Tổng thống Trump quả quyết việc ông ra lệnh hạ sát Tướng Soleimani là nhằm “ngăn chặn một cuộc chiến” chứ không phải “bắt đầu một cuộc chiến” với Iran.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục bị đẩy lên nấc thang mới, sau cái chết của Tướng Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 ở Iran, trong vụ không kích cuối tuần qua của Mỹ. Vụ không kích khiến Tướng Soleimani thiệt mạng tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq, còn khiến dư luận lo ngại sẽ đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm với nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang đang ngày càng hiện hữu.
Người biểu tình Iran đốt cờ Mỹ và Anh tại thủ đô Tehran sau vụ không kích hôm 3/1. Ảnh: AP
Bước đi mạo hiểm của ông Trump
Đây rõ ràng là một bước đi mạo hiểm song đầy toan tính của Tổng thống Donald Trump. Tướng Soleimani được coi là nhân vật quyền lực thứ hai, chỉ xếp sau Lãnh tụ tinh thần tối cao của người dân Iran, Đại giáo chủ Khamenei. Bên cạnh đó, Tướng Soleimani còn được người dân Iran tôn vinh là một anh hùng, song từ lâu giới chức quân sự và tình báo Mỹ xem ông như một “cái gai trong mắt” cần phải loại bỏ.
Một số người thuộc hàng ngũ thân cận của Tổng thống Trump, trong đó có hai cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Flynn và John Bolton, cũng như các cố vấn “không chính thức”, gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, đã không ngừng thúc giục ông chủ Nhà Trắng thực thi hành động quân sự chống Iran và thúc đẩy thay đổi chế độ ở Tehran.
Tuy nhiên, trong gần ba năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Trump chọn cách phớt lờ lời khuyên của họ, quả quyết rằng Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran. Thay vào đó, ông Trump áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm làm tê liệt nền kinh tế Iran, kiềm chế những tham vọng khu vực của Chính quyền Tehran và buộc Iran quay trở lại bàn đàm phán để ký kết một thỏa thuận có lợi cho Mỹ, thay thế cho Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Thế nhưng đến nay, về cơ bản, Chính quyền Trump nhận ra chính sách “gây áp lực tối đa” của mình đã thất bại. Chính sách đó có thể đã khiến Iran bị tổn thương, song không thể cô lập hoặc ngăn chặn ảnh hưởng thậm chí ngày càng gia tăng của Iran trong khu vực.
Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, Tổng thống Trump quả quyết việc ông ra lệnh hạ sát tướng Soleimani là nhằm “ngăn chặn một cuộc chiến” chứ không phải “bắt đầu một cuộc chiến” với Iran. Tổng thống Trump còn biện minh việc hạ lệnh tấn công tướng Soleimani nhằm cứu mạng sống của nhiều người khác, đồng thời tuyên bố Chính quyền của ông theo đuổi mục đích hòa bình và ổn định trên thế giới. Tuy nhiên, theo tôi, mục tiêu quan trọng nhất của Tổng thống Trump là giữ vững sự tín nhiệm từ lực lượng cử tri ủng hộ ông.
Bởi vì, lực lượng này một mặt mong muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi các điểm nóng trên thế giới, mặt khác tỏ ý hài lòng trước sự quyết đoán của Tổng thống Trump khi quyền lợi của Mỹ bị đe dọa. Ngoài ra, việc ông Trump ra lệnh hạ sát Tướng Soleimani còn nhằm gián tiếp ủng hộ đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông, ông Benjamin Netanyahu, trong bối cảnh Israel sắp bước vào cuộc bầu cử lần thứ ba trong vòng 12 tháng.
Phản ứng của dư luận nước Mỹ
Quyết định tấn công của Tổng thống Trump đã dẫn tới nhiều phản ứng khác nhau, đặc biệt là trong quốc hội Mỹ. Phe Dân chủ cho rằng ông Trump đã hành động mà không có sự cho phép của quốc hội và việc không tham vấn trước với quốc hội có thể dẫn tới những quyết định vội vàng và thiếu cân nhắc. Các nghị sỹ Dân chủ cũng cho rằng hành động của Tổng thống Trump có thể dẫn tới việc Iran trả đũa và khiến nước Mỹ rơi vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông, điều đi ngược lại cam kết của ông Trump đó là sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh không hồi kết.
Trong khi đó, nhiều nghị sỹ Cộng hòa cho rằng việc sát hại Tướng Soleimani là một thắng lợi lớn của Tổng thống Trump và sẽ khiến người dân Mỹ được an toàn hơn. Các nghị sỹ Cộng hòa bảo vệ quyết định của ông Trump và cho rằng việc tham vấn với quốc hội sẽ có thể làm lộ thông tin và ảnh hưởng tới cuộc tấn công, do đó Tổng thống cần quyết định nhanh chóng và đó là một quyết định đúng đắn.
Đó là những phản ứng trong giới nghị sỹ Mỹ, còn đối với các chuyên gia phân tích và các nhà quan sát thì quyết định của Tổng thống Trump là khá gây tranh cãi. Một số nhà phân tích cho rằng đây là một nước đi khá mạo hiểm khi Iran hoàn toàn có thể trả đũa và buộc Mỹ phải có những động thái đáp trả khiến hai bên có thể lâm vào một cuộc chiến mà hậu quả có thể sẽ không lường được. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tới quá trình tranh cử của ông Trump, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11/2020. Cũng có ý kiến cho rằng, quyết định của Tổng thống Trump nhằm gây sức ép buộc Iran bước vào đàm phán và đó có thể là một lợi thế của ông Trump trước bầu cử.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh quyết định của Tổng thống Trump nhưng dù thế nào thì động thái này cũng đã khiến căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng và dư luận Mỹ cũng đang dõi theo những diễn biến tiếp theo với những lo ngại nhất định.
Những kịch bản tiềm năng
Quốc hội Iraq tối 5/1 vừa bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận an ninh với liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu, đồng nghĩa với việc chấm dứt cho phép Mỹ và lực lượng nước ngoài hiện diện quân sự ở Iraq. Nghị quyết yêu cầu chính phủ tiến hành chấm dứt sự đồn trú của mọi binh sĩ nước ngoài ở Iraq, đồng thời đảm bảo sự độc quyền của nhà nước về vấn đề vũ khí.
Không chỉ có nghị quyết này mà trước đó Iraq cũng đã có phản ứng với việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani với việc Bộ Ngoại giao Iraq triệu tập Đại sứ Mỹ liên quan đến vụ việc, đồng thời cho rằng hành động của Mỹ “vi phạm rõ ràng chủ quyền của Iraq và mọi luật pháp quốc tế và thông lệ chi phối mối quan hệ giữa hai nước, và (vi phạm yêu cầu) cấm sử dụng lãnh thổ Iraq để tấn công các nước láng giềng”. Bộ Ngoại giao Iraq cũng chính thức khiếu nại lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Bảo an về vụ việc.
Những diễn biến này cho thấy mục tiêu dài hạn của Iran đã được thực hiện đó là đuổi Mỹ khỏi Iraq và động thái này ảnh hướng lớn tới mối quan hệ Mỹ-Iraq, đồng thời kết quả này giúp Iran tăng tầm ảnh hưởng với Iraq, kéo theo đó là khủng bố và xung đột ở Iraq". Mỹ được cho là đã sử dụng Iraq là mặt trận chống lại Iran còn Iran mở ảnh hưởng tại Iraq trên mọi mặt trận từ văn hóa, chính trị, tôn giáo. Cắt đứt quan hệ với Mỹ cũng có nghĩa Iraq sẽ mất sự tiếp cận về hỗ trợ quân sự nhiều mặt. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ mất đi một mặt trận để chống lại tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Mỹ hiện có 5.000 binh sỹ ở Iraq thuộc lực lượng liên quân quốc tế chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hai năm đã trôi qua kể từ khi Iraq tuyên bố đánh bại Tổ chức này tuy nhiên lực lượng liên quân vẫn đồn trú tại đây nhằm phòng tránh sự trỗi dậy của tổ chức này, chính vì vậy, việc quốc hội Iraq thông qua nghị quyết trục xuất hàng ngàn binh sĩ Mỹ tại các căn cứ ở nước này sẽ khiến khả năng Tổ chức nhà nước Hồi giáo trỗi dậy, dẫn tới khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố không chỉ nhắm vào Mỹ mà còn các đồng minh và đối tác của nước này.
Vụ tiêu diệt Tướng Soleimani đã giúp xóa bỏ một kẻ thù quan trọng của Washington tại Trung Đông, nhưng đã khiến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iraq rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, và khiến tương lai của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu trong khu vực trở nên không rõ ràng.
Còn đối với căng thẳng Mỹ-Iran, có nhiều ý kiến cho rằng việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani, quan chức quân sự cao nhất của Iran, là lời tuyên chiến chính thức của Mỹ với Iran. Trên thực tế, Mỹ và Iran trong thời gian qua đã có nhiều va chạm gián tiếp hoặc thông qua các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở khu vực, và vụ sát hại Tướng Soleimani đã đưa xung đột lâu dài giữa Mỹ và Iran ra công khai. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện tại đó là cuộc chiến giữa hai nước sẽ như thế nào và mức độ sẽ ra sao.
Cả Mỹ và Iran dường như đều không muốn một cuộc xung đột toàn diện có thể dẫn tới việc Mỹ phát động chiến dịch không kích kéo dài trong lãnh thổ Iran hoặc sử dụng tới bộ binh. Điều này sẽ khó xảy ra vì sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cả đôi bên. Tuy nhiên, việc không bên nào muốn là kẻ thua cuộc sẽ khiến cả hai có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công trả đũa dẫn tới một vòng xoáy bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát của các bên.
Một số chuyên gia cho rằng mọi kịch bản đều có thể xảy ra, tuy nhiên, mức độ của cuộc chiến giữa Mỹ và Iran sẽ phụ thuộc vào hành động của Iran và cách cá nhân Tổng thống Trump sẽ phản ứng như thế nào./.
Theo Phạm Huân/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/toan-tinh-cua-ong-trump-khi-ra-lenh-sat-hai-tuong-iran-997440.vov