Triều Tiên sáng sớm nay (29/3) đã phóng 2 vật thể được nhận định là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra khu vực ở phía Đông bờ biển nước này.
Với nhiều tên lửa được phóng nhất trong vòng 1 tháng cùng với các cuộc tập trận quân sự vẫn diễn ra khiến dư luận lo ngại Triều Tiên có thể đang quay trở lại chính sách cứng rắn tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn được bắn vào ngày 16/8/2019. (Nguồn: KCNA/AFP).
Theo văn phòng của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, hai tên lửa tầm ngắn được phóng từ khu vực bờ biển Wonsan, phía đông Triều Tiên, bay xa 230km theo hướng đông bắc. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sáng nay cũng cho biết tên lửa đã không rơi xuống lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Nhật Bản đang tiếp tục nỗ lực thu thập, phân tích và giám sát thông tin.
Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho rằng trong bối cảnh cả thế giới đang phải trải qua thời điểm khó khăn của dịch Covid-19, hành động quân sự này của Triều Tiên là không thích hợp và Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên dừng ngay lập tức các hành động này.
Đây là tên lửa thứ 8 và thứ 9 trong 4 lần thử tên lửa trong tháng này của Triều Tiên, khi nước này vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự, thường có sự giám sát của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Theo nhận định của nhiều chuyên gia theo dõi tình hình tại Triều Tiên, đây là lần Triều Tiên phóng tên lửa nhiều nhất trong vòng 1 tháng. Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên là vào ngày 21/3, với xác nhận là một vụ thử nghiệm “vũ khí dẫn đường chiến thuật" vừa mới được phát triển.
Đánh giá về động thái mới nhất của Triều Tiên, giới chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng các vụ phóng tên lửa gần đây dường như chủ yếu nhằm tăng cường sức mạnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 và những khó khăn kinh tế do chế độ trừng phạt quốc tế kéo dài.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Triều Tiên Tomas Quintana mới đây kêu gọi quốc tế xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để đối phó với dịch Covid-19.
“Tôi tin rằng cô lập đất nước không phải là câu trả lời để giải quyết vấn đề Triều Tiên trong tình hình hiện nay. Chính phủ Triều Tiên cũng cần cởi mở hơn để có thể nhận được sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, trong khi quốc tế cũng cần xem xét một số lập trường về Triều Tiên, trong đó có liên quan đến vấn đề trừng phạt”, ông Tomas Quintana cho biết.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, với các cuộc đàm phán bị đình trệ, hàng loạt các vụ diễn tập quân sự và phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây cho thấy nước này đang quay trở lại chính sách “cứng rắn”, tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này, giống như thời điểm năm 2016-2017. Hàng loạt vụ phóng tên lửa thể hiện quyết tâm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục tuân theo chính sách đã đưa ra vào tháng 12/2019 bất chấp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Trong thông điệp Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cảnh báo sẽ trình làng vũ khí chiến lược mới trong tương lai gần, với nhiều chuyên gia nhận định có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa tiên tiến mới. Sau hàng loạt các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã ngay lập tức kêu gọi các bên liên quan khôi phục đàm phán và đối thoại.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự linh hoạt trong các vấn đề quan tâm, cũng như tham gia đàm phán và đối thoại. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên nỗ lực tích cực để làm dịu tình hình, để các cuộc đàm phán tiếp tục và hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài tại khu vực và trên bán đảo Triều Tiên”.
Bất chấp các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây nhưng giới quan sát nhận định cánh cửa đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa bị đóng lại. Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy mối quan hệ với Triều Tiên thông qua “ lời đề nghị hợp tác chống dịch” thể hiện Mỹ vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên. Khẳng định không nên vội vã kết luận về sự thay đổi trong mối quan hệ với Mỹ, nhưng quan chức Triều Tiên cũng có phản ứng khá ôn hòa với lời đề nghị hợp tác của Mỹ.
Theo chuyên gia Scot Snyder, Giám đốc viện chính sách Mỹ-Hàn Quốc của Hội đồng đối ngoại, điều quan trọng là Mỹ tiếp tục gửi đi các dấu hiệu sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và đường dây liên lạc cấp lãnh đạo giữa hai bên vẫn được duy trì. Điều đó cho thấy cánh cửa đối thoại Mỹ- Triều vẫn để mở, theo nhiều cách khác nhau./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/lien-tiep-phong-ten-lua-trieu-tien-dang-quay-tro-lai-chinh-sach-cu-1029689.vov