Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, sắp tới Bộ xin ý kiến xã hội về dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Dự kiến, chậm nhất trước tháng 3/2020, các địa phương sẽ chọn được sách và công bố sách nào sử dụng trong trường học.
Dự kiến trước tháng 3/2020, các địa phương sẽ chọn xong SGK
Lúc đó, các nhà xuất bản sẽ tổng hợp số lượng SGK theo đăng ký của địa phương và có kế hoạch tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành. Trong tháng 5, 6, 7, sách sẽ về đến tay phụ huynh, nhà trường. Sau khi có SGK, các nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn giới thiệu sử dụng và phương pháp dạy học theo sách được địa phương lựa chọn, để giáo viên có thể thực hiện tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc tổ chức lựa chọn SGK phải đảm bảo các nguyên tắc: SGK thuộc danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng; công khai, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. SGK được lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 cuốn SGK. UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK. Điều quan trọng là địa phương phải xây dựng tiêu chí công khai, minh bạch, tất cả vì người học.
Chương trình Toán GDPT mới không kém thế giới
Đó là khẳng định của GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ biên môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới tại Ngày hội Toán học mở năm 2019 diễn ra tại TPHCM ngày 24/11 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hội Toán học TPHCM, Sở GD&ĐT TPHCM và trường Đại học Sài Gòn phối hợp tổ chức.
Tại ngày hội, GS Thái cho biết, chương trình phổ thông môn Toán mới là sự thai nghén trong 6 năm với quá trình làm việc cần mẫn, nỗ lực của cả đội ngũ soạn thảo. Chương trình ra đời không phải là sự vội vàng hay đẻ non như nhiều người lo lắng. Đối với chương trình này, ban soạn thảo mong muốn đạt được các tiêu chí “tinh giản, thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo”. “Tôi có thể đảm bảo với các thầy cô, chương trình Toán vừa được công bố năm 2018 đủ hiện đại và không thua kém bất cứ chương trình của quốc gia nào trên thế giới”, GS Thái nói.
GS Thái cũng nêu vấn đề về khơi nguồn sáng tạo và việc nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Theo ông, không nên đánh giá thành tựu giáo dục toán học phổ thông, sức mạnh của nền toán học đất nước chỉ thông qua một số giải quốc tế. “Khơi nguồn sáng tạo của người học không phải là đẩy học sinh đi học những bài thi học sinh giỏi. Hai việc đó khác xa nhau”, GS Thái nói.
Hỗ trợ 4,5 triệu USD mua SGK cho giáo viên, học sinh vùng khó khăn
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ÐT) cho biết, Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông có mức kinh phí 4,5 triệu USD dành cho việc mua SGK ở tất cả các lớp, các cấp học, trang bị thư viện cho các trường vùng khó khăn để học sinh mượn học. Bộ GD&ÐT có công văn gửi các địa phương để xác định nhu cầu mua SGK này. Theo đó, Bộ không ấn định sẽ mua cụ thể bộ sách nào mà sau khi Bộ công bố các bộ SGK, Hội đồng thẩm định của UBND các tỉnh, thành phố chọn loại sách nào thì dự án sẽ hỗ trợ mua đúng sách đó cho địa phương.
Sau khi Bộ GD&ÐT công bố 32 cuốn SGK lớp 1 dùng trong nhà trường năm học tới, Sở GD&ÐT Hà Giang đã có văn bản hướng dẫn các Phòng GD&ÐT lập danh sách trường tiểu học để cung cấp SGK mới cho thư viện các trường. Các trường thuộc vùng khó khăn sẽ được cung cấp SGK lớp 1 mới về các thư viện để giáo viên, học sinh mượn sử dụng trong suốt năm học. Hà Linh
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng/Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/truoc-thang-32020-cac-dia-phuong-chon-xong-sgk-moi-1490172.tpo