài xỏ 2 lỗ ở dái tai thì cô nàng còn xỏ thêm 2 khuyên ở vị trí sụn tai và gặp tình trạng bị sưng phồng, chứa dịch lỏng bên trong. “Lỗ tai bị sưng to, khi đụng vào rất đau. Mình bị ám ảnh nên bây giờ dù 2 lỗ ở sụn tai bị bít da nhưng không dám xỏ lại”, Trúc nói.
Suốt khoảng thời gian đó ngoài cảm giác đau đớn, ngủ không dám nằm nghiêng, Trúc còn dành nhiều thời gian để thường xuyên vệ sinh 2 lỗ xỏ. “Mình xỏ khuyên vì thích và thấy đẹp, nhưng cứ nơm nớp lo sẽ bị viêm nhiễm”, Trúc cho biết.
Nhiều người có sở thích xỏ rất nhiều khuyên vì thấy đẹp ẢNH: NVCC
Còn P.T.H.L (23 tuổi), ngụ tại xã Bình Trung, H.Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) thì chia sẻ rằng sau 6 tháng thì lỗ xỏ ở rốn mới có thể lành lặn. "Mình xỏ một khuyên ở ngay rốn. Ở 2 - 4 tháng đầu tại vị trí lỗ xỏ cứ bị chảy mủ và dịch thường xuyên khiến mình rất sợ. May mắn là đến hiện tại lỗ xỏ ở rốn đã ổn", L. cho biết.
Từng xỏ một khuyên ở môi dưới cách đây khoảng một năm, nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp tình trạng bị sưng ở lỗ xỏ, V.K.M.T (22 tuổi), ngụ tại đường Ấp Bắc, P.13, Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: "Mỗi lần bị như vậy mình khá lo lắng, sau đó sẽ hỏi cách xử lý của bạn bè từng gặp tình trạng tương tự. Mình nghĩ cũng tùy vào cơ địa và tay nghề thợ xỏ khuyên. Nếu chọn nơi uy tín và vệ sinh kỹ thì chắc sẽ không có vấn đề gì”.
Không khó để bắt gặp những bài viết chia sẻ hình ảnh lỗ xỏ bị chảy máu hay sưng trong các hội nhóm về xỏ khuyên để xin cách xử lý ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Ngoài 3 lỗ khuyên được xỏ lúc còn bé, cách đây vài tháng G.T.H (20 tuổi), ngụ tại thị trấn Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) xỏ thêm một lúc 6 lỗ, nhưng bị sưng hết 3. “Do mình xỏ chỗ không uy tín, không được tư vấn, người ta xỏ sai vị trí và bị lệch. Sau 1 tháng, ở gần vị trí lỗ xỏ bị sưng một cục, mình hoảng quá nên vội tìm nơi uy tín để nhờ người ta xử lý. Vì mình không biết cách làm cho nó xẹp xuống, sợ sẽ bị viêm hay để lại sẹo. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy đau”, H. nhớ lại.
Một trong những lỗ xỏ của H. bị sưng ẢNH: NVCC
Dù vậy, sau đó H. vẫn tiếp tục xỏ thêm 2 lỗ khuyên nữa. “Gần đây có một lỗ mới xỏ bị ngứa xung quanh, mình mong là không bị như những lần trước. Xỏ nhiều khuyên thì đẹp thật nhưng vệ sinh rất mệt và ngủ cũng không được thoải mái. Thậm chí mỗi lúc thay áo, đội mũ bảo hiểm, lấy ráy tai hay đeo khẩu trang cũng khá khó khăn. Chưa kể khi bị ngứa tai nhưng không dám gãi”, H. cho biết.
Những rủi ro có thể gặp phải
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Phan Thế Huy, công tác tại Khoa Răng Hàm Mặt, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết hiện nay loại hình nghệ thuật xỏ khuyên được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về tinh thần, thì những nguy cơ tìm ẩn cho sức khỏe là điều khó tránh khỏi.
“Việc xỏ khuyên ở vị trí nào cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, đặc biệt là vùng miệng và lưỡi. Đầu tiên, phải kể đến nguy cơ nhiễm trùng. Cơ thể con người thường xuyên tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh. Nhờ các cơ chế tự bảo vệ của da và niêm mạc mà chúng ta tránh được sự tấn công của những mầm bệnh này. Khi hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ do rách, đứt, đâm thủng sẽ tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn có hại. Do đó, nhiễm trùng là nguy cơ hàng đầu. Bên cạnh đó, quy trình xỏ khuyên với cách thức và dụng cụ sử dụng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Vấn đề vệ sinh vùng xỏ khuyên ngay sau đó và về sau cũng cần được quan tâm để hạn chế nhiễm khuẩn. Ngoài ra, việc xỏ khuyên cũng tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh qua đường máu. Việc tiếp xúc thường xuyên với các khuyên trang sức cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là ở môi trường miệng”, bác sĩ Huy khuyến cáo.
Vì vậy, theo bác sĩ Huy, hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định xỏ khuyên dù là ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Bác sĩ Huy đưa ra lời khuyên: “Chỉ nên xỏ khuyên ở những địa chỉ uy tín để đảm bảo dụng cụ, trang thiết bị, khuyên trang sức được xử lý vô trùng hợp lý; cũng như quy trình thực hiện phải tôn trọng các nguyên tắc vô trùng, hạn chế tối đa vấn đề nhiễm trùng, truyền bệnh qua đường máu”.
Vậy sau khi xỏ khuyên cần có những lưu ý gì để hạn chế tình trạng viêm nhiễm? Bác sĩ Huy chia sẻ: “Không xoay, tháo, di chuyển khuyên trong thời gian mới xỏ cho đến lúc lành hẳn, kể cả khi làm vệ sinh. Luôn đảm bảo rằng bất cứ thứ gì tiếp xúc với lỗ xỏ phải sạch sẽ; hạn chế chạm tay vào và luôn rửa tay thật kỹ trước khi tiến hành vệ sinh lỗ xỏ. Không được để mỹ phẩm, hóa chất tiếp xúc với lỗ khuyên. Nếu phát hiện chỗ xỏ khuyên không lành, đau, mưng mủ, cần đến gặp chuyên viên, bác sĩ để được tư vấn. Nên tháo ra vệ sinh khuyên cũng như chỗ xỏ thường xuyên; khử trùng khuyên 6 tháng một lần tại cơ sở uy tín. Nếu cảm thấy khuyên gây cản trở, vướng cộm cần thay đổi kích cỡ, hình dạng cho phù hợp hoặc thay đổi vị trí mang khuyên”.
Theo Thảo Phương/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/xo-khuyen-tren-co-the-tiem-an-nhieu-rui-ro-vi-sao-nhieu-nguoi-van-thich-185241105173001779.htm