Ông Bolton cho biết Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông sẽ gặp bất cứ ai để đối thoại, nhưng với "ông chủ Nhà Trắng" đối thoại không có nghĩa là thay đổi lập trường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Tây Nam Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 27/8 tuyên bố việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani về chương trình hạt nhân của Tehran không đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ thay đổi lập trường cứng rắn đối với Iran.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài châu Âu tự do/Đài Tự do (REF/RL), ông Bolton cho biết Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông sẽ gặp bất cứ ai để đối thoại, nhưng với "ông chủ Nhà Trắng" đối thoại không có nghĩa là thay đổi lập trường.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng nhấn mạnh “ý kiến cho rằng Iran sẽ nhận được một số lợi ích kinh tế hữu hình đơn thuần để nước này ngừng những việc không nên làm ngay từ đầu chỉ là điều viển vông.”
Theo ông, nếu đạt được một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran, đương nhiên là các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này sẽ chấm dứt vào thời điểm đó. Trong trường hợp chính quyền Tehran sẵn sàng đàm phán về vấn đề này, khi đó, một cuộc họp sẽ diễn ra.
Trong diễn biến liên quan, những nỗ lực làm trung gian hòa giải mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm tìm cách để Mỹ và Iran đàm phán dường như đã có được sự chấp thuận từ hai bên, mang lại hy vọng xoa dịu căng thẳng tại vùng Vịnh.
[Iran: Mỹ cần thay đổi chính sách sai lầm tại Trung Đông]
Chuyên gia Sadeq Zibakalam, Giáo sư Khoa học chính trị thuộc Đại học Tehran của Iran, đánh giá việc Tổng thống Macron làm trung gian hòa giải là "tia hy vọng le lói" được cả Tehran và Washington ủng hộ.
Trong vài tuần qua, ông Macron thường xuyên liên lạc với Tehran và Washington để đưa ra đề xuất về một giải pháp ngoại giao cho thế đối đầu Mỹ-Iran.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 26/8 vừa qua, nhà lãnh đạo Pháp đã thông báo ý định làm trung gian cho một cuộc gặp giữa Mỹ và Iran trong vài tuần tới.
Chuyên gia Zibakalam cho rằng cả Tehran và Washington đều nhận thấy nếu việc Pháp làm trung gian hòa giải có thể mang lại "trái ngọt," điều kiện tiên quyết chính sẽ là một số thay đổi trong lập trường của hai bên.
Ngay khi tới thành phố biển Biarritz, Tây Nam nước Pháp, ngày 25/8 để tham dự Hội nghị G7, sau cuộc gặp dài với người đồng cấp Pháp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện thái độ "vô cùng tích cực" đối với Iran khi nói rằng Washington không muốn một cuộc chiến với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Một ngày sau đó, "ông chủ Nhà Trắng" nhấn mạnh Mỹ không tìm cách thay đổi chính quyền tại Iran và để ngỏ khả năng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong hoàn cảnh thích hợp.
Về động thái này, chuyên gia Zibakalam cho rằng Tổng thống Trump nhận thấy đất nước Iran 80 triệu dân "là một thị trường chưa khai thác với nguồn năng lượng dồi dào cho các công ty Mỹ."
Theo chuyên gia Zibakalam, bên cạnh các cơ hội về kinh tế, một thỏa thuận với Iran - điều có thể xoa dịu căng thẳng và làm giảm nguy cơ nổ ra chiến tranh tại Trung Đông - cũng giúp gia tăng khả năng thành công của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 sắp tới./.
Theo Thanh Phương/TTXVN