BGTV- Thời điểm này nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, bên cạnh các tiêu chí về chất lượng dịch vụ thì giá cả là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Điều này khiến thị trường du lịch luôn sôi động với đủ mức giá “thượng vàng hạ cám”, tuy nhiên “mê cung” về giá cả cũng mang lại nhiều rủi ro, không ít khách hàng bị lừa đảo, quỵt tiền trắng trợn.
Thông tin “câu khách” mập mờ
Nội dung chào mời hấp dẫn nhưng thông tin không cụ thể, chi tiết là phương thức chung phổ biến của nhiều tour du lịch giá rẻ. Đối tượng nhắm đến chủ yếu là khách hàng không có nhiều kinh nghiệm du lịch, ít trải nghiệm nên “dễ bị dụ”. Trường hợp chị Nguyễn Thu P (Phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) là một ví dụ. Vừa qua chị Loan cùng gia đình 7 người lựa chọn chuyến du lịch Sapa thông qua một trang fanpage du lịch trên facebook với mức giá quảng cáo hấp dẫn chỉ 999.000 đồng/người bao gồm ăn ở, tuy nhiên chất lượng phòng ở và dịch vụ thì lại không đúng như những gì quảng cáo. “Vì toàn mấy chị em nội trợ, hiền lành nên chúng tôi chấp nhận bỏ qua nhưng bên cung cấp lấy lý do trục trặc với phía khách sạn nên đẩy chúng tôi đến khu nhà nghỉ chất lượng kém, cũng biết giá rẻ thì không thể đòi hỏi nhiều nhưng họ làm như vậy khiến khách hàng cảm thấy không được tôn trọng” – chị P bức xúc.
Thận trọng trước lời quảng cáo hấp dẫn từ các tour giá rẻ
Cũng “ngậm đắng nuốt cay” vì chuyến du lịch đến Thái Lan 4 ngày 3 đêm không như ý muốn, chị Lê Bích H. (Thị Trấn Cầu Gồ, Yên Thế) cho biết, thông tin quảng cáo của đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch này tour có giá 7 triệu đồng/ người, nếu mua cho người thứ 3 trở lên thì giá chỉ còn 5,9 triệu đồng/người . Tuy nhiên lịch trình mua sắm dày đặc nên thời gian thăm quan rất ít ỏi.
“Khi mua họ quảng cáo được tặng vé vui chơi chỗ nọ chỗ kia nhưng qua đấy rồi muốn vào lại mất hơn 1 triệu đồng/người, chưa kể các loại tiền “típ” cho tài xế rồi hướng dẫn viên cũng tốn tiền triệu, chỗ thăm thú vui chơi không được nhiều, chi phí nhẩm tính cũng hơn 8 triệu, tưởng rẻ mà cũng chẳng rẻ, nhiều người trong đoàn còn nói đi chơi mà như đi “xin lửa”, đến đâu cũng ào ào chẳng vui chơi thăm thú được nhiều” – chị H chán nản nói về chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của mình.
Cẩn trọng với các “công ty ma”
Đầu tư vào du lịch những năm qua được xem là “mỏ vàng” với nhiều đơn vị cung cấp do nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao. Tuy nhiên sự “nở rộ” của thị trường này cũng kéo theo nhiều công ty du lịch “ma”, nhận tổ chức tour qua mạng xã hội, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản và không hề có trụ sở. Có chăng chính sự lỏng lẻo trong việc cấp phép, quản lý thành lập các công ty lữ hành khiến các công ty du lịch “ma” có điều kiện tung hoành và khiến thị trường du lịch “vỡ” không ít vụ khi số tiền khách hàng bị lừa đảo lên tới hàng tỷ đồng.
Theo Luật Du lịch và Thông tư 89/2008/TT-BVHTTDL, việc lập các trang web du lịch “ảo” vi phạm về điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa của Bộ VH-TT&DL, và đa số các trường hợp người đặt tour gặp rắc rối do “vấp” phải các tour bán online, nhiều sản phẩm tour “nhái” được tung ra nhằm trục lợi từ phía khách hàng. Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Giang, để tránh “tiền mất, tật mang” khi đăng ký tour du lịch, người dân nên vào tham khảo danh sách các doanh nghiệp đã được Sở cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch lữ hành.
Khách hàng nên lựa chọn tour du lịch từ các đơn vị lữ hành uy tín, tránh rủi ro và có những trải nghiệm du lịch tốt nhất
Thời điểm người người, nhà nhà đầu tư làm du lịch khiến cuộc cạnh tranh về giá tour cực kỳ khốc liệt buộc các doanh nghiệp phải “đấu đá”, chiêu bài về giá cả chính là mồi nhử dễ dàng nhất để kéo khách hàng. Tuy nhiên với những mức giá “rẻ đến siêu rẻ” thường đi cùng với chất lượng dịch vụ bị cắt giảm hoặc “chặt chém” khách hàng để lấy phần trăm, gây ảnh hưởng chất lượng tour và tạo nên diện mạo “bát nháo” về du lịch giá rẻ thời gian gần đây, chưa kể sự lỏng lẻo trong công tác quản lý các đơn vị lữ hành cũng tạo kẽ hở cho nhiều hình thức lừa đảo trá hình, khiến khách hàng “ngả ngửa” vì giao niềm tin sai chỗ.
Do đó về lâu dài, để cải thiện chất lượng du lịch cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước và các chế tài để nắm bắt được các công ty về từng tour du lịch, nhất là du lịch nước ngoài. Cần công khai các công ty được phép kinh doanh lữ hành quốc tế hiện nay với thông tin cụ thể, các tour chính thống với đầy đủ giá thành, tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý và yêu cầu các công ty lữ hành phải kê khai đầy đủ rõ ràng, công khai, nhất là ở thời điểm lễ, Tết, nghỉ hè, mùa lễ hội.
Du lịch là sản phẩm đặc biệt nơi khách hàng trả tiền trước và đổi lại bằng trải nghiệm rồi mới có được những kinh nghiệm và đánh giá về đơn vị cung cấp dịch vụ, do đó để “trụ vững” và làm ăn lâu dài, các doanh nghiệp lữ hành cần đặt chữ tín lên hàng đầu – yếu tố quyết định thành bại và tạo dựng niềm tin nơi khách hàng./.
Minh Anh