Đến thời điểm này, 63 tỉnh thành cả nước đã có dịch tả lợn Châu Phi (ASF). Dịch bệnh này khiến 4 triệu con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy trong hơn 1 năm qua. Dịch ASF cũng làm tổng 20% đàn lợn bị thiệt hại, nguy cơ thiếu hụt thịt lợn vào dịp cuối năm lên đến gần 500.000 tấn.
Giá lợn hơi có thể tăng lên mức 60.000 đồng/kg đẩy giá thịt lợn “phi mã” vào cuối năm nay. Ảnh: Kh.V
Việt Nam sẽ thiếu 500.000 tấn thịt lợn
Dịch ASF đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con lợn (chiếm 30% tổng đàn). Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đã khiến nguồn thịt lợn nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm đáng kể, Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thịt lợn nghiêm trọng. Theo thông tin đăng tải trên nhiều tờ báo quốc tế và trong nước, khủng hoảng thịt lợn tại Trung Quốc đã trầm trọng đến mức, nhiều địa phương đã phải xả kho đông lạnh dự trữ để bình ổn giá. Giá thịt lợn tại quốc gia này tăng 50% và nguy cơ còn tăng tiếp nếu nguồn cung không được cải thiện.
Tại Trung Quốc, có ít nhất 4 địa phương phải xả kho đông lạnh dự trữ để bán cho khoảng 130 triệu dân trên địa bàn nhằm nỗ lực bình ổn giá và tăng nguồn cung trong bối cảnh quốc gia này sắp đón hai kỳ lễ lớn là Quốc khánh (1.10) và Tết Dương lịch. Chưa kể, Tết Nguyên đán đang đến gần. Thành phố Tế Nam (Trung Quốc) cũng vừa xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh với số lượng khoảng 1.500 tấn, chia làm hai đợt. Đợt đầu tiên vào dịp Trung thu và đợt hai trước ngày Quốc khánh. Trước đó, tỉnh Hải Nam, Quảng Đông và thành phố Quảng Châu đã phải thực hiện giải pháp này.
Tại Việt Nam, dịch ASF đã lan rộng trên toàn quốc, khiến 4 triệu con lợn phải tiêu hủy, chiếm hơn 20% tổng đàn lợn cả nước. Trên toàn quốc, các gia trại có quy mô nhỏ lẻ đã bị dịch ASF “quét sạch” đàn lợn. Hầu hết chủ nuôi này đều không dám tái đàn.
Các trang trại lớn đang gồng mình chống chọi với dịch ASF, đặc biệt là tại các “thủ phủ” chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… Sự thiếu hụt lợn thịt đã đẩy giá thịt lợn tại các chợ dân sinh thêm 10.000-20.000 đồng/kg. Nhiều thương lái không thể bắt được lợn để giết mổ do nguồn cung hạn chế và giá quá cao.
Tại các tỉnh phía Nam, giá lợn hơi dao động ở mức 41.000-44.000 đồng/kg tùy địa bàn. Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn dao động 46.000- 48.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều nơi giá lợn hơi lên tới 50.000 đồng/kg. “Với mức giá này, nếu không tăng giá bán lẻ, người giết mổ sẽ không có lãi” - bà Nguyễn Thị Mai (bán thịt lợn tại chợ Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Theo Bộ Công Thương, giá thịt lợn tại Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong các tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, Công ty Nghiên cứu Thị trường Ipsos Business Consulting dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu tiêu dùng.
Trung Quốc “sốt” giá, có hút hết thịt lợn Việt Nam?
Thực tế các năm trước, khi giá lợn hơi tại Trung Quốc cao hơn ở Việt Nam, các thương lái đã gom mua lợn rồi bán tiểu ngạch sang quốc gia này để bán, kiếm chênh lệch. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm nay, các cửa khẩu giữa 2 quốc gia đóng lại không cho phép lùa lợn sống sang bên kia biên giới. An ninh cửa khẩu được siết chặt nên không có tình trạng xuất khẩu lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Ở đường chính ngạch, do 2 nước chưa thống nhất một số điểm nên việc xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc chưa triển khai được tại thời điểm này.
Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Công Thương, thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt của Hoa Kỳ, thì Việt Nam với lợi thế là chung đường biên giới, cùng thói quen chăn nuôi và ăn thịt lợn… sẽ là hướng mà Trung Quốc coi đây là thị trường tiềm năng để nhập khẩu thịt lợn. Nếu Trung Quốc tăng cường nhập khẩu, tình trạng thiếu hụt thịt lợn tại Việt Nam sẽ nghiêm trọng hơn khi hiện nay, lượng lợn thịt trong dân không còn nhiều.
Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, với đà tăng này, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg trong năm nay.
Theo Nam Phong/Lao động