Sở Nội vụ cho biết, các GVHĐ có thời gian công tác trên 5 năm, nhưng lại là lao động trong các cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên.
Chiều 1/10, Sở Nội vụ Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục quận, huyện, thị xã năm 2019.
Giáo viên hợp đồng tắt ngấm hy vọng khi không có ai được xét tuyển đặc cách.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, trong quá trình tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển công chức đã có ý kiến phản ánh, kiến nghị của giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây với nội dung đề nghị chuyển hình thức từ thi tuyển sang xét tuyển. Tuy nhiên, qua rà soát UBND các quận, huyện, thị xã thì các trường hợp giáo viên có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm trở lên, nhưng đều là lao động trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Có một số giáo viên dạy hợp đồng ở THPT ngoài công lập nhưng lại không đảm bảo yêu cầu của vị trí việc làm.
Do đó, không có giáo viên hợp đồng nào có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của Nghị định số 161 để được xem xét tuyển dụng đặc biệt vào viên chức.
Điều này đồng nghĩa với việc, các thầy cô giáo huyện Sóc Sơn, huyện Ba Vì, Đông Anh, thị xã Sơn Tây phải tham gia kỳ thi tuyển với 2 vòng gắt gao.
Năm 2019, chỉ tiêu tuyển dụng với hình thức thi tuyển là 11.182 viên chức, gồm 10.949 giáo viên và 233 nhân viên.
Cụ thể, giáo viên THCS hạng III là 3.546 người, trình độ từ cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, mầm non hạng IV là 7.403 người, trình độ trung cấp sư phạm trở lên.
Đến tháng 4/2019, tổng số thí sinh đăng ký tuyển dụng là 20.767 người đến từ 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội. Dự kiến cuộc thi sẽ được tổ chức từ 15/10 đến 17/11.
Trước đó, hàng ngàn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội đã đồng loạt gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan quản lý nhà nước về việc có nguy cơ mất việc sau kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nếu không được xét tuyển đặc biệt. Trong đó có nhiều người công tác trong ngành đến hơn 20 năm./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN