Lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng tình hình nhiều công ty gặp khủng hoảng hay phá sản do dịch Covid-19, nhiều nước đã nhanh chóng thiết lập "hàng rào" để ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty này.
Nhiều công ty lớn thiệt hại nặng nề vì Covid-19
Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, nhiều quốc gia khắp thế giới đang dựng “hàng rào” để ngăn chặn nỗ lực của các bên thâu tóm tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm mua lại các tài sản quan trọng mang tính chiến lược, vốn bị mất giá trị do đại dịch Covid-19.
Từ Mỹ đến Ấn Độ, Australia, các chính phủ đang cảnh báo về sự cần thiết nhằm ngăn chặn các ngành công nghiệp quan trọng rơi vào tay các đối thủ và đã nhanh chóng hành động nhằm chống lại các vụ bán các công ty giá trị nhưng giá cổ phiếu bị giảm mạnh do cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đã gây sụt giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự báo một sự suy thoái toàn cầu và Liên Hợp Quốc ước tính thế giới có thể thiệt hại khoảng 2.000 tỷ USD vì dịch Covid-19.
Hàng tỷ USD của các công ty đã bị “thổi bay”. Chỉ riêng tại Mỹ, chỉ số Dow Jones, dù đã hồi phục gần đây, đã giảm 18% kể từ cuối tháng 2.
Boeing và Airbus, các tập đoàn chế tạo máy bay lớn của Mỹ và châu Âu, đều mất gần 60% giá trị cổ phiếu kể từ giữa tháng 2. Các cổ phiếu của tập đoàn năng lượng ENI của Italia và hãng khai mỏ lớn nhất Australia, BHP Group, cũng giảm ít nhất 40% giá trị kể từ tháng 1.
Nguy cơ bị thâu tóm
Bà Margrethe Vestager, cao ủy về chính sách cạnh tranh ở châu Âu (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh giá cổ phiếu trong các công ty năng lượng và hàng không vũ trụ lao dốc, chính phủ các nước lo ngại rằng các đối thủ như Trung Quốc sẽ có cơ hội thâu tóm tài sản. Chỉ trong vòng vài tuần qua, các quốc gia đã đưa ra một loạt các biện pháp bảo vệ mới để đề phòng kịch bản đó, trong đó có việc gia tăng xét duyệt các đầu tư nước ngoài và thậm chí cân nhắc có mua cổ phần của một số công ty được xem là chiến lược.
Bà Margrethe Vestager, cao ủy về chính sách cạnh tranh ở châu Âu, cho biết hồi tháng trước rằng các quốc gia châu Âu nên cân nhắc mua cổ phần trong các công ty để ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc thâu tóm, Financial Times đưa tin.
“Chúng ta không có bất kỳ vấn đề gì với việc các nhà nước đóng vai trò như những người tham gia thị trường nếu cần, nếu họ tham gia cổ phần trong một công ty, nếu họ muốn ngăn chặn sự thâu tóm kiểu này”, SCMP dẫn lời bà Margrethe.
Rod Hunter, một luật sư tại Washington từ hãng Baker McKenzie chuyên cố vấn về các khoản đầu tư nước ngoài, nói “các chính phủ đang lên tiếng rằng họ không muốn người khác thâu tóm thị trường”.
“Một hệ quả lâu dài của đại dịch là nó sẽ bộc lộ những khu vực dễ tổn thương khắp nền kinh tế, dù là phụ thuộc vào Trung Quốc về các thành phần thuốc hay châu Âu về thiết bị y tế”, ông Hunter, người cũng từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói thêm. “Việc nhận thức được những nguy cơ tổn thương này sẽ ảnh hưởng tới cách các chính phủ xem xét các khoản đầu tư nước ngoài từ khắp các khu vực, đặc biệt là Trung Quốc”.
Trung Quốc bị dè chừng
Trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ về các tham vọng toàn cầu trong sự phát triển công nghệ và quân sự dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các khoản đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược đã trở thành một vấn đề nhạy cảm tại phương Tây. |
Đại dịch đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ khắp toàn cầu về việc các quốc gia của họ bị phụ thuộc nặng nề Trung Quốc như thế nào về các sản phẩm đơn giản nhưng rất quan trọng, từ khẩu trang tới thuốc, và nền kinh tế của họ bị tác động ra sao với các chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực.
Và các chính phủ vốn đưa ra một loạt các hạn chế đang phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: bảo vệ an ninh quốc gia mà không ảnh hưởng tới các khoản đầu tư nước ngoài giữa lúc các doanh nghiệp rất cần vốn để tồn tại.
Trung Quốc không được đề cập cụ thể trong bất kỳ biện pháp mới nào, nhưng trong các cuộc thảo luận về sự cần thiết của các bước đi này, giới chức đã bày tỏ lo ngại về việc quá phụ thuộc vào ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách cấp cao EU gần đây đã nói rằng việc các chuỗi cung ứng bị phá vỡ trong đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải có năng lực sản xuất nội địa để sản xuất các sản phẩm quan trọng.
Vào ngày 25/3, Ủy ban châu Âu đã ra các quy định hướng dẫn đầu tư mới cho các quốc gia thành viên để bảo vệ các tài sản, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, nghiên cứu y học, công nghệ sinh học và cơ sở hạ tầng.
Các quy định mới yêu cầu các quốc gia thành viên như Hy Lạp và Bỉ vốn thiếu việc xét duyệt kỹ đầu tư cần thiết lập các cơ chế xem xét.
“Rủi ro đối với các khả năng chiến lược lớn hơn của EU có thể bị làm trầm trọng thêm bởi sự biến động hoặc đánh giá thấp của các thị trường chứng khoán châu Âu”, Ủy ban cho biết. “Các tài sản chiến lược có tầm quan trọng đối với an ninh của châu Âu, và là một phần xương sống của nền kinh tế, và do đó là khả năng để phục hồi nhanh chóng”.
Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng được đề nghị cân nhắc ảnh hưởng đối với toàn Liên minh châu Âu nói chung.
“Hãy nhớ rằng, việc thâu tóm một công ty tại quốc gia của bạn có thể gây ảnh hưởng an ninh tới các quốc gia thành viên khác, hoặc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới một dự án mang lại lợi ích chung của liên minh. Ngày nay, hơn lúc nào hết, sự cởi mở của EU đối với đầu tư nước ngoài cần được cân bằng với các công cụ xem xét phù hợp”, cao ủy châu Âu Phil Hogan nói.
Nhiều nước cùng hành động
Giới chức chính phủ tại các quốc gia khác cũng có những lo lắng tương tự.
Ví dụ, Australia - mặc dù nền kinh phụ thuộc nặng nề vào thương mại với Trung Quốc - cũng đã yêu cầu các đề xuất thâu tóm nước ngoài phải trải qua xét duyệt và loại bỏ ngưỡng định giá 1 đôla. Nước này cũng kéo dài thời gian xét duyệt từ 30 ngày lên tới 6 tháng.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg (Ảnh: AAP)
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg đã bày tỏ lo ngại về việc các công ty bị khủng hoảng vì đại dịch có nguy cơ rơi vào tay các lợi ích nước ngoài cơ hội.
“Nhiều khả năng sẽ có sự gia tăng về việc chuyển nhượng tái cấu trúc nợ đối với các doanh nghiệp Australia, cùng với các cơ hội đầu tư vào các công ty gặp khó khăn. Nếu không có những thay đổi này, có thể nhiều công ty của Australia trước đó hoạt động bình thường có thể bị bán cho nước ngoài mà không có sự giám sát của chính phủ, gây ra các nguy cơ đối với lợi ích quốc gia”, chính phủ Australia cho biết trong một tuyên bố.
Tương tự, vào ngày 17/4, Ấn Độ đã điều chỉnh các quy định đầu tư nước ngoài để đề phòng bất kỳ quốc gia nào có biên giới trên bộ với nước này, một động thái rõ ràng là nhắm tới Trung Quốc.
“Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã gây ra những lo ngại kinh tế và chiến lược hiện thời của Delhi”, nhóm nghiên cứu của Viện Brookings cho hay. “Các lo ngại này bao gồm việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc về các nguồn đầu vào công nghiệp. Do đại dịch Covid-19, mong muốn thúc đẩy sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa các phương án của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ gia tăng”.
Bị đại dịch Covid-19 tấn công đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái tại Vũ Hán, Trung Quốc đã buộc phải đóng cửa hàng loạt nhà máy và doanh nghiệp. GDP của Trung Quốc đã sụt giảm 6,8% trong quý I/2020, mức tăng trưởng âm đầu tiên từ năm 1976 sau nhiều thập niên tăng trưởng “nóng”.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm đối phó dịch Covid-19 có thể khiến nước này phục hồi tài chính nhanh hơn các quốc gia khác ở phương Tây, cho phép Trung Quốc có lợi thế trong việc theo đuổi các vụ thâu tóm chiến lược.
“Chúng ra đều có thể dự đoán rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phục hồi. Họ cũng có thể đã ở cuối của cuộc khủng hoảng. Tình hình tài chính của họ đang ổn định”, John Lash, một cố vấn kinh doanh về các vụ thâu tóm tại ở Washington, nhận định. “Mặc khác, nếu bạn là một nhà đầu tư tại Mỹ lúc này, nhiều khả năng sẽ không bỏ vốn khi có nhiều rủi ro”.
Mặc dù đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã giảm xuống còn 117 tỷ USD từ mức đỉnh 196 tỷ USD vào năm 2016, các tập đoàn công nghệ và công nghệ viễn thông tiếp tục thống trị các vụ thâu tóm nước ngoài của Trung Quốc, với 22% các thỏa thuận được hoàn tất trong các lĩnh vực này năm qua.
Ví dụ, các tham vọng của Trung Quốc về thống trị lĩnh vực công nghệ không thay đổi: chỉ trong tuần này, Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch mới trong năm nay có tên gọi “Các tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” nhằm đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho việc phân phối sản xuất, sử dụng công nghệ mới như viễn thông và trí tuệ nhân tạo.
Hồi tháng 3, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Ellen Lord phụ trách về giám sát các khoản đầu tư nước ngoài đã cảnh báo rằng “điều rất quan trọng là cần hiểu rằng trong cuộc khủng hoảng này, cơ sở công nghiệp quốc phòng dễ bị tổn thương trước vốn của đối phương”.
Ông Lord cho biết, các doanh nghiệp nhỏ có thể “có thể dễ đi vào các thỏa thuận lúc gặp khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài do tình trạng không chắc chắn liên quan tới việc gia hạn các hợp đồng quốc phòng”.
Ông John Lash nói ông đã bắt đầu nhận thấy sự gia tăng trong mối quan tâm của nước ngoài đối với các công ty Mỹ đang gặp khủng hoảng.
Ngành công nghệ đặc biệt thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều trong số đó từ Trung Quốc, chào mời việc đầu tư - từ các khoản vay chuyển đổi sang mua đứt đoạn, ông Lash nói. Ông không tiết lộ các thỏa thuận cụ thể do tính chất nhạy cảm của các vụ chuyển nhượng.
Theo ông Lash, các giao dịch như vậy sẽ thu hút sự chú ý của Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Cơ quan liên bang này xem xét hầu hết các thỏa thuận nước ngoài về các ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và càng được tăng quyền trong những năm gần đây kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống.
“Bạn có thể gặp phải tình huống CFIUS trở lại và xem xét chúng sau đó”, ông Lash nói. “Nhưng nếu bạn là một công ty cần tài chính để tiếp tục hoạt động, bạn nên nói "chúng tôi sẽ nhận tiện vì chúng tôi cần nó ngay bây giờ". Rất khó để cân bằng, nhưng chúng ta phải hiểu sẽ có các đối thủ muốn lợi dụng tình hình”.
Theo An Bình/Dân trí (nguồn SCMP)
https://dantri.com.vn/the-gioi/nhieu-nuoc-dung-hang-rao-ngan-trung-quoc-vung-tien-thau-tom-cac-cong-ty-20200506070357948.htm