BGTV- Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh ta đã và vẫn đang là đề tài “nóng” đối với các cấp quản lý. Tuy nhiên việc giải quyết chưa thật sự hiệu quả khiến tình trạng rác thải bừa bãi vẫn tồn tại.
Từ thực tế cho thấy, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như chưa có chính sách hỗ trợ hoạt động quản lý chất thải; các tổ chức dịch vụ môi trường tại các huyện, thị trấn, khu vực miền núi hoạt động chưa hiệu quả, chưa đủ khả năng xử lý các vấn đề quản lý chất thải, nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, quy hoạch bãi xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt còn hạn chế. Mặc dù, các xã, thị trấn đều phát động và triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng môi trường như duy trì phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, “Đoạn đường văn minh đô thị”... nhưng thực trạng vứt rác bừa bãi ở các khu vực giáp ranh các xã, trên những tuyến đường quốc lộ, đường giao thông nông thôn. Tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường, ven sông diễn ra khá phổ biến và khó xử lý.
Tình trạng rác thải đổ bừa bãi tại đường quốc lộ phổ biến tại rất nhiều địa phương (hình ảnh tại xã Biển Động, Lục Ngạn)
Tại Lục Ngạn, địa phương luôn “nóng” bởi vấn đề thu gom, xử lý rác, tình trạng rác thải chất đống nhiều ngày trong khu dân cư không được xử lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Anh Trần Văn Quân, Cầu Cát, xã Nghĩa Hồ cho biết: “Dọc ngay cả ven đường quốc lộ, đường liên huyện, nhiều bãi rác thải tự phát nằm chình ình, đổ đống lên nhau, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ độc hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới giao thông, tình trạng này tồn tại từ rất lâu rồi nhưng chưa thấy được xử lý”.
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh, để thực hiện việc thu gom xử lý rác thải nông thôn thì cần phải có sự phối hợp thống nhất giữa chính quyền địa phương và đơn vị xử lý rác thải, trong thời gian lâu dài hướng giải quyết tốt nhất là các địa phương cân đối kinh phí, phối hợp với nhà máy để mở rộng công tác thu gom rác xử lý rác thải nhất là các địa phương có đường sá đi lại thuận lợi, mặt bằng đời sống người dân được cải thiện.
Đối với những xã xa trung tâm, có điều kiện về bãi xử lý rác huyện cần hỗ trợ địa phương kinh phí mua phương tiện, các hộ dân đóng góp kinh phí, địa phương tổ chức đội thu gom chở rác đến bãi rác tâp trung xa khu dân cư để xử lý. Trước mắt, một số vùng nông thôn nghèo, chưa có điều kiện để có xe chở rác và đội ngũ thu gom thì giải pháp hữu hiệu là tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; bà con nên tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, thực hiện phân loại rác ngay tại gia đình và hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại tới môi trường như: túi nilon, các sản phẩm bao bì bằng nhựa, thuỷ tinh.
Cần tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể khu vực nông thôn trong công tác tuyên truyền, chung tay hành động cùng người dân làm sạch môi trường
Vấn đề xử lý rác thải nông thôn chỉ được xử lý triệt để khi có sự cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Các địa phương cần tập trung giải quyết các vấn đề môi trường lớn, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; phối hợp các nhà sản xuất tổ chức ngày hội tái chế với mục đích thu gom, thu hồi các sản phẩm thải bỏ, nhất là các chất thải điện tử. Một trong những giải pháp cho thấy hiệu ứng tốt trong cộng đồng đó là tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường, trong đó tập trung thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Tổ chức bàn giao các khu vực đã làm sạch cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm quản lý để không tái diễn tình trạng ô nhiễm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo rà soát, tổng hợp báo cáo về các mô hình, công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã triển khai và lựa chọn, giới thiệu các công trình xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn phù hợp, hiệu quả qua đó phổ biến nhân rộng như một hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường và phòng chống rác thải nhựa. Công tác tuyên truyền tới người dân cần được nâng cao hơn nữa, gắn với hoạt động thường xuyên của các tổ chức đoàn thể để nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, từng bước đưa hành động bảo vệ môi trường trở nên gần gũi, thiết thực và hiệu quả hơn./.
Minh Anh