Giá thịt lợn tại Việt Nam hiện đang quá rẻ so với Trung Quốc, nhưng lại quá đắt so với giá thịt lợn tại Thái Lan, Campuchia... đã khiến nhiều thương lái đẩy mạnh xuất/nhập lậu để kiếm lời.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn. Ảnh: Hùng Phong
Buôn lậu lợn gia tăng
Trước trình trạng giá thịt lợn tại Trung Quốc được đẩy lên cao, nhiều thương lái Việt Nam đã xuất lậu lợn qua biên giới để kiếm lời, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt, các sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện nay lực lượng chức năng liên ngành đã tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển vào Việt Nam để ngăn chặn hành vi vận chuyển lợn trái phép qua bên kia biên giới.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, xuất lậu lợn và các sản phẩm từ lợn.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi Phùng Đức Tiến đã có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm từ nước ngoài vào nước ta là rất cao nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới. Để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các loại dịch bệnh khác có thể phát sinh, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn… |
Ngược lại, khi giá thịt lợn tại Việt Nam đang tăng cao, nhiều lợn sống và thịt lợn được thương lái vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam để hưởng lời từ chênh lệch giá. Lợn vận chuyển lậu vào các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, trong đó có cả lợn từ Thái Lan.
Tình trạng buôn lậu lợn sống qua đường biên giới có thể làm tình trạng dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra, giám sát để ổn định thị trường.
Không khống chế hạn ngạch thịt lợn nhập khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam. Việc nhập khẩu mặt hàng thịt lợn không có hạn ngạch hay cấm nhập khẩu. Đây sẽ là nguồn bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt trong dip Tết Nguyên đán.
Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu thực tế để thực hiện việc nhập khẩu và sẽ chịu sự kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm và kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong việc nhập khẩu vẫn chủ yếu là hạ tầng logistics (kho lạnh) để dự trữ, bảo quản thịt lợn đông lạnh sau nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh vẫn rất khiêm tốn, chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến.
Theo Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm, việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo L.V /Lao động
https://laodong.vn/kinh-te/gia-thit-lon-phi-ma-thuong-lai-rao-riet-nhap-lau-772617.ldo