BGTV- Hiện nay du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích và phát triển khá thành công tại nhiều địa phương trên cả nước, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá, quảng bá hình ảnh về những nét đặc trưng của khu vực bản địa, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
Khai thác từ tiềm năng sẵn có
Tại Lục Ngạn – “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh Bắc Giang, việc phát triển DLCĐ thông qua hình thức khai thác các nét văn hóa, cảnh quan đang là hướng đi được tỉnh và huyện quan tâm, cho thấy những cơ hội mới của vùng đất giàu tiềm năng này. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển DLCĐ năm 2019 - 2020, theo đó tập trung vào xây dựng, quản lý, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển mô hình du lịch cộng đồng; tổ chức khảo sát, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn; giới thiệu, quảng bá, kết nối tour du lịch; hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng... tại thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động); bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) và một số khu vực tại vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.
Lục Ngạn với tập đoàn các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cũng là tiềm năng để phát triển du lịch
Với hơn 27 nghìn ha cây ăn quả; trong đó có trên 15 nghìn ha cây vải thiều, Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều thuận lợi để phát triển DLCĐ. Tập đoàn cây ăn quả tại đây các loại không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho nông dân Lục Ngạn mà còn là tiềm năng để huyện xây dựng, phát triển mô hình DLCĐ theo hướng trải nghiệm vườn cây ăn trái, kết hợp tham quan một số thắng cảnh như hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, kết hợp trải nghiệm làng nghề như Mì Chũ…
Lục Ngạn với thế mạnh là cây ăn quả đặc trưng hứa hẹn sẽ tạo dựng được mô hình DLCĐ hiệu quả trong tương lai
Theo Sở VHTTDL Bắc Giang, đơn vị đã tiến hành khảo sát một số khu vực có thể quy hoạch phát triển du lịch miệt vườn, cùng với UBND huyện bố trí các điểm đến đẹp, thuận lợi cho hành trình của du khách tại các xã Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải... Tại đây, du khách có thể vào vườn trải nghiệm, chụp ảnh, thưởng thức trái cây, mua sản phẩm tại vườn...cùng đó có thể kết hợp với du lịch tâm linh, sinh thái trong huyện.
Với tiềm năng sẵn có và hướng đi mới hứa hẹn, có thể thấy phát triển DLCĐ tại các địa phương trong tỉnh sẽ mang lại nguồn lợi trực tiếp tới người dân, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Bên cạnh đó, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, phát huy những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động trải nghiệm của du khách đến thăm quan gắn liền với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân sẽ trở thành điểm thu hút đặc trưng.
Trong các hoạt động tại hội chợ cam bưởi vừa diễn ra tại Lục Ngạn, trải nghiệm tại các nhà vườn là hoạt động được nhiều du khách ưa thích
Chị Bùi Thị Hoàn (Long Biên, Hà Nội) – du khách đến thăm quan tại một nhà vườn tại xã Trù Hựu chia sẻ: “Thật sự đến đây mới thấy vùng cây ăn quả Lục Ngạn không thua kém gì những nơi tôi đã từng đi, nhiều nhà vườn chăm sóc rất cẩn thận, sạch đẹp, đến đây mọi người được thưởng thức cam, bưởi, chụp ảnh và trực tiếp lựa chọn và mang về những sản phẩm vừa ngon mà an toàn. Tôi thấy hình thức trải nghiệm tại vườn như thế này rất hấp dẫn về nên được phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.
Cần nhiều nỗ lực để phát triển
Nếu khai thác hiệu quả, hoạt động chuyên nghiệp và có định hướng, DLCĐ tại Lục Ngạn sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho địa phương
Có thể nói, các mô hình DLCĐ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung và Lục Ngạn nói riêng hiện còn nhỏ lẻ, chưa thật sự bài bản và chuyên nghiệp, tuy nhiên bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền địa phương. Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho biết huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành hoạt động hiệu quả trong việc tiến hành các tour du lịch trên địa bàn, từ đó cùng với địa phương thu hút được nhiều du khách có thể đến đây quanh năm, góp phần thúc đẩy DLCĐ phát triển, gia tăng giá trị kinh tế từ các sản phẩm đặc trưng của huyện.
Theo các chuyên gia du lịch nhận định, việc phát triển các sản phẩm DLCĐ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có sản phẩm đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên ưu đãi là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài nước muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc, các sản vật đặc sắc. Tại Lục Ngạn, để các mô hình DLCĐ phát triển và hoạt động hiệu quả cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn những vùng cây ăn quả mang tính điển hình, hấp dẫn, có khả năng đáp ứng các điều kiện về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương tiến hành DLCĐ cần chú trọng tới công tác cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối với các điểm du lịch để tạo sự mới lạ, hấp dẫn, giữ được những nét đặc trưng tiêu biểu, chân thực của văn hoá bản địa.
Tuy còn nhiều lúng túng trong cách thực hiện, song phát triển DLCĐ tại Lục Ngạn được xem là hướng đi mới, hứa hẹn mang lại hiệu quả cho người dân và địa phương, do đó, huyện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy thế mạnh, song hành cùng công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng để phát triển DLCĐ đúng hướng và bền vững./.
Minh Anh